VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20t%E1%BB%A9c

Một số ý kiến về bài “Tiền đồng được định giá cao hay thấp” (23/7)

06/08/2010 - 213 Lượt xem

Tác giả cho rằng: “Nếu tỷ giá danh nghĩa tương thích với chênh lệch lạm phát trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp xuất khẩu không phải lo lắng gì nhiều đến sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu”. Ở đây có 2 vấn đề đáng nói.

Thứ nhất, đem “tỷ giá danh nghĩa” để so sánh/đối chiếu với “chênh lệch lạm phát trong nước và quốc tế” để xem chúng có “tương thích” với nhau hay không là khập khiễng vì 2 đại lượng này hòan toàn khác nhau về bản chất, và vì vậy không thể so sánh/đối chiếu được.

Thứ hai, nói rằng: “các doanh nghiệp xuất khẩu không phải lo lắng gì nhiều đến sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu” nếu “tỷ giá danh nghĩa tương thích với chênh lệch lạm phát” thì cũng chưa chính xác, vì ngoài tỷ giá (tôi đoán ý tác giả muốn nói là tỷ giá thực tế) còn có nhiều nguyên nhân khác cũng gây ảnh hưởng đến sức cạnh tranh xuất khẩu (như chất lượng, mẫu mã của hàng xuất khẩu, hàng rào thương mại...).

Tiếp theo, tác giả viết: “Việc Trung Quốc luôn duy trì chính sách đồng nội tệ yếu theo kiểu tỷ giá thực luôn được định giá thấp hơn nhiều so với chênh lệch lạm phát trong nước và thế giới” cũng không chính xác về mặt khái niệm. Tỷ giá thực tế là giá tương đối của hàng hóa ở hai nước, và được xác định theo công thức sau:

Tỷ giá thực tế = (Tỷ giá danh nghĩa x Giá hàng ngoại) : Giá hàng nội

Như vậy, một lần nữa lại có sự khập khiễng khi đem so sánh/đối chiếu tỷ giá thực tế với chênh lệch lạm phát, bởi chênh lệch lạm phát ở 2 nước (thể hiện qua mức chênh lệch tăng giá cả của 2 nước) là một yếu tố hình thành nên (để tính toán ra) tỷ giá thực tế, và vì thế không thể đem so sánh nó với tỷ giá thực tế, cũng giống như việc không thể đem so sánh huyết áp với sức khỏe.

Về mặt phương pháp tính toán tỷ giá thực, tác giả dùng: “Số liệu về tỷ giá danh nghĩa giữa đồng tiền Việt Nam và các nước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và khối lượng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với bảy đối tác thương mại (tính theo quí)...”.

Xin lưu ý rằng cách tính tỷ giá thực điều chỉnh theo tỷ trọng thương mại này (trade-weighted real exchange rate, hoặc còn gọi là real effective exchange rate như tác giả dùng) chỉ cho biết mức giá trung bình của Việt Nam so với mức của tất cả các nước đối tác thương mại đưa vào tính toán, chứ không phản ánh (đúng) tỷ giá (cả danh nghĩa và thực tế) của VND so với một đồng tiền quốc gia nào đó (đồng tiền quan tâm trong trường hợp này là USD, nói thêm ở dưới đây).

Hơn nữa, mặc dù bài viết của tác giả không nêu cụ thể cách tính và kết quả (có thể do bị biên tập), và do đó không thể bình luận gì được, nhưng có thể nói ngay rằng nếu tác giả sử dụng cặp tỷ giá VND với từng đồng tiền của 7 nước đưa vào tính toán thì kết quả không phản ánh đúng thực tế, vì tỷ giá của VND với các ngoại tệ ngoài USD ở Việt Nam thường được tính chéo qua tỷ giá VND/USD và do đó vô hình chung đã “xích chân” các tỷ giá ngoại tệ này trong vòng biến động của VND/USD.

