VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin mới

Doanh nhân một động lực của phát triển (13/10)

06/08/2010 - 251 Lượt xem

Trong số 100 doanh nhân (DN) tiêu biểu của năm 2006, có 37 DN thuộc khối các DN nhà nước, 3 DN thuộc khối HTX, 8 DN thuộc khối các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 52 DN thuộc các công ty cổ phần (trong đó có 8 DN trẻ).

Đây là những DN có thành tích cao trong SXKD, tạo nhiều công ăn việc làm và đóng góp tích cực vào công tác xã hội. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng khẳng định: Đảng, Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao vai trò và biểu dương đội ngũ DN VN trong sự nghiệp phát triển KTXH của đất nước.

Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở các DN cần phát triển cả về số lượng, chất lượng, nâng cao uy tín, đồng thời phải có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí và chủ động hội nhập quốc tế.

Tính cạnh tranh của một đất nước là tổng giá trị cạnh tranh của từng doanh nghiệp biết tận dụng lợi thế riêng của họ. Như vậy, doanh nhân là cái gốc của vấn đề cạnh tranh toàn cầu. Phát huy tính cạnh tranh của một đất nước là tạo đủ điều kiện thích hợp để doanh nhân có thể tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh của họ trên thương trường. Vậy thì điều kiện chủ yếu để doanh nhân có thể phát huy nội lực của họ là gì?

Cần được "cởi trói"...

Tháng 9 vừa qua, có hai báo cáo quốc tế hàng năm được công bố là báo cáo "chỉ số tự do kinh tế" của mỗi nền kinh tế và báo cáo về tính cạnh tranh toàn cầu. Chỉ số tự do kinh tế cho biết mức độ can thiệp, bó buộc, cản trở trong hoạt động kinh doanh ở 157 nền kinh tế. Trong bản thống kê năm nay, VN xếp hạng 142/157. Báo cáo cho biết mức độ tự do kinh tế của VN có tiến bộ đôi chút trong giai đoạn 2000-2002, nhưng từ năm 2002 đến nay, mức độ tự do kinh tế hầu như không có gì thay đổi.

Trong bảng xếp hạng tự do kinh tế của 12 nền kinh tế ở Đông Á (cộng Ấn Độ), VN đứng thứ 12/12 (bảng số 1). Trong báo cáo về tính cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức, năm nay VN xếp hạng 77/125, tụt từ 74 trong bảng tổng kết năm ngoái. So với 12 nước Đông AÁ (cộng Âận Độ), VN cũng đứng thứ 12/12.

Đối chiếu hai bảng, ta thấy được sự tương ứng rõ rệt giữa mức độ tự do kinh tế và tính cạnh tranh toàn cầu. Rõ ràng, môi trường chính sách có giá trị quyết định tính cạnh tranh toàn cầu. Doanh nhân càng được cởi trói để có thể vận dụng mọi cơ hội, mọi tài nguyên để kinh doanh, thì tính cạnh tranh của đất nước sẽ càng tăng.

...và những biện pháp điều chỉnh
Hội nhập toàn cầu là một thế tất yếu để mở rộng thị trường và để được đối xử bình đẳng với luật chơi chung minh bạch hơn và đồng nhất. Không hội nhập thì sẽ mất sân chơi, chịu luật chơi khắt khe hơn, trọng tài cũng không thân thiện khi có xung đột quyền lợi; như vậy chắc chắn sẽ mất dần tính cạnh tranh. Nhưng, hội nhập không đồng nghĩa với nâng cấp tính cạnh tranh của mình. Hội nhập sẽ không bảo đảm được sự đổi đời. Nhiều nước đã vào WTO hàng chục năm nay và có nhiều lợi thế địa lý, tài nguyên, thị trường (như Mexico), mà phát triển vẫn èo uột, mặc dù kim ngạch xuất khẩu đã tăng bốn, năm lần trong mười năm qua.

Điều kiện đủ để đổi đời là nghiêm khắc nhìn lại những điều kiện nội tại và cương quyết có biện pháp điều chỉnh tức thời. Những quốc gia nào biết tự mình cởi trói cho mình thì sẽ có cơ hội "tập huấn" trên một mặt phẳng, phát triển thể lực tốt để có cơ hội thành công trên đấu trường. Những quốc gia nào không chịu tự cởi trói, lại còn bắt vận động viên của mình "tập huấn" trên một sân vừa nghiêng vừa lắc thì sẽ không có đủ điều kiện thể lực để cạnh tranh.

VN thường được đánh giá là có nhiều "tiềm năng". Trong thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư nước ngoài, kể cả những "đại gia" của Wall Street Mỹ, bắt đầu tích cực ngắm nghía thị trường VN, vì họ hy vọng khi VN trở thành thành viên của WTO thì môi trường chính sách trong nước sẽ có yếu tố "ổn định", nghĩa là hiếm có những thay đổi lớn và bất ngờ. Nhưng các "đại gia" này sẽ không làm được cái việc "đổi đời" cho người dân Việt. Để VN tiếp tục là một thị trường cung cấp nhân lực với giá rẻ và mãi mãi là một nền kinh tế "tiềm năng"; hay sẽ tăng tốc nâng lực cạnh tranh của người dân Việt đầy năng khiếu kinh doanh, để họ có thể cung cấp sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng ngày càng cao, thì đó là quyết định của người Việt và chỉ người Việt với nhau mà thôi. Và trong quyết định ấy, doanh nhân có tiếng nói không nhỏ.

 

Trần Sĩ Chương

Nguồn: http://www.laodong.com.vn, ngày 13/10/2006