VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20t%E1%BB%A9c

VND được định giá cao hay thấp? (20/7)

06/08/2010 - 223 Lượt xem

Tỷ giá đi đâu về đâu?

Theo đăng ký với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và phát biểu của chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cơ chế tỷ giá hiện nay là “thả nổi có kiểm soát”. Để có thể dự báo tỷ giá, cần thiết phải giải mã những “tín hiệu” mà Chính phủ muốn gửi gắm - một cách kín đáo - đến thị trường. Theo quan sát của người viết trong nhiều năm gần đây, tỷ giá thực (real exchange rate) có tầm quan trọng đặc biệt trong việc giải mã bài toán tỷ giá.

Tỷ giá danh nghĩa, ví dụ hôm nay 1 đô la bằng 16.000 đồng, là mức tỷ giá mà các ngân hàng công bố cho các giao dịch tiền tệ trên thị trường. Trong khi đó, tỷ giá thực là một chỉ số cho thấy tỷ giá danh nghĩa đã được điều chỉnh theo chênh lệch lạm phát trong nước và lạm phát nước ngoài.

Tỷ giá thực luôn được xác lập trong mối quan hệ với hàng loạt các đối tác mà Việt Nam có quan hệ mậu dịch, còn được gọi là tỷ giá thực có hiệu lực (real effective exchange rate) - gọi ngắn gọn trong bài này là tỷ giá thực.

Do có tác động lớn đến giá cả hàng hóa xuất khẩu (và cả nhập khẩu), tỷ giá thực là căn cứ vô cùng quan trọng để ngân hàng trung ương các nước lấy đó làm một trong những mức chuẩn để xác lập tỷ giá mục tiêu cho nền kinh tế.

Nếu tỷ giá danh nghĩa tương thích với chênh lệch lạm phát trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp xuất khẩu không phải lo lắng gì nhiều đến sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Việc Trung Quốc luôn duy trì chính sách đồng nội tệ yếu theo kiểu tỷ giá thực luôn được định giá thấp hơn nhiều so với chênh lệch lạm phát trong nước và thế giới để làm hàng hóa Trung Quốc tràn ngập trên thị trường quốc tế là điển hình về cách thức dự báo đồng nhân dân tệ đi đâu về đâu.

Đồng Việt Nam đang được định giá cao hay thấp?

Để trả lời cho câu hỏi này, người viết lấy năm 1999 là kỳ gốc để xác lập tỷ giá thực. Sở dĩ như thế là do năm 1999 là thời điểm đồng tiền của các nước trong khu vực và tiền đồng đều đã có sự điều chỉnh lại để hướng đến ngang giá chung sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Các đối tác thương mại lớn có mặt trong bài toán tính tỷ giá gồm: Singapore, Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Pháp và Đức.

Số liệu về tỷ giá danh nghĩa giữa đồng tiền Việt Nam và các nước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và khối lượng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với bảy đối tác thương mại (tính theo quí) dùng để tính tỷ giá thực được người viết chọn lọc từ cơ sở dữ liệu thống kê tài chính quốc tế (IFS) của IMF và Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Nhìn tổng thể trong giai đoạn bảy năm qua, tiền đồng đã liên tục được định giá thấp so với đô la Mỹ. Tuy nhiên, càng về cuối năm 2005, tỷ giá thực có xu hướng ngày càng tiến gần về ngang giá sức mua. Các tính toán của tác giả khớp với công bố từ Global Development Finance 2006 của Ngân hàng Thế giới, theo đó tỷ giá thực của Việt Nam “hơi cao” trong giai đoạn 2002-2006.

Diễn tiến trên phần nào cho thấy tỷ giá trong thời gian qua luôn theo khá sát với chênh lệch lạm phát trong nước và bảy đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Đây là diễn biến rất đáng chú ý để dự báo về đường đi của tỷ giá trong giai đoạn sắp đến.

Tác giả đã thử ước lượng tỷ giá thực quy về tỷ giá danh nghĩa để xem có khớp với diễn biến thực tế hay không. Vào thời điểm cuối năm 2005, tỷ giá danh nghĩa đô la Mỹ/đồng Việt Nam là 15.910 đồng. Nhưng nếu phản ánh đúng với tỷ giá thực, tỷ giá danh nghĩa đô la Mỹ/đồng Việt Nam vào cuối năm 2005 có thể vào khoảng 16.073,80 đồng. Tiền đồng vẫn được định giá hơi cao một chút so với đô la Mỹ, và do đó chúng vẫn còn đủ khả năng để tăng lên thêm.

Các phản ứng chính sách

Như vậy, sau nhiều năm không bao giờ vượt ngưỡng “tâm lý” 16.000, có lúc tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam đã lên đến mức gần 17.000 vào một số thời điểm trong những tháng vừa qua. Đây dường như là điều bình thường. Chỉ mới bình thường và phản ánh đúng tương quan của thị trường, các doanh nghiệp đã hoang mang. Không hiểu rồi đây khi có những cú sốc thực sự từ các biến động tiền tệ, các doanh nghiệp sẽ phản ứng ra sao.

Có thể thấy phản ứng khá bình thản của các nhà hoạch định chính sách từ cái gọi là cơn sốt tỷ giá thông qua tín hiệu phát đi từ phát biểu của ông Trương Văn Phước, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước, khi tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam vượt ngưỡng 16.000: “Không có chuyện ém tỷ giá trong thời gian dài, nay phải điều chỉnh tăng vọt. Thực tế thời gian qua mọi biến động về chỉ số giá tiêu dùng, biến động giá các đồng tiền của các nước... đều đã được đưa vào một bài tính phức tạp để giải bài toán tỷ giá” (Tuổi Trẻ ngày 10/5/2006).

Ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, cũng hàm ý tương tự: “Sự biến động tỷ giá có nguyên nhân từ thị trường. Đầu cơ chỉ là giọt nước cuối làm tràn ly” (TBKTSG 11/5/2006).

Có thể hiểu đây là thông điệp mà các nhà hoạch định chính sách muốn nhắn gửi, rằng tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam hiện nay đã được điều chỉnh khá sát theo thị trường, và nếu như trong tương lai có vượt ngưỡng 16.000 hay hơn nữa cũng là điều tất yếu.

 

PGS.TS. Trần Ngọc Thơ (TBKTSG)

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 20/7/2006