Ngoài ra, tác giả tính toán rằng tỷ giá danh nghĩa VND/USD vào cuối năm 2005 phải là 16.074 thay vì 15.910 như trên thực tế (tức là VND đã bị lên giá so với USD). Sự lên giá này là không thể phủ nhận, cũng giống như kết luận của tôi rút ra từ tính toán riêng dưới đây, nhưng cách tính này có vấn đề vì tác giả lại tính ngược từ tỷ giá thực điều chỉnh theo tỷ trọng thương mại ra tỷ giá danh nghĩa của VND với một đồng tiền cụ thể (là VND/USD trong trường hợp này), và như vậy tức là đưa cả ảnh hưởng của các tỷ giá VND so với các ngoại tệ khác và ảnh hưởng của tỷ trọng thương mại vào tỷ giá danh nghĩa VND/USD tính toán ra.

Lẽ ra chỉ cần tính trực tiếp tỷ giá thực tế theo công thức tôi nêu ở trên là tác giả có thể biết ngay VND đã lên giá thực tế bao nhiêu so với USD (tôi ước tính vào khoảng 5% từ 2002-2005, nếu sử dụng CPI của Mỹ và Việt Nam, sử dụng tỷ giá danh nghĩa công bố VND/USD).

Quan trọng hơn, cả tác giả và tôi đều cho rằng VND đã lên giá trên thực tế so với USD, tuy mức độ lên giá trong 2 tính toán là khác nhau, thấp hơn ở trong tính toán của tác giả. Vì vậy, trên danh nghĩa, tỷ giá VND/USD lẽ ra phải được điều chỉnh lên, kể cả ở mức thấp như tác giả đã tính ra (16.074) từ cuối năm 2005, nhưng rất tiếc là cho đến tận bây giờ nó vẫn chưa được điều chỉnh lên mức này, và các quan chức Ngân hàng Nhà nước vẫn tuyên bố là không có chuyện kìm nén tỷ giá như tác giả trích dẫn.

Từ phát hiện này, tác giả kết luận một số vấn đề liên quan đến chính sách mà theo tôi là không hợp lý.

Thứ nhất, tác giả cho rằng việc tỷ giá Đôla Mỹ/đồng Việt Nam đã lên đến mức gần 17.000 vào một số thời điểm: “...dường như là điều bình thường. Chỉ mới bình thường và phản ánh đúng tương quan của thị trường, các doanh nghiệp đã hoang mang. Không hiểu rồi đây khi có những cú sốc thực sự từ các biến động tiền tệ, các doanh nghiệp sẽ phản ứng ra sao”.

Xin lưu ý rằng thị trường hoang mang vì không hiểu tại sao tỷ giá lại biến động lên như vậy, trong khi Ngân hàng Nhà nước một mực cho rằng việc tăng tỷ giá này chỉ là do tâm lý đầu cơ chứ không phải là những nguyên nhân có tính cơ sở như tác giả đã chỉ ra (VND thực tế đã lên giá so với USD và vì thế phải bị phá giá để đưa nó về với sức mua thực tế).

Lẽ ra tác giả cần phải phê phán Ngân hàng Nhà nước ở những điểm này mới phải (tức là Ngân hàng Nhà nước biết lý do thật mà lại nói khác đi để trấn an dư luận), chứ bản thân thị trường và doanh nghiệp chẳng có lỗi gì vì họ chỉ là nạn nhân của chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Xin nói thêm rằng nội dung phát biểu của 2 ông quan chức Ngân hàng Nhà nước như trong bài mà tác giả trích dẫn là hòan toàn trái ngược nhau, trong khi tác giả lại coi chúng giống nhau ở chỗ chúng cùng cho rằng không có chuyện ém tỷ giá.

Thứ hai, kết luận cuối cùng của tác giả rằng “tỷ giá Đôla Mỹ/đồng Việt Nam hiện nay đã được điều chỉnh khá sát theo thị trường, và nếu như trong tương lai có vượt ngưỡng 16.000 hay hơn nữa cũng là điều tất yếu” vừa mâu thuẫn với chính phân tích của tác giả về việc VND thực tế đã lên giá so với USD mà tỷ giá danh nghĩa không được điều chỉnh tương ứng, vừa khác xa với những gì Ngân hàng Nhà nước luôn tuyên bố (xem báo chí 2 tháng trước đây) rằng tỷ giá VND/USD sẽ vẫn ổn định và không có chuyện tăng tỷ giá vì nguồn cung ngoại tệ rất dồi dào.

 

TS. Phan Minh Ngọc (Đại học Kyushu, Nhật Bản)

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 23/7/2006