VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

3.000 tỷ đồng điều tra tài nguyên - môi trường biển

06/08/2010 - 406 Lượt xem

Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại Hội nghị triển khai thực hiện "Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020" vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Hà Nội.

Đề án điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với tổng kinh phí 2.916 tỷ đồng đã được Chính phủ phê duyệt tháng 3/2006.

Việc xây dựng, xác định chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, phát huy thế mạnh đặc thù của hơn 1 triệu km2 thềm lục địa... để trở thành một nước mạnh về biển được coi là chiến lược quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh đất nước.

12% GDP mỗi năm từ biển...

Hàng năm, kinh tế biển  đóng góp 12% GDP và khoảng 50% giá trị xuất khẩu của cả nước. Riêng sản lượng hải sản ven bờ biển khai thác đã chiếm tới 80% tổng sản lượng. Trữ lượng cá toàn vùng biển Việt Nam ước tính khoảng 4,2 triệu tấn, trong đó khoảng 1,7 triệu tấn ở ngoài khơi với ngưỡng khai thác bền vững từ 1,4-1,7 triệu tấn. Từ năm 2002, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đã đứng thứ 3 cả nước và sử dụng tới 4% lực lượng lao động...

Biển Việt Nam cũng đã cung cấp khoảng 35 loại hình khoáng sản với quy mô trữ lượng khai thác khác nhau thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý, khoáng sản lỏng... Biển cũng là nơi chứa đựng những tiềm năng phát triển ngành công nghiệp dầu khí.

Các ngành khác như: vận tải biển; đóng, sửa chữa tàu biển...đã mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho sự phát triển đất nước với 7,3 triệu USD từ xuất khẩu thuyền viên...

Tuy nhiên, việc khai thác quá mức đã và đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển, gây ô nhiễm trầm trọng, suy thoái hệ sinh thái và huỷ hoại môi trường biển. Trong những năm gần đây, không ít vùng biển ven bờ Việt Nam đã bị cạn kiệt nguồn hải sản, giảm mạnh về trữ lượng và sản lượng vì khai thác quá mức. Nguồn hải sản ven bờ ngày một cạn kiệt, trữ lượng hải sản xa bờ chưa được đánh giá đầy đủ và chưa có biện pháp khai thác hợp lý.

Bên cạnh đó là việc sử dụng tràn lan các phương tiện huỷ diệt như: xung điện, chất độc, thuốc nổ... trong đánh bắt thuỷ hải sản, tiêu diệt cả nguồn kế cận, huỷ hoại môi trường sinh thái biển.

Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam đã chỉ rõ, chất lượng môi trường biển và vùng ven bờ Việt Nam đang tiếp tục suy giảm theo chiều hướng xấu đi. Môi trường biển vùng nước ven bờ đã bị ô nhiễm dầu, kẽm và các chất thải sinh hoạt, các chất rắn lơ lửng, Si, NO3, NH4 và PO4...

Đặc biệt, hàm lượng hoá chất bảo vệ thực vật loại andrin  ở các vùng cửa sông ven biển đã ngày một tăng lên cao hơn mức giới hạn tiêu chuẩn cho phép.Với sức ép của sự phát triển và thiên tai hoành hành, các hệ sinh thái và nơi cư trú đang bị phá huỷ nghiêm trọng, nhất là rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rặn san hô, đầm phá, cửa sông vùng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long.

Hiện tại, Việt Nam đã có hơn 85 loài hải sản đang ở mức độ nguy cấp, có nhiều loài đang là đối tượng tập trung khai thác trong đó đã có tới hơn 70 loài nằm trong Sách đỏ.Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái tài nguyên biển và ven bờ chính là do hiện tượng chặt phá rừng đầu nguồn quá lớn, gây xói lở bờ biển, sa bồi và nghẽn bùn.

Cùng với đó là việc sử dụng đất đến nghèo kiệt, khai thác khoáng ven biển tràn lan, lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu, xây dựng cảng biển, xả nước thải không qua xử lý, phát triển du lịch biển thiếu bền vững...

Quản lý biển cần một bộ riêng?

Bao trùm lên tất cả những tồn tại đó, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính là do Việt Nam chưa có một tổ chức thống nhất và hệ thống trong điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển để làm căn cứ khoa học cho việc hoạch định chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế biển. Điều này đã dẫn đến tình trạng khai thác phát triển tự phát, thiếu bền vững.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai ái Trực thừa nhận, công tác điều tra cơ bản và quản lý vùng biển còn chồng chéo, phân tán, manh mún, lãng phí và chưa có cơ chế cho việc chia sẻ và sử dụng dữ liệu. Chính điều này đã làm nảy sinh phức tạp trong quản lý, khai thác và bảo vệ biển theo kiểu "miếng bánh". Biển do nhiều Bộ ngành quản lý nhưng cuối cùng chẳng có bộ nào là "nhạc trưởng" để có một đầu mối thống nhất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao quản lý các loại tài nguyên đất, nước, khoáng sản, môi trường, khí tượng thuỷ văn...tất cả đều liên quan đến biển, đảo.

Tuy nhiên, vấn đề thuỷ lợi, diêm nghiệp, lâm nghiệp trong đó có trồng và bảo vệ rừng ven biển lại do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; còn việc khai thác nguồn lợi thuỷ sản, bảo tồn đa dạng sinh học lại do Bộ thuỷ sản và việc khai thác dầu khí, khoáng sản biển lại do Bộ công nghiệp. Cùng với đó là một loạt các bộ, ngành khác có liên quan như: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Tổng cục du lịch...

Mặt khác, cơ sở pháp lý quản lý biển đã có tới hơn 200 loại văn bản quy phạm nhưng Việt Nam chưa có pháp luật chuyên đề chuyên điều chỉnh về biển. Việt Nam có tới hơn 1 triệu km2 đặc quyền kinh tế nhưng chưa có một chiến lược về biển...

Do đó, đề án này ra đời sẽ phần nào tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong quản lý và khai thác biển trong thời gian qua. Nhưng để tránh sự chồng chéo, phân tán, manh mún không tập trung đầu mối, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã đưa ra các phương án để thảo luận và lựa chọn trước khi Chính phủ bàn về chiến lược biển trong đó đề cập đến vấn đề sẽ có một bộ riêng về biển, hoặc sẽ giao cho một bộ đang có nhiều hoạt động quản lý Nhà nước về biển hoặc giữ Ban chỉ đạo biển Đông và hải đảo và sẽ xác định rõ chức năng nhiệm vụ của từng bộ ngành trong quản lý và khai thác biển.

Dang dở một dự án Khu kinh tế cửa khẩu An Giang chờ... cơ chế!An Giang có gần 100km đường bộ và 5 cửa khẩu giáp với vương quốc Campuchia, trong đó, ba cửa khẩu: Vĩnh Xương, Tịnh Biên và Khánh Bình được xem là sầm uất nhất tỉnh. Từ năm 2003, UBND tỉnh An Giang qui hoạch ba cửa khẩu trên thành khu kinh tế cửa khẩu và áp dụng chính sách khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh.

Nguyễn Huyền

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 28/8/2006