VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Phân cấp đầu tư: Năng lực địa phương có theo kịp trách nhiệm?

06/08/2010 - 468 Lượt xem

Một trong những nội dung của Luật Đầu tư mới, có hiệu lực từ 1/7 vừa qua, là từ nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ không cấp một giấy phép đầu tư nào như trước đây mà hoàn toàn phân cấp cho các điạ phương. Theo ông Phạm Mạnh Dũng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là một trong những điểm nhấn về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư.

Tuy nhiên, vấn đề là liệu các địa phương có “gánh” nổi trách nhiệm phân cấp của mình, mặc dù việc phân cấp cho các địa phương không phải bây giờ mới được thực hiện, trong bối cảnh hàng loạt các tỉnh, thành phố đã thực hiện công cuộc “xé” rào để thu hút đầu tư thời gian qua.

Trao đổi với VnEconomy sáng nay, ông Phạm Mạnh Dũng bày tỏ niềm tin vào năng lực thực hiện của các địa phương khi được phân cấp theo quy định mới của Luật Đầu tư.

Ông nói, trước đây, các tỉnh, thành phố đã được “làm quen” khi thực hiện cấp phép các dự án có vốn từ 5 – 15 triệu USD, nên giờ đây các địa phương cũng có thể thực hiện tốt việc phân cấp, quản lý các dự án có quy mô lớn hơn.

“Trong 20 năm qua, chúng ta đã có một đội ngũ nhân lực nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, theo quy định mới thủ tục đầu tư chỉ gồm 2 loại là đăng ký đầu tư và thẩm tra đầu tư”, ông Dũng cho biết.

Người đứng đầu Vụ Pháp chế phân tích thêm, theo quy định mới, việc thẩm tra dự án đầu tư đơn giản hơn trước đây do không còn việc thẩm tra vốn, nguồn vốn mà chủ yếu thẩm tra các quy hoạch cứng có liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch về đất đai, tài nguyên môi trường.

“Như vậy, những thủ tục thẩm tra chỉ còn áp dụng đối với các dự án đầu tư có quy mô lớn (trên 20 triệu USD - PV) và dự án đầu tư có điều kiện”, vẫn theo lời ông Dũng.

Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh lo lắng, khi các địa phương được cấp giấy chứng nhận đầu tư, họ cũng phải chịu trách nhiệm của mình trong từng dự án. Vì thế, “cần thiết phải tăng cường năng lực đội ngũ nhân lực chịu trách nhiệm về vấn đề này tại các địa phương để thực hiện tốt các quy định đã được đề ra”.

Về vấn đề này, một quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiết lộ, Bộ đã có kế hoạch tổ chức đào tạo, tập huấn cho các địa phương để công việc được “trơn tru”. “Tất nhiên, sẽ không thể tập huấn được cho tất cả các đơn vị trong cả nước”, quan chức này cho biết.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, “đối với những địa phương còn gặp khó khăn thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới được Thủ tướng thành lập sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, trợ giúp trực tiếp”.

Theo thông tin mới nhất, vào ngày mai 11/10, Tổ công tác thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sẽ chính thức họp phiên đầu tiên bàn về nội dung, chương trình hoạt động của Tổ.

Ngoài ra, hiện có một vấn đề mà nhiều người quan tâm là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ bị giảm quyền hạn của mình trong xem xét và cấp phép đầu tư.

Trong một cuộc trao đổi với chúng tôi mới đây, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết trong điều kiện phân cấp mới, Bộ sẽ phải tập trung nhiều hơn vào các vấn đề chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, và đặc biệt là đẩy mạnh khâu kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các ngành, các địa phương.

“Bộ sẽ có các hình thức đa dạng để hỗ trợ và khi có sai lệch thì phát hiện kịp thời và cùng điều chỉnh. Ngoài ra, cơ quan kế hoạch đầu tư còn phải tiến hành các hoạt động về xúc tiến đầu tư, thu hút thêm nguồn lực đa dạng ở trong và ngoài nước cho phát triển đất nước”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích.

Bên cạnh đó, với một số dự án lớn có quy mô quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiểm tra về các mặt quy hoạch, chính sách lớn để bảo đảm rằng các dự án đi đúng hướng mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra. Và trên cơ sở đó, các địa phương có thể quyết định cụ thể việc chấp nhận đầu tư của các dự án mà nhà đầu tư phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh tế xã hội và hiệu quả tài chính của chúng.

Tóm lược một số điểm mới của Luật Đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài:

· Tạo sự tự do cho việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư.

· Mở rộng hình thức đầu tư.

· Tăng cường ưu đãi đầu tư.

· Bãi bỏ nhiều rào cản liên quan đến đầu tư.

· Bảo đảm quyền sở hữu cho các nhà đầu tư.

· Giảm thiểu thủ tục hành chính...

 

Quý Hiểu

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 10/10/2006