VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Tăng lương - tăng giá? (14/9)

06/08/2010 - 204 Lượt xem


Mừng ít, lo nhiều

Chị Kiều Ngân - nhân viên Trung tâm Văn hoá quận 2 (TPHCM) cho biết: "So với những đợt tăng lương tối thiểu trước, lần điều chỉnh này có mức chênh lệch cao hơn (100.000 đồng/tháng, chiếm khoảng 30%). Với mức này, lương bình quân của CBCNVC sẽ tăng lên vài trăm ngàn đồng/tháng, phần nào bù đắp được những chi phí trong cuộc sống do giá tiêu dùng, sinh hoạt liên tục tăng lên trong thời gian gần đây".

Tuy vậy, chị Ngân vẫn lo sau đợt lương tối thiểu chung được điều chỉnh, giá sinh hoạt trong thời gian tới càng tăng thêm thì tình hình thu nhập - chi tiêu vẫn không được cải thiện.

 Ông Nguyễn Thanh Bình ở quận Hải Châu (TP.Đà Nẵng) cho rằng, nói tăng lương không mừng là sai, bởi thu nhập cơ bản của viên chức như ông chỉ dựa vào lương. Tăng lương không những giải quyết nhiều vấn đề thiết thực nhất là đời sống, mà còn là nguồn động viên lớn cho cán bộ, viên chức, những người phục vụ, ăn lương chân chính từ ngân sách. Song lương chưa tăng mà hàng hoá đã nhấp nhổm tăng giá, liệu có bù đắp đủ những dao động của thị trường hay đời sống của công chức vẫn khó khăn?

Còn anh  Nguyễn Văn Thưởng - thuỷ thủ khối vượt sông Bến phà Bãi Cháy (TP. Hạ Long) than phiền: "Vợ tôi hôm qua đi chợ về đã phàn nàn một số loại rau, cá tăng giá chút ít. Bà con bán hàng ở chợ cũng đã bàn luận về việc tăng lương mới. Tôi nghĩ việc tăng lương chưa chắc đã giúp ích gia đình nhiều lắm khi mọi thứ sinh hoạt ngày càng trở nên đắt đỏ hơn".

Chị Nguyễn Thị Hương (tổ 4, phường Ia Kring, TP.Pleiku, Gia Lai) lo lắng tâm sự: "Lương lên, mong giá đừng lên". Theo chị, kiềm chế giá, kiềm chế lạm phát mới là điều người dân thực sự mong muốn. Bởi nếu không thì tăng lương cũng chỉ là một cách "thả gà rồi đuổi" mà thôi. Các tiểu thương thì thừa nhận giá một số hàng hoá đã tăng nhẹ trước khi việc điều chỉnh lương được thực hiện.

Chị Phạm Thu Oanh, tiểu thương kinh doanh trái cây chợ Bến Thành (TPHCM) cho rằng: "Mấy tháng gần đây, giá nhiều mặt hàng như thực phẩm, hàng tiêu dùng cứ dần dần nhích lên từng ngày với nhiều lý do khác nhau (giá xăng dầu, mặt bằng giá sinh hoạt...tăng), chứ chưa hẳn vì tăng lương mới.

Do vậy, chị Oanh cho rằng đợt tăng mức lương tối thiểu từ 1.10, sẽ không kéo theo đợt tăng giá hàng hoá nữa. Nhưng thông thường vào những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết, giá một số mặt hàng lương thực thực phẩm sẽ tăng, nên dịp cuối năm nay dự đoán khó tránh khỏi một đợt tăng giá nữa".

Ngành đặc thù: Lo lắng

Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội), một bệnh viện đầu ngành tuyến T.Ư với hơn 1.000 CBCNV nhưng tới non nửa được bệnh viện trả theo chế độ hợp đồng lao động.

Ông Trần Minh Đệ - Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Bệnh viện Việt - Đức) cho biết: "Từ tháng 9.2005 lương tăng từ 290.000 đồng lên 350.000 đồng, giá cả nhìn chung đã tăng lên. Lần này, tâm lý chung của CBCNV là không muốn tăng lương, vì tăng lương không đuổi kịp tốc độ tăng giá.

Với số CBCNV trong biên chế (khoảng 600 người) sẽ do nguồn ngân sách nhà nước cấp, nhưng để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh, hiện BV đang phải thuê khoảng 400 lao động hợp đồng đảm nhiệm một số công việc cho các khoa phòng gồm bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên...

Nguồn kinh phí để trả lương cho số này, BV trích từ nguồn thu viện phí được để lại theo quy định (30% số thu thực tế), nhưng trông thấy kinh phí bị "đội" lên. Từ năm 2000 đến nay, Nhà nước vẫn giữ nguyên quy định tiền trực (24/24h) đối với cán bộ y tế là 45.000 đ/người/ngày; tiền bồi dưỡng ngành nghề độc hại vẫn là 6.000đ/người/ngày.

Trong điều kiện làm việc của cán bộ ngành y, các bệnh viện hầu như đều thường xuyên quá tải bệnh nhân, trách nhiệm phải tăng lên nhưng tiền trả thù lao kém đi là không khuyến khích họ.

Còn chị Nguyễn Thị Hiền - công nhân phân xưởng vận chuyển 28, Cty than Hà Lầm (Quảng Ninh) bức xúc nói: "Chỉ mong sao Nhà nước tăng giá bán than".

Theo chị, hàng ngày Cty trả 45.000 đ/ ngày công, nếu tạm tính tháng làm đủ 30 công thì thu nhập trên 1,3 triệu đồng. "Đồng lương của tôi không nằm trong diện điều chỉnh tăng lương đợt này, bởi thu nhập hưởng theo sản phẩm làm ra. Điều tôi quan tâm hiện nay là Nhà nước có tăng giá bán than không(?).Tăng giá bán than thì đồng lương được hưởng từ sản phẩm mình làm mới được tăng theo. Còn nếu không, cứ mỗi lần Nhà nươc tăng  lương, ra chợ từ mớ rau, cân thịt và những mặt hàng khác cũng đều tăng giá. Đợt tăng lương mới này khiến tôi và những công nhân hưởng lương sản phẩm trong Cty sẽ lo hơn là mừng".

Nhóm PV Kinh tế

* "Nếu tăng lương mà đẩy giá lên cao thì việc tăng lương sẽ không có ý nghĩa vì tiền lương danh nghĩa của người lao động không tăng thêm giá trị. Mục đích của việc tăng lương là phải nâng cao được mức sống cho người lao động, vì thế bên cạnh yếu tố thực lực của nền kinh tế (khả năng chi trả của ngân sách đối với việc tăng lương) thì vai trò của Nhà nước trong việc ổn định thị trường, giữ vững các cân đối vĩ mô là rất quan trọng". (Ông Ngô Trí Long - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính)

* "Trên thực tế, giá tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý đẩy giá lên. Để ngăn chặn hiện tượng "té nước theo mưa", các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện các hành vi tự ý nâng giá và phải phạt thật nặng. Bên cạnh đó, Nhà nước thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế chỉ số giá (giữ ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu: Điện, xăng dầu, sắt thép, ximăng...) cộng với các DN thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư và hạ giá thành sản phẩm thì giá cả sẽ khó lòng tăng được". (Ông Nguyễn Tiến Thoả, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính)

 

Nguồn: http://www.laodong.com.vn, ngày 14/9/2006