VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Kết quả kiểm toán báo động sai phạm tại doanh nghiệp Nhà nước

06/08/2010 - 424 Lượt xem

Dù nhận định công tác quản lý tài chính, ngân sách có những tiến bộ đáng kể, nhưng báo cáo tổng hợp cho thấy ở hầu hết các đơn vị được kiểm toán đều phát hiện ra những sai phạm, từ lập, giao dự toán, quản lý, sử dụng vốn vay ODA và đặc biệt là chế độ chấp hành, thực hiện chi ở các doanh nghiệp Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị tăng thu 789 tỷ đồng, giảm chi 708 tỷ đồng, đưa vào quản lý qua ngân sách Nhà nước 2.164 tỷ đồng.

Kiểm toán hoạt động quản lý ngân sách Nhà nước ở các doanh nghiệp cho thấy nhiều bất cập. Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị tăng thu 132,2 tỷ đồng, trong đó riêng Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam là 63,9 tỷ đồng do việc không chấp hành nghiêm chỉnh luật, kê khai sai thuế suất giá trị gia tăng, hạch toán giấu doanh thu chịu thuế, kê khai khấu trừ thuế đầu vào không đúng quy định.

Tương tự, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng bị tăng thu 184,7 tỷ đồng.

Lĩnh vực chấp hành chi ngân sách Nhà nước thể hiện nhiều sai phạm hơn cả. Tại hầu hết các dự án xây dựng cơ bản được kiểm toán cho thấy tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải của các năm trước vẫn chưa được khắc phục. Nhiều dự án nhóm B, C bố trí kế hoạch vốn quá thời gian quy định, điển hình Bộ Giao thông Vận tải có 196 dự án nằm trong tình trạng này.

Cá biệt có dự án nhóm B kéo là 23 năm là Dự án Đại học Hàng hải. Tỉnh Lạng Sơn có 24/26 dự án không đủ thủ tục theo quy định, quyết định đầu tư với tổng mức 2.334 tỷ đồng trong khi vốn đầu tư chỉ bố trí được 271, 5 tỷ đồng.

Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các tỉnh được kiểm toán khác như Tiền Giang, Kontum, Ninh Thuận, Nghệ An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Cần Thơ,...

Việc sử dụng vốn đầu tư không đúng mục đích, sai nhiệm vụ cũng diễn ra phổ biến. Bộ Giao thông Vận tải sử dụng 143,6 tỷ đồng vốn xây dựng cơ bản để xây trụ sở, mua ôtô, thiết bị điều hành dự án, Chương trình kiên cố hóa trường học sử dụng sai mục tiêu 167,8 tỷ đồng, Chương trình 135 tại Thanh Hóa, Tây Ninh, Bình Phước, Đắc Lắc sử dụng sai mục đích 7,5 tỷ đồng, sai đối tượng 14,2 tỷ đồng.

Tình trạng quyết toán vốn đầu tư chậm diễn ra tại hầu hết các đơn vị được kiểm toán, cá biệt có dự án hoàn thành từ trước năm 1992 nhưng vẫn chưa được quyết toán.

Kiểm toán Nhà nước cũng có một phần báo cáo về công tác quản lý doanh nghiệp Nhà nước do thực trạng sai phạm ở đây rất nghiêm trọng. Đầu tiên là nhiều trường hợp phản ánh sai lệch tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và nghĩa vụ ngân sách Nhà nước: chỉ tiêu thuế các các khoản nộp ngân sách của 19 tổng công ty, công ty được xác định tăng thêm 190 tỷ đồng, như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị 35,5 tỷ đồng, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy 68,8 tỷ đồng, Tổng công ty Giấy 13,3 tỷ đồng.

Hầu hết các doanh nghiệp chưa thực hiện việc đối chiếu, xác nhận đầy đủ các khoản phải thu, phải trả, hạch toán còn nhiều sai sót. Nhiều doanh nghiệp có số nợ khó đòi lớn do quản lý lỏng lẻo, thực hiện không nghiêm túc chế độ tạm ứng, thanh toán: Tổng công ty Lương thực miền Nam 156,4 tỷ đồng, Tổng công ty Chăn nuôi 101 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng công nghiệp 46,7 tỷ đồng, Tổng công ty Giấy 36,7 tỷ đồng,...

Các sai phạm khác ở doanh nghiệp Nhà nước được kiểm toán phát hiện cũng đáng báo động. Đó là tình trạng quản lý vật tư, hàng hóa thiếu chặt chẽ, hạch toán sai nguyên giá tài sản cố định, trích khấu hao không đúng chế độ, hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị, tài sản thấp, tỷ trọng vốn chủ sở trên tổng vốn doanh nghiệp thấp (18%).

Trong khi đó, tổng các khoản nợ phải thu của 16 doanh nghiệp được kiểm toán lên tới 21.408 tỷ đồng, chiếm 36,48% tổng tài sản và bằng 2,66 lần nguồn vốn kinh doanh, tổng số nợ phải trả là 47.005 tỷ đồng, chiếm 80% tổng nguồn vốn.

Ngay từ khâu đầu tiên là lập và giao dự toán ngân sách Nhà nước, qua kết quả kiểm toán, công tác này chưa có nhiều thay đổi so với các năm trước. Đơn cử ngân sách Nhà nước năm 2003, số ước thu để xây dựng dự toán thu 2004 chỉ bằng 87% thực hiện năm 2003.

Do đó, mặc dù dự toán thu tăng 12,6% so với ước thực hiện 2003 nhưng chỉ bằng 98% thực hiện của năm này. Bên cạnh đó, dự toán nhiều địa phương lập và được giao chưa tích cực và sát thực tế: 9/30 địa phương được giao th p hơn thực hiện năm trước, cá biệt có 2 tỉnh chỉ bằng 55- 60%.

Tương tự, các khoản thu sự nghiệp tại các bộ, dự toán thu được giao thấp hơn nhiều như Bộ Văn hóa Thông tin chỉ bằng 33,4%. Đối với khoản thu để lại chi quản lý qua ngân sách, có 17 tỉnh không giao dự toán, 13 tỉnh có giao nhưng chỉ bằng 40-60% thực hiện năm trước.

Tại một số bộ, địa phương không phân bổ hết vốn ngay từ đầu năm mà để lại phân bổ nhiều lần trong năm không đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, trong đó chi đầu tư 79,8 tỷ đồng (Quảng Bình 42,5 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 32,5 tỷ đồng,...), chi thường xuyên 418 tỷ đồng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 212,9 tỷ đồng, Nghệ An 130 tỷ đồng...).

Kết quả thu ngân sách Nhà nước được đánh giá đều tăng so với dự toán, nhưng chủ yếu vẫn từ dầu thô và đất. Vì vậy, cơ cấu nguồn thu chưa bền vững. Đáng chú ý, thu từ doanh nghiệp Nhà nước năm 2004 chỉ đạt 95,5% - là năm thứ hai liên tiếp không đạt dự toán, thể hiện hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực này thấp, tình hình tài chính khó khăn, thua lỗ kéo dài: 4/16 doanh nghiệp lỗ 124 tỷ đồng, 11/16 doanh nghiệp lỗ lũy kế 1.058 tỷ đồng.

Nguyên Linh

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 18/8/2006