VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Thị trường lao động “hậu” WTO: Nguy cơ mất lợi thế nhân công (20/7)

06/08/2010 - 218 Lượt xem

 

Thị trường lao động VN sẽ như thế nào khi cánh cửa WTO mở ra không chỉ là quan tâm của những nhà hoạch định chính sách mà của cả doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ)? "Khi ấy, khả năng thích ứng với môi trường hội nhập sẽ quyết định sự tồn tại của bản thân từng DN, từng NLĐ”. Nhận định này của ông Nguyễn Ngọc Sang, Tổng Giám đốc Công ty Liksin, đã được nhiều người đồng tình.

Chuyển dịch lao động đi đôi với thất nghiệp

Theo ông Nguyễn Lương Trào, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, việc mở rộng thương mại quốc tế và đầu tư nước ngoài sẽ làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế, dẫn đến thay đổi cơ cấu việc làm và cơ cấu lao động. Hiện nay, thị trường lao động có sự dịch chuyển lớn về lao động giữa các khu vực kinh tế, giữa các địa phương, giữa các ngành nghề và giữa các DN...

Thực tế đã chứng minh cho nhận định này: Hiện lao động cả nước đang dồn về các khu công nghiệp, khu đô thị như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... Lao động từ khu vực Nhà nước chuyển sang khu vực ngoài quốc doanh, từ nông thôn chuyển ra thành thị... Đây là sự dịch chuyển tự nhiên theo quy luật “nước chảy về chỗ trũng”, một sự điều tiết mang tính thị trường.

Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch lao động cũng là quá trình diễn ra sự chọn lọc: lao động không có tay nghề, trình độ sẽ không thể kiếm được việc làm tốt, tiền lương cao; thậm chí luôn có nguy cơ bị mất việc. Ông Nguyễn Trọng Khôi, Giám đốc Nhân sự Công ty Liên doanh Trung Á-TP.HCM, nhận xét: “Khi gia nhập WTO, nguồn vốn, công nghệ đổ vào VN sẽ tạo thêm nhiều chỗ làm mới; đồng thời cũng tạo ra một đội quân thất nghiệp mới do không thích ứng được yêu cầu thị trường”.

Nhân công rẻ không còn là lợi thế

Ông Nguyễn Đại Đồng, Vụ trưởng Vụ Lao động - Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), cho rằng để thị trường lao động phát triển đúng hướng, đồng bộ trước khi VN gia nhập WTO, ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý, thể chế, cơ chế, chính sách... phải tạo “cung” lao động đáp ứng “cầu” của thị trường về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề.

Hiện nay, một trong những thế mạnh của VN trong hội nhập kinh tế quốc tế là giá nhân công rẻ. Song, nếu chỉ dừng lại ở yếu tố giá nhân công rẻ thì sẽ không thể biến thế mạnh đó thành cơ hội vì nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Philippines, Indonesia... cũng đang cạnh tranh bằng yếu tố này. Ngoài ra, yếu tố giá nhân công rẻ chỉ có lợi thế đối với những ngành kinh tế sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến thủy sản - những ngành kinh tế “lấy công làm lời”, chứ không là lợi thế đối với những ngành kinh tế sử dụng công nghệ cao hoặc sử dụng nhiều vốn.

“Do vậy, vấn đề quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo, nhất là đào tạo kỹ thuật thực hành trình độ cao”- ông Đồng khẳng định.

Phải điều chỉnh chính sách

Trở lại vấn đề chuyển dịch lao động và cơ cấu lao động, các chuyên gia trên lĩnh vực này thừa nhận: Vấn đề cấp bách là phải điều chỉnh chính sách về thị trường lao động để tạo điều kiện cho sự dịch chuyển này. Đó là các chính sách về thông tin thị trường lao động, tuyển dụng, hợp đồng lao động, dịch vụ việc làm, hỗ trợ chuyển đổi công việc... Ngoài ra, chính sách dạy nghề cũng phải bám sát sự chuyển đổi này, bao gồm đào tạo và đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho lực lượng lao động hiện hữu để phù hợp với yêu cầu.

Mặt khác, khi gia nhập WTO, chắc chắn sẽ xuất hiện những vấn đề mới trong quan hệ lao động, chẳng hạn như dịch vụ cho thuê lao động vốn đang gây nhiều tranh cãi. Do vậy, cần điều chỉnh luật pháp và chính sách cho phù hợp.

Ông Mai Đức Chính, Trưởng Ban Chính sách Kinh tế - Xã hội, Tổng LĐLĐ VN, đánh giá: “Hệ thống chính sách và luật pháp của VN trong lĩnh vực lao động - xã hội đã được sửa đổi theo hướng tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, khi gia nhập WTO, chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh nhiều văn bản luật pháp, nhất là về quan hệ lao động, tuyển dụng lao động, tiền lương, an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực... cho phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của WTO là không phân biệt đối xử, minh bạch”.

Năm 2010, có 26% lao động qua đào tạo nghề

. Đến nay, cả nước có gần 250 trường dạy nghề, 440 trung tâm dạy nghề, 212 trường cao đẳng dạy nghề và 800 trung tâm giáo dục thường xuyên, lớp dạy nghề...

. Phấn đấu đến năm 2010, cả nước có khoảng 350 trường trung cấp và cao đẳng nghề; các quận, huyện có ít nhất 1 trung tâm dạy nghề. Đến năm 2010, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề là 26%; quy mô tuyển sinh đào tạo nghề đạt khoảng 1,5 triệu người, trong đó tuyển sinh đào tạo trung cấp và cao đẳng nghề đạt khoảng 27% tổng quy mô đào tạo nghề.

Nguồn: Bộ LĐ-TBXH

Theo Người lao động

Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn, ngày 20/7/2006