VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20t%E1%BB%A9c

Nghịch lý xuất khẩu gạo: Giá tăng - Doanh nghiệp và nông dân… đều thiệt! (17/7)

06/08/2010 - 233 Lượt xem

DN lỗ vì ký hợp đồng giá thấp!

Theo ước tính của Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ KH-ĐT), 6 tháng đầu năm cả nước xuất khẩu được 2,939 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 796 triệu USD. Những ngày gần đây, giá lúa gạo liên tục tăng, thị trường xuất khẩu đang sôi động. Hiện tại, gạo 5% tấm đang ở mức 260 - 270 USD/tấn; gạo 25% tấm là 250 – 255 USD/tấn.

Trong khi đó, giá lúa cũng dao động ở mức cao, 2.500 - 2.600 đồng/kg; lúa thơm đến 2.800 - 2.900 đồng/kg… Lúa gạo tăng, nhưng nhiều DN không vui, vì trước đó ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp. Thực tế, nếu không ký hợp đồng trước thì không đủ kinh phí mua lúa, bởi qui định của ngân hàng khi có hợp đồng mới được vay!

Cuối quý I và đầu quý II, giá gạo xuất khẩu giảm mạnh, có lúc gạo 5% tấm chỉ còn 232 USD/tấn; thế nhưng các DN vẫn vô tư ký hợp đồng xuất khẩu. Lợi dụng cơ hội này, nhiều thương nhân nước ngoài đã ép giá và phần thiệt rơi vào các DN trong nước (!?). Trong khi đó, từ tháng 5 đến nay, thị trường xuất khẩu gạo chuyển biến tích cực.

Nhiều khách hàng từ các nước châu Phi, sau thời gian ăn gạo của Pakistan đã quay sang đặt gạo Việt Nam. Song song đó, một số hợp đồng được ký với Philippines 440.000 tấn gạo, giao hàng từ tháng 6 đến tháng 8. Ngoài ra, Việt Nam vừa trúng thầu xuất sang Iraq 50.000 tấn gạo 5% với giá 270 USD/tấn… Một số DN dù dự đoán trước giá gạo sẽ tăng nhưng cũng không ngờ tăng cao như vậy.

Theo tính toán của các chuyên gia về lúa gạo, với giá lúa dao động ở mức 2.500 - 2.600 đồng/kg; đều vượt xa giá thành gạo xuất khẩu mà các DN đã ký trước đây. Gạo 5% ước cao hơn khoảng 20 USD/tấn, gạo 25% tấm cao hơn 11 - 12 USD/tấn… Đây là khoản lỗ khi DN ký hợp đồng xuất khẩu giá thấp.

Sẽ đạt chỉ tiêu 5 triệu tấn gạo?

Ký hợp đồng xuất khẩu giá thấp không những DN lỗ mà nông dân trồng lúa cũng vạ lây. Hầu hết nông dân ĐBSCL bán lúa đông xuân lúc mới thu hoạch chỉ được 2.000 - 2.200 đồng/kg. Đây cũng là thời điểm mà giới tư thương ra sức thu mua lúa trữ lại. Và hiện nay giá lúa tăng lên 2.600 đồng/kg họ tung hàng ra thu lời.

Ông Tư Lê, ở xã Thới Thuận (Thốt Nốt, Cần Thơ) chua chát: “Trên 20 tấn lúa bán hồi tháng 4, giá chỉ 2.100 - 2.200 đồng/kg, thì 2 tháng sau tôi bị lỗ khoảng 8 triệu đồng!”. Nhiều nông dân khác cũng lâm vào tình cảnh như ông Lê, bởi khi giá tăng thì lúa hàng hóa đã cạn!

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 7-2006, dự kiến các DN xuất khẩu sẽ giao gạo cho các nước khoảng 600.000 tấn, nâng số lượng gạo được giao lên khoảng 3,5 triệu tấn. Vấn đề đặt ra là từ nay đến cuối năm Việt Nam có hoàn thành chỉ tiêu xuất 5 triệu tấn gạo?

Hiện tại, ĐBSCL đang thu hoạch rộ lúa hè thu, một số nơi bị ảnh hưởng bệnh rầy nâu và vàng lùn khiến năng suất giảