VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Ngân hàng thương mại cổ phần: Phát triển "nóng" hay chỉ là tăng tốc?

06/08/2010 - 385 Lượt xem

Một câu hỏi được đông đảo dư luận đặt ra là hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần có phát triển "quá nóng" hay không? Thực tế là nếu nhìn vào tốc độ phát triển của một số chỉ tiêu sau đây thì câu hỏi trên của dư luận là hoàn toàn có cơ sở.

Mọi chỉ tiêu kinh doanh đều tăng rất nhanh

Về quy mô tài sản, đây là chỉ tiêu quan trọng nhất và phản ánh tập trung, bao quát nhất mức độ lớn, sự phát triển của một ngân hàng. Kết thúc năm 2005, bình quân các ngân hàng thương mại cổ phần có tốc độ tăng khoảng 48% - 50% so với cuối năm 2004, gấp 2,5 lần tốc độ tăng chung của toàn ngành ngân hàng Việt Nam và gấp 5-6 lần tốc độ tăng trung bình của thế giới.

Kết thúc năm 2005, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế - VIB có tốc độ tăng cao nhất, đạt tổng tài sản là 8.978,2 tỷ đồng, tăng 117,9% so với cuối năm 2004. Tiếp đến là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam - Techcombank, đạt tốc độ trên 63%; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông - OCB, tăng 58,9%; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu - ACB tăng 56,2%; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh - VP Bank tăng 55,0%,... so với cuối năm 2004.

Trong 8 tháng đầu năm 2006, khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng tiếp tục có tốc độ tăng cao, bình quân đạt 35% - 40% so với cuối năm 2005. Hiện nay ACB là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn nhất. Tổng tài sản của ACB đến hết tháng 7/2006 đạt 33.849 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với con số đạt được cuối năm 2004.

Dự báo đến hết năm 2006, ACB sẽ đạt tổng tài sản 40.000 tỷ đồng, lớn hơn quy mô của một ngân hàng thương mại Nhà nước.

Về lợi nhuận trước thuế và cổ tức là chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kinh doanh của một ngân hàng thương mại. Kết thúc năm 2005, ACB đạt lợi nhuận trước thuế tới 385,1 tỷ đồng so với con số 278,0 tỷ đồng hết năm 2004; Sacombank đạt 306,1 tỷ đồng so với năm 2004 là 198 tỷ đồng, Techcombank đạt 286 tỷ đồng, so với năm trước mới đạt 39 tỷ đồng,...

Kết thúc năm 2005, bình quân các ngân hàng thương mại cổ phần chia cho các cổ đông là 15- 16%, cao gấp gần 2 lần lãi suất tiền gửi tiết kiệm Đồng Việt Nam kỳ hạn 1 năm. Dẫn đầu là Techcombank chia 36,6% so với mức của năm 2004 là 15,0%; ACB chia 28% so với năm 2004 là 36,7%; Sacombank chia 23,8% so với mức của năm trước là 26,0%; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á - EAB và VP Bank đều cùng mức chia 20%, tăng gấp 1,5 lần năm 2004,...

Dự báo, đến hết năm 2006, tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần đều có quy mô lợi nhuận trước thuế cao hơn năm 2005, thậm chí một số ngân hàng có quy mô tăng gấp 1,5 lần - 2 lần so với năm trước. Cổ tức chia cho cổ đông hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần cũng sẽ đạt mức bằng và cao hơn năm 2005.

Về quy mô vốn điều lệ. Đến nay hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần có số vốn điều lệ gấp 2 - 3 lần số vốn cuối năm 2004. Hiện nay Sacombank đang dẫn đầu, đạt gần 1.900 tỷ đồng.

Về quy mô mạng lưới và chi nhánh. Cũng tính đến nay, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đô thị có số lượng chi nhánh, mạng lưới giao dịch, số lượng nhân viên tăng gấp 2 lần năm 2004. Trong 2 năm qua, các ngân hàng thương mại cổ phần tập trung mở thêm chi nhánh và phòng giao dịch ở các khu vực đô thị mới, khu dân cư tập trung, trung tâm thương mại,... ở các thành phố lớn, thành lập mới chi nhánh cấp 1 ở các tỉnh, thành phố giầu tiềm năng.

Như vậy, tất cả các chỉ tiêu quan trọng nhất của một ngân hàng thương mại đều có tốc độ tăng trưởng rất nhanh so với các năm trước đó, cũng như so với tốc độ tăng bình quân chung của toàn ngành ngân hàng, bình quân chung của khu vực và thế giới.

Sự phát triển có vững chắc?

Một là về chất lượng hoạt động, ngoài các chỉ tiêu nói trên, thì thực trạng nợ xấu là chỉ tiêu quan trọng đánh giá chất lượng hoạt động của một ngân hàng thương mại.

Thực hiện Quyết định số 149/QĐ - TTg, ngày 5-10-2001, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt đề án cơ cấu lại tình hình tài chính, xử lý nợ tồn đọng của các ngân hàng thương mại, các ngân hàng thương mại cổ phần đã thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu để giảm thấp tình trạng nợ xấu.

Đến nay hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ nợ xấu khá thấp, tính đến hết năm 2005 bình quân chỉ là 2,0% trong tổng dư nợ và tính đến hết tháng 8-2006, tỷ lệ này vẫn được kiềm chế.

Hai là, để thực hiện chiến lược tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại toàn diện các hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh trước yêu cầu hội nhập, hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần phải mở rộng mạng lưới, chiếm lĩnh thị phần.

Ba là, mở rộng mạng lưới, phát triển quy mô, tăng số lượng nhân viên đi kèm với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các ngân hàng thương mại cổ phần ở nước ta hiện nay thực hiện việc tuyển dụng nhân viên mới theo đúng thông lệ quốc tế, loại trừ được việc nhận người vào làm việc theo quan hệ.

Cùng với đó là cơ chế quản trị điều hành, các quy trình quản lý và nghiệp vụ,... cũng thường xuyên được hoàn thiện, bổ sung, chỉnh sửa và ban hành mới, phù hợp với thực tiễn và sát với thông lệ quốc tế.

Bốn là, sự phát triển về quy mô đi liền với hiện đại hóa công nghệ ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đã và đang triển khai các chương trình phần mềm quản lý, phần mềm kế toán và thanh toán, phần mềm giao dịch,... hiện đại của các hãng nổi tiếng trên thế giới và do các hãng có uy tín cung cấp và lắp đặt.

Do đó có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện đề án cơ cấu lại, hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần nước ta đang ở giai đoạn tăng tốc, phát triển hiệu quả và toàn diện, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh trước thách thức hội nhập.

Tuy nhiên việc khuyến khích và mở rộng việc tham gia của các ngân hàng nước ngoài, tập đoàn tài chính quốc tế, các tập đoàn lớn trong nước, mua cổ phần, trở thành cổ đông chiến lược của các ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam là hết sức cần thiết, để thúc đẩy cải cách hơn nữa và minh bạch thực sự các hoạt động quản lý, hoạt động kinh doanh của khối ngân hàng thương mại này.

 

Nguyễn Đức

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 12/9/2006