VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

“Thành công của APEC 2006 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”

06/08/2010 - 479 Lượt xem

Xin ông đánh giá ý nghĩa của việc Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2006?

Chủ trì năm APEC 2006 và tổ chức Hội nghị cấp cao các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14 là hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam trong năm nay.

Việc các nhà lãnh đạo APEC tham dự Hội nghị cấp cao Hà Nội cũng như một số chuyến thăm chính thức song phương được tiến hành trong dịp này tạo ra cơ hội rất tốt để chúng ta thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại với các đối tác quan trọng trên cả hai bình diện song phương và đa phương.

Ngoài ra, hàng ngàn vị khách nước ngoài đại diện cho giới doanh nghiệp, giới học giả, truyền thông đến từ các nền kinh tế thành viên APEC sẽ có cơ hội được tận mắt chứng kiến đất nước, con người Việt Nam hiền hoà, tươi đẹp, mến khách và giàu bản sắc văn hoá cùng những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội Việt Nam đã đạt được sau hai mươi năm đổi mới và thực hiện chính sách đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.

Thành công của Năm APEC 2006 nói chung và Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tiến trình hợp tác APEC và nó sẽ góp phần tích cực tạo bước tiến quan trọng cho tiến trình APEC trong tương lai.

Đối với ta, việc tổ chức thành công năm APEC 2006 sẽ là đóng góp thiết thực và cụ thể của Việt Nam sau 8 năm tham gia tích cực Diễn đàn này. Đồng thời cũng đánh dấu bước phát triển mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.

Xin ông đánh giá vị trí của Việt Nam trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương?

Tuy còn là một nước nghèo, nhưng chúng ta có nền kinh tế tăng trưởng vào loại nhanh nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong những năm đầu thế kỷ 21. Thành công về phát triển kinh tế - xã hội trong công cuộc “Đổi mới” đã làm cho “lực” của Việt Nam ngày một mạnh lên.

Đồng thời, với dân số hơn 85 triệu người và môi trường chính trị - xã hội luôn ổn định, Việt Nam ngày càng được các nước, các đối tác trong khu vực và trên thế giới coi trọng và mở rộng quan hệ hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Về đối ngoại, với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, ngày nay, chúng ta có quan hệ tốt với tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng, nước lớn. Việt Nam ngày càng chủ động và tích cực tham gia giải quyết các vấn đề của khu vực và quốc tế, đóng góp hiệu quả hơn trên các diễn đàn đa phương. Điều đó góp phần xây dựng hình ảnh về một Việt Nam năng động, tích cực đóng góp cho hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Vì vậy, tôi có thể khẳng định, vị thế của Việt Nam đang ngày càng gia tăng trên trường quốc tế nói chung và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng.

Ông có thể đánh giá tác động của việc Việt Nam sẽ trở thành thành viên chính thức của WTO đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung và đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng?

Gia nhập WTO là bước đi toàn diện nhất trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương và chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về mở cửa và tăng cường hội nhập quốc tế.

Trở thành thành viên chính thức của WTO chúng ta sẽ có cơ hội to lớn để mở rộng thị trường tăng xuất khẩu; nâng cao tính hiệu quả và sức cạnh tranh cho nền kinh tế; tăng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ; và đặc biệt là việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO như công cụ để bảo vệ quyền lợi của ta trong quan hệ thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ phải đương đầu với những thách thức mới như: sức ép cạnh tranh; thách thức của chuyển dịch cơ cấu kinh tế với nhiều rủi ro tiềm ẩn, kể cả những rủi ro về mặt xã hội; thách thức của việc hoàn thiện thể chế và cải cách nền hành chính quốc gia để bảo đảm thực hiện đúng các cam kết về mở cửa thị trường của ta, đồng thời phù hợp với các cam kết chung trong WTO; thách thức về nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của việc gia nhập.

Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam không tốt (đứng thứ 73/104 trong báo cáo “Năng lực cạnh tranh toàn cầu” năm 2003-2004). Hiện nay, hơn 200.000 doanh nghiệp tư nhân của ta hầu hết có quy mô nhỏ, kỹ thuật lạc hậu, quản lý kém, sức cạnh tranh thấp, chưa có chiến lược phát triển...

