VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

“Chúng ta tụt hạng vì chỉ quen so sánh với chính ta”

06/08/2010 - 353 Lượt xem

Ông Lộc nhấn mạnh: Điểm đáng chú ý trong đó là nhận định của tổ chức này về việc các doanh nghiệp Việt Nam thường mất trung bình 1.050 giờ mỗi năm (tương đương với 130 ngày làm việc) để hoàn tất các thủ tục liên quan đến đóng thuế và để thành lập 1 doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn phải qua 11 bước và hơn 50 ngày. Đây chính là những nguyên nhân quan trọng khiến Việt Nam tụt 6 hạng so với năm ngoái (từ 104 xuống 98).

Ông đánh giá thế nào về những đánh giá trên của WB và IFC?

Đánh giá của WB và IFC dựa trên sự so sánh môi trường kinh doanh giữa các nền kinh tế (trong khi chúng ta thường quen cách so sánh với chính ta theo các năm). Do đó, việc tăng hay tụt hạng có ý nghĩa tương đối, chỉ cần có một cải cách tích cực có thể làm thay đổi thứ hạng.

Chẳng hạn, ngay đối với Việt Nam, khi chúng ta ban hành Luật Phá sản, đưa một số quy định mới có tính cải cách môi trường kinh doanh, thì đánh giá về môi trường kinh doanh của ta liền tăng hạng so với trước đó.

Nhìn lại năm 2005, chúng ta tập trung vào sửa luật khung. Cũng trong thời gian này, số lượng tranh chấp lao động tăng lên, một loạt biến động thị trường buộc Nhà nước phải can thiệp hành chính. Vì vậy, phần nào những quy định thực thi trên thực tế có vẻ chưa thay đổi nhiều. Do đó, việc trụ lại thứ hạng trong khi các nền kinh tế khác thay đổi là rất khó.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, cuộc điều tra này chỉ tiến hành đối với doanh nghiệp nhỏ nên không phản ánh hết bản chất của sự việc?

Theo tôi hiểu báo cáo này được xây dựng trên cơ sở đóng góp của 5.000 luật sư, kiểm toán, quan chức tư pháp, chính phủ, chuyên gia và doanh nghiệp (trên toàn cầu). Nó chỉ ra rằng luật hiện hành đang như thế nào, các yếu tố khác như triển vọng tăng trưởng, điều kiện kinh tế vĩ mô, môi trường xã hội,... chưa được đánh giá hết.

Chính điều này cũng cho thấy những hạn chế của báo cáo, tuy nhiên, điểm hạn chế này cũng được WB và IFC lưu ý.

Song, ai cũng biết rằng không có một phương pháp đánh giá nào hoàn hảo. Vấn đề là ở chỗ, thông qua báo cáo này, chúng ta biết thế mạnh của mình ở đâu, những cái nào chưa được để tìm cách cải thiện.

Trên thực tế, hiện nay, các văn bản liên quan đến thủ tục thuế, thành lập doanh nghiệp đã được cải tiến nhiều nhưng tại sao vẫn xảy ra tình trạng trên? Theo ông, từ thực tế hiện nay, cần phải có những thay đổi gì?

Với Báo cáo môi trường kinh doanh, tôi nghĩ rằng chúng ta cần có một thái độ hợp lý ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Một mặt, chúng ta thấy rõ ràng là các nền kinh tế khác cũng cải thiện môi trường, thậm chí họ làm liên tục và nhanh hơn ta. Mặt khác, chúng ta phải vừa quan tâm đến tổng thể của lộ trình cải cách, vừa quan tâm đến việc đổi mới cách làm cụ thể. Cuối cùng là việc thực hiện pháp luật cần phải tốt hơn.

Tôi cho rằng với việc thực hiện quyết liệt, nhất quán Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới, các thủ tục về cải cách hành chính được đẩy nhanh, bảo đảm cơ chế tài phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử, thực hiện cam kết gia nhập WTO... có thể chúng ta sẽ cải thiện được thứ hạng của mình.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung: Cần xã hội hóa hoạt động về thuế

"Công bố mới đây của WB và IFC khiến chúng tôi rất quan tâm, đặc biệt khi mà Bộ Tài chính đã có rất nhiều quy định nhằm hạn chế những rườm rà trong thủ tục hành chính giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế.

Hiện nay, để hỗ trợ đối tượng nộp thuế, tại các chi cục thuế đã thành lập bộ phận hỗ trợ đối tượng nộp thuế nhằm giải đáp những vướng mắc mà cá nhân, doanh nghiệp gặp phải.

Bên cạnh đó, để xã hội hóa hoạt động này, trong dự án Luật Quản lý thuế chúng tôi đã đưa ra quy định thành lập các đại lý thuế. Đây sẽ là những tổ chức giúp ích rất nhiều cho đối tượng nộp thuế trong việc trang bị kiến thức cũng như các thủ tục liên quan đến thuế."

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Văn Ninh: Sẽ có “đường dây nóng” phản ánh tiêu cực

"Hiện nay, quy trình, thủ tục liên quan đến thuế đã được rút rất ngắn: thời gian dành cho đăng ký mã số thuế còn 8 ngày. Nếu khi mua hóa đơn các doanh nghiệp đăng ký rõ ràng, sổ sách đầy đủ thì có thể hoàn thành trong ngày.

Quy trình về thu thuế hiện nay cũng đã được cải tiến theo hướng doanh nghiệp tự kê khai, tự nộp thuế. Cơ quan thuế không còn ra thông báo thuế nên việc kê khai và nộp thuế cũng sẽ không chiếm nhiều thời gian của doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả bộ máy, trong tháng 9 này, Tổng cục Thuế sẽ trình Bộ Tài chính đề án thiết lập “đường dây nóng” để người dân, doanh nghiệp có thể thông tin nhanh, vượt cấp đến các cấp lãnh đạo."

 

Theo SGGP

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 12/9/2006