VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

Tập trung đầu tư để hình thành các trung tâm kinh tế mới (20/10)

06/08/2010 - 211 Lượt xem

>> Cần khuyến khích đầu tư mở trường dạy nghề

Tiếp tục phân cấp

* Năm 2007 sẽ chỉ có 11 tỉnh, thành phố có tỉ lệ điều tiết về ngân sách trung ương, giảm bốn tỉnh so với thời kỳ 2004-2006. Theo ông, vì sao lại có sự thụt lùi như vậy?

- Tại báo cáo thẩm tra trình bày trước QH, Ủy ban Kinh tế và ngân sách cũng đã đề nghị Chính phủ giải trình vấn đề này. Điểm quan trọng, theo tôi, là phải đảm bảo phát triển cả nước để tạo sự nhất quán, tạo sự linh hoạt và chủ động cho ngân sách địa phương thông qua phân cấp và áp dụng hệ thống cơ chế thích hợp. Chính vì vậy, trong bốn năm tới (2007-2010) phải tiếp tục phân cấp nhằm giảm việc “xin đi xin lại” và tạo thêm những điểm nhấn nữa trong hệ thống đô thị.

Ví dụ như hiện nay Hà Nội, TP.HCM chịu rất nhiều sức ép về lao động việc làm, môi trường, cơ sở hạ tầng...

Do vậy, cả bên bị ép lẫn bên mang đến sức ép cho đô thị đều “khổ”. Cho nên hướng sắp tới, chúng ta sẽ hình thành thêm những trung tâm kinh tế vừa tránh tình trạng tạo sức ép cho các đô thị cũ, vừa khai thác được những tiềm năng mới ở những vùng đất mới. Có thể sẽ hình thành các trung tâm kinh tế mới ở Đồng Nai, hoặc Bình Dương, Long An (gần TP.HCM). Ngoài Hà Nội cũng có thể có thêm Hải Dương hay Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

* Có nghĩa con số 15 tụt giảm xuống còn 11 không đáng lo ngại?

- Tại một cuộc họp ở TP.HCM, cũng có ý kiến hỏi về việc tỉ lệ điều tiết để lại cho địa phương ở một số nơi trước đây nhiều, sao bây giờ lại “bé” thì tôi cũng nói như vậy. Năm 2007, TP.HCM tỉ lệ điều tiết là 26% thay vì 29% hiện nay, còn Hà Nội từ 32% xuống còn 31% nên đã có ý kiến phản ứng.

Phải nhận thức rằng Hà Nội là của cả nước, TP.HCM cũng vậy. Những cái tạo ra trên đất Hà Nội, TP.HCM không chỉ thuần túy của Hà Nội, của TP.HCM. Cho nên nguồn thu cũng phải được san sẻ cho các địa phương khác.

Mặt khác, mặc dù tỉ lệ điều tiết giảm đi song số tuyệt đối vẫn tăng lên. Việc hình thành thêm những trung tâm kinh tế mới, như tôi phân tích ở trên, sẽ tạo ra sự phấn chấn cho cả hai bên thì rõ ràng chất lượng, hiệu quả sẽ cao hơn!

* Như vậy liệu có đảm bảo tinh thần của Luật ngân sách nhà nước là số địa phương tự cân đối được ngân sách và có ngân sách điều tiết về trung ương phải tăng lên sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách?

- Cái gì chưa thật phù hợp thì có thể xem xét sửa luật. Trước hết cần thống nhất quan điểm: nguồn lực cho ngân sách trung ương phải đủ lớn để trở thành một quả đấm thực hiện ổn định và phát triển đất nước.

* Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần tập trung đầu tư cho những vùng kinh tế trọng điểm, để từ đó tạo ra sức bật chung cho cả nền kinh tế hơn là việc phân bổ đầu tư một cách dàn trải, “cào bằng” giữa các địa phương?

- Nguồn lực nhà nước đầu tư không chỉ gói gọn ở ngân sách nhà nước mà còn ở nhiều nguồn như: nguồn vốn vay, nguồn viện trợ, nguồn trái phiếu, công trái... Như TP.HCM được phép sử dụng cả trái phiếu chính phủ làm một số đường mới và Hà Nội cũng vậy.

Trong kế hoạch năm năm huy động trái phiếu 110.000 tỉ, Ủy ban Thường vụ QH cũng đồng ý cho nguồn vốn này đầu tư vào những công trình trọng điểm tại những địa bàn trọng điểm, hoặc những công trình tác động liên khu vực chứ không chỉ đầu tư cho đường sá và thủy lợi ở những tỉnh miền núi. Làm được như vậy sẽ tạo ra những cú hích cải thiện nhiều hơn nữa cơ sở hạ tầng ở diện rộng chứ không chỉ bó hẹp ở một địa phương.

Cạnh tranh sẽ gay gắt hơn

* Có ý kiến nhận xét việc VN gia nhập WTO chỉ được xem như một phần của báo cáo kinh tế - xã hội do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình trước QH. Trong khi lẽ ra đây phải là một điểm trọng tâm nổi bật ở năm 2007 với các giải pháp và ứng phó cho thời kỳ hội nhập bởi nó tác động lên toàn bộ nền kinh tế?

- Tôi không bình luận khía cạnh này trong báo cáo của chính phủ. Quan điểm của tôi là vào WTO có thuận lợi nhưng cũng có nhiều thách thức và khó khăn bởi xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp, chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành một nền kinh tế trong không gian toàn cầu hóa. Cho nên bây giờ cần khẩn trương xác định chương trình hành động thật cụ thể trong phạm vi cả nước, trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Việc VN gia nhập WTO sẽ tác động lớn đến hai chỉ tiêu quan trọng là tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước. Vì vậy phải chủ động dự báo, tính toán, phân tích kỹ các nhân tố tăng và nhân tố tác động giảm hai chỉ tiêu này.

Với cam kết giảm dần và tiến tới xóa bỏ hẳn các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, xóa bỏ trợ cấp đối với doanh nghiệp thì vấn đề cạnh tranh để phát triển của nền kinh tế, của các ngành sản xuất và của từng doanh nghiệp, từng sản phẩm sẽ ngày càng gay gắt hơn. Để giảm thiểu thua thiệt, nâng cao khả năng cạnh tranh, cần thống nhất quan điểm phát triển toàn diện không đồng nghĩa với “khép kín”, “cái gì cũng làm”.

* Khi VN gia nhập WTO, những hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ sẽ không được WTO cho phép mà chỉ còn những hỗ trợ gián tiếp. Những khoản hỗ trợ này đã được tính toán ra sao?

- Có chứ. Nguồn hỗ trợ này sẽ tập trung cho cơ sở hạ tầng, nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật... để từ đó doanh nghiệp tự vận động, mang lại hiệu quả và nâng sức cạnh tranh chứ không phải theo kiểu cho một cục tiền để bù lỗ.

* Xin cảm ơn ông.

ĐÀ TRANG - XUÂN TOÀN thực hiện

Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn, ngày 20/10/2006