Các doanh nghiệp Nhà nước sức cạnh tranh cũng vẫn còn thấp, trình độ quản lý chưa cao, vẫn còn tâm lý ỷ lại vào bảo hộ của Nhà nước. Hầu hết các doanh nghiệp này đều yếu trong cả ba lĩnh vực quan trọng là nắm bắt thông tin thị trường, tổ chức sản xuất có hiệu quả để hạ giá thành và khả năng tiếp thị sản phẩm.

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, những doanh nghiệp của ta chắc chắn sẽ chịu sức ép cạnh tranh mạnh ngay tại thị trường trong nước. Vì vậy, để hội nhập thành công, các doanh nghiệp cần tích cực chủ động tìm hiểu kỹ “luật WTO” để tự cải cách, sắp xếp lại sản xuất, phương thức quản lý, nâng cao sức cạnh tranh, chuyển đổi nguồn lực và nắm bắt thông tin về thị trường để tập trung vào những ngành hàng có thế mạnh, đầu tư vào công nghệ mới, đào tạo và nâng cao trình độ nguồn nhân lực, hợp tác liên kết với nhau để tạo ra sức mạnh...

Với những bước đi phù hợp kịp thời, tôi cho rằng doanh nghiệp Việt Nam với bản sắc riêng và tiềm năng sẵn có sẽ vượt lên được những khó khăn thách thức, tận dụng được thời cơ để tiếp tục phát triển trong môi trường cạnh tranh “hậu WTO”.

Việc Việt Nam ứng cử là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 có ý nghĩa thế nào đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam?

Việc Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 là một chủ trương lớn của ta nhằm chủ động tham gia, đóng góp hơn nữa vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế.

Ở vị trí là thành viên Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ có thêm điều kiện để tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên khác của Hội đồng Bảo an cũng như với nhiều nước thành viên Liên hợp quốc nói chung trong việc giải quyết các “điểm nóng”, ngăn ngừa xung đột ở các khu vực phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.

Kết quả tích cực của công việc này sẽ có lợi cho việc thực hiện yêu cầu đối ngoại hàng đầu của ta là giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào nỗ lực phấn đấu chung vì hoà bình của nhân dân thế giới.

Qua các hoạt động hợp tác để giải quyết các công việc ở Hội đồng Bảo an, chúng ta cũng sẽ có thêm cơ hội để thể hiện chính sách hoà bình, hợp tác, thiện chí và năng lực hoạt động quốc tế của Việt Nam, do vậy góp phần nâng cao vị thế quốc tế của nước ta.

Từ năm 1997, sau khi có chủ trương ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chúng ta đã tích cực vận động các nước thành viên Liên hợp quốc dưới nhiều hình thức. Năm 2002, các nước ASEAN đã nhất trí ủng hộ việc ứng cử này của Việt Nam và tới nay chúng ta đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Xin ông cho biết với tư cách là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong nhiệm kỳ 2006 – 2010, hoạt động ngoại giao phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

Trong 5 năm tới, môi trường kinh tế, chính trị an ninh khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Quá trình toàn cầu hoá và cuộc cách mạng khoa học công nghệ tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho các quốc gia trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, chúng tôi xác định công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế của Việt Nam cần có chuyển biến mạnh cả về hình thức và nội dung cho phù hợp với tình hình mới của khu vực và quốc tế, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010 mà Đại hội X đã đề ra, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.

Cụ thể, ngành ngoại giao sẽ tập trung vào những việc sau đây: một là, tiếp tục góp phần tạo môi trường hoà bình, ổn định để tập trung phát triển đất nước. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với ngành ngoại giao.

Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại, thiết lập mới hoặc làm sâu sắc thêm những quan hệ hợp tác quốc tế để Việt Nam có thể đón đầu những cơ hội phát triển mới thông qua mở rộng hơn nữa thị trường, tiếp nhận những dòng đầu tư mới, những công nghệ tiên tiến, phù hợp với Việt Nam.

Ba là, cùng các bộ ngành hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm đáp ứng yêu cầu của tiến trình hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Bốn là, củng cố và tiếp tục đề xuất các biện pháp cụ thể để hỗ trợ hiệu quả các địa phương, các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Năm là, tích cực nghiên cứu, đề xuất các biện pháp tạo thuận lợi và thu hút sự cống hiến, đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Để có thể làm tốt công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế trong thời gian tới, ngành ngoại giao rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Trần Thái thực hiện

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 5/9/2006