VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

“Thời của những doanh nhân cơ hội đã qua”

06/08/2010 - 474 Lượt xem

Điều đầu tiên nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2006, với tư cách là Chủ tịch VCCI, ông muốn gửi tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân điều gì?

Tôi muốn gửi gắm một điều, rằng từ nay, cộng đồng doanh nghịêp, doanh nhân chúng ta phải đặt mình trong một bối cảnh hội nhập mở cửa thị trường theo cam kết về thời hạn và lộ trình đã được xác định, trong không gian toàn cầu. Và vì vậy, việc trước tiên mà mỗi doanh nghiệp, doanh nhân phải chuẩn bị cho mình chính là một tầm nhìn hội nhập - tầm nhìn toàn cầu.

Tầm nhìn đó phải được thể hiện cụ thể trong một chiến lược tương đối dài hơi của mỗi doanh nghiệp trên cơ sở nhận thức một cách đấy đủ về lộ trình hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế thế giới.

Nói vậy, bởi tôi muốn nhắc tới bối cảnh đặc biệt của năm 2006, thời điểm hội nhập AFTA chuyển sang một cấp độ mới đầy đủ hơn, thời điểm Việt Nam hy vọng sẽ chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hai sự kiện trên có thể coi như sự khởi đầu thực sự của các tiến trình hội nhập khu vực và thế giới của Việt Nam, khiến vấn đề hội nhập buộc phải đặt ra với những góc nhìn mới toàn diện hơn, với những đòi hỏi gắt gao hơn về gia tốc của quá trình đổi mới, cải cách môi trường kinh doanh cũng như gia tốc của sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2006, với vị thế chủ nhà APEC, chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh các tổng giám đốc APEC (CEO Summit), chủ tịch của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), có nghĩa là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và tổ chức đại diện của mình là VCCI phải vươn tới tầm vóc quốc tế để chủ trì các hoạt động đó thành công. Đó cũng là yêu cầu của hội nhập.

Hội nhập sẽ buộc phải chơi chung luật chơi quốc tế, chuẩn mực quốc tế và đương nhiên đòi hỏi những người chơi cũng phải có tầm vóc quốc tế.

Vậy, theo ông, vấn đề hội nhập vào thời điểm này đang được nhìn nhận như thế nào?

Hội nhập không phải là vấn đề mới nhưng chưa bao giờ là đề tài cũ. Bởi, hội nhập bản thân nó là một tiến trình. Hội nhập cũng không phải chỉ là vấn đề ở đâu đó bên ngoài biên giới quốc gia, trong quan hệ giữa các quốc gia mà còn là vấn đề ở trong nền kinh tế của chúng ta.

Điều tôi muốn nói là các bước đi để hội nhập tương đồng với chính những nỗ lực để giải quyết các tồn tại của nền kinh tế Việt Nam, trong quan hệ giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp và trong quan hệ giữa các doanh nghiêp, doanh nhân với nhau…

Tôi đã trao đổi với nhiều doanh nhân, kết quả khảo sát Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mấy năm qua cho thấy thủ tục hành chính vẫn còn nhiêu khê, chậm trễ. Do đó, không ít doanh nghiệp gặp trở ngại bởi sự chậm trễ của chính quyền.

Gia nhập WTO, lộ trình tổng thể đã được xác lập một cách rõ ràng đòi hỏi một cách nhìn đổi khác. Chúng ta đã xác định rõ thời điểm của lộ trình, cách tính toán không chỉ từ thực trạng để xây dựng các kế hoạch, các bước đi cho lộ trình mở cửa, xây dựng thể chế… như trước mà còn phải làm phép trừ lùi. Có nghĩa là phải lấy cái mốc đã được cam kết để xây dựng các bước đi.

Chúng ta cũng không thể trì hoãn, chậm trễ hơn, không thể áp dụng cách đi “vừa với sức vươn”, theo sự chịu đựng sẵn có, thậm chí có thể có điểm dừng, điểm lùi, để chuẩn bị kỹ càng hơn như trước đây, khi các cam kết chưa được đưa ra.

Với áp lực bên ngoài, từ các cam kết quốc tế buộc các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp phải tính tới tầm nhìn chí ít là sau 5-10 năm để có các kế hoạch cho hiện tại. Đó là về mặt thời gian. Còn về không gian thì phải đặt mình trong vận động của thị trường toàn cầu. Yêu cầu đó hiện nay đã rõ ràng, quyết liệt hơn rất nhiều.

Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã thực sự sẵn sàng bước vào sân chơi lớn, thưa ông?

Có một điểm khác biệt lớn so với nhiều năm trước. Đó là hiện nay, giới doanh nghiệp, doanh nhân đang nhận được sự kỳ vọng lớn của xã hội, sự tin tưởng lớn của xã hội như một đội ngũ xung kích của nền kinh tế, động lực và chủ thể của quá trình hội nhập. Đó là kết quả của quá trình hình thành và phát triển của đội ngũ doanh nhân trong những năm qua cũng như sự đổi mới chủ trương chính sách phát triển, nhận thức xã hội đối với doanh nghịêp doanh nhân.

Tất nhiên cũng phải nói rằng, ở đâu đó vẫn còn những trở ngại của môi trường kinh doanh, trong thực thi pháp luật, trong thủ tục hành chính, trong sự minh bạch của quy hoạch phát triển… nhưng rõ ràng Việt Nam đã có những bước dài trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh doanh. Lộ trình cho những cải cách tiếp theo trong các lĩnh vực trên đã được xác định.

Như vậy, vấn đề rất quan trọng và có tính chất quyết định đối với sự phát triển ở thời điểm này và trong tương lai chính là năng lực của mỗi doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Như tôi đã nói, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần phải hướng tới một tầm vóc toàn cầu. Tầm vóc ấy chỉ có được trên cơ sở một tầm nhìn toàn cầu trong cuộc cạnh tranh và hợp tác không biên giới.

Có lẽ điều quan trọng nhất với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hiện nay chính là khả năng sáng tạo. Chính sự sáng tạo sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập, tạo ra những mối quan hệ hữu cơ hơn trong thị trường khoa học công nghệ mà ở đó, doanh nghiệp, doanh nhân là chủ thể của sáng tạo công nghệ, vừa là khách hàng của chúng.

Thời của những thế hệ doanh nhân cơ hội đã qua đi, và bây giờ là thời của các nhà kinh doanh sáng tạo. Sáng tạo sẽ giúp tạo ra sự khác biệt và năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp. Đương nhiên, yêu cầu của nó cũng không hề đơn giản. Đó là phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực con người và tạo lập một cơ chế khuyến khích sự sáng tạo trong cả xã hội và trong từng doanh nghiệp.

Tôi thấy nhiều doanh nhân Việt Nam đã nhận thức đúng và đang chuẩn bị tích cực theo hướng này.

Nhưng nhiều người vẫn lo lắng về năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trên một sân chơi quá lớn?

Cần phải thấy rằng hội nhập trước hết là một cơ hội hợp tác, hướng tới mục tiêu hai bên cùng thắng. Tôi không cho rằng hội nhập là một cuộc chiến dứt khoát có kẻ thắng, người thua. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là thách thức về sự thua thiệt không lớn.

Doanh nghiệp Việt Nam phải đấu trí, đấu sức và thể hiện năng lực để có thể trở thành đối tác của thiên hạ, tạo nên thế hợp tác hai bên cùng có lợi. Vấn đề ở đây, theo tôi còn là tâm lý của các doanh nhân trước tiến trình này. Nhưng tôi cũng tin là các doanh nhân Việt Nam sẽ không chỉ nhanh chóng thích nghi với môi trường mới mà còn làm chủ trước những thay đổi đặt ra trong kinh doanh.

Mỗi doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam có thể vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh. Chúng ta có thể chuyển thách thức thành cơ hội, thì chúng ta cũng có thể biến đối thủ thành đối tác. Theo tôi, sự phân công lao động, sự hợp tác rất muôn hình, muôn vẻ khiến cơ hội để  hợp tác làm ăn cũng rất lớn.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị cuộc chơi theo hướng như vậy. Họ đã chuẩn bị một thế hợp tác trong chiến lược win-win với tầm nhìn toàn cầu. Các nhà dầu tư chiến lược đang được săn đón, ngay cả trong một số lĩnh vực được coi là kém sức cạnh tranh của Việt Nam. Theo tôi, động thái này chính là điểm tích cực của các doanh nghiệp Việt Nam theo quan niệm sẵn sàng là đối tác với các doanh nghiệp trên thế giới.

Hơn thế, các doanh nghiệp trong nước cũng đang có động thái liên kết lại. Có thể kể đến mô hình mạng lưới phân phối G7 của Trung Nguyên. Rõ ràng hội nhập tạo nên động lực để liên kết, không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau mà còn giữa các doanh nghiệp trong nước với nước ngoài.

Một kế hoạch thành lập hiệp hội doanh nghịêp của người Việt Nam ở nước ngoài cũng đang được xúc tiến. Liên kết giữa VCCI với các phòng thương mại công nghiệp quốc tế và các hịêp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng được thắt chặt hơn. Có nghĩa là trong luật chơi chung, các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới một tư duy chung với thế giới để có thể cùng làm ăn.

Trở lại nói về Ngày Doanh nhân Việt Nam, việc tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân dường như đang trở thành một cao trào ở tất cả các địa phương trên cả nước. Từ góc độ vị trí của mình, ông bình luận gì về điều này?

Đúng là sự hưởng ứng của các địa phương trong tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân rất lớn, sau hai năm chúng tôi cùng với các hiệp hội doanh nhịêp và các địa phương phối hợp tổ chức Ngày Doanh nhân Việt Nam. Chúng tôi thậm chí đã nghĩ đến việc đề nghị có hình thức tôn vinh, khen thưởng cấp Nhà nước với doanh nhân trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng tôn vinh chỉ là một mặt của vấn đề. Gần đây, phong trào tôn vinh những doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt rất rầm rộ, song dường như sự sẵn sàng cảm thông và chia sẻ với những doanh nghiệp, doanh nhân gặp rủi ro thất bại còn chưa tương xứng.

Chúng ta đều biết, một đặc điểm rất quan trọng của doanh nhân chính là dám làm và chấp nhận rủi ro. Chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận rủi ro chính là tinh thần doanh nhân. Có khi họ sẵn sàng thế chấp cả gia sản để thực hiện một kế hoạch kinh doanh, mặc dù hiểu rằng khả năng thành công và khả năng thất bại luôn luôn song hành.

Đặc biệt, khi chúng ta yêu cầu trong giai đoạn mới yếu tố sáng tạo là yêu cầu quan trọng nhằm  tạo ra năng lực cạnh tranh mới, thì cũng có nghĩa là sự rủi trong kinh doanh sẽ tăng lên, khi sáng tạo có nghĩa là “đi những con đường người khác chưa đi, làm những việc mà người khác chưa làm” và bao giờ cũng đi liền với mạo hiểm.

Ở nhiều nước, người ta đã hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ và chia sẻ rủi ro cho các doanh nhân trong việc triển khai các dự án kinh doanh mới. Thậm chí, không ít quốc gia đã có những cơ chế đặc biệt hỗ trợ các doanh nghịêp, dự án lớn khi gặp khó khăn, thậm chí là mua lại các doanh nghiệp này để hỗ trợ tái cơ cấu lại trước khi đưa trở lại thương trường… Cơ chế và cách làm có thể khác nhau, song tôi cho rằng, điều quan trọng là xã hội cần có thái độ nhìn nhận đúng đắn với những rủi ro của các nhà doanh nghiệp.

Hơn thế, hội nhập bên cạnh tạo ra cơ hội cho sự phát triển của cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cũng sẽ khiến không ít doanh nghiệp lao đao, thậm chí xoá sổ cả một số ngành nghề, lĩnh vực không còn khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới. Song, đó là quy luật của sự đào thải, là cái giá phải trả của hội nhập.

Người ta đã nói về sự phá sản của các doanh nghịêp thua lỗ là “sự tàn phá sáng tạo” để thông qua đó các nguồn lực xã hội, kể cả những doanh nhân đó sẽ được chuyển sang các lĩnh vực kinh doanh khác có hiệu quả hơn. Chúng ta không nên vì thế mà thổi phồng những lo lắng.

Chúng ta cần thừa nhận, tôn trọng, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân phát triển chủ yếu thông qua việc tạo lập môi trường kinh doanh, môi trường tâm lý xã hội thuận lợi cho doanh nhân. Chúng ta cần tôn vinh họ, dĩ nhiên rồi, nhưng cũng rất cần cảm thông, chia sẻ với nghề nghiệp đặc biệt này...

 

Quý Hiểu thực hiện

Nguồn: vneconomy.com.vn, ngày 13/10/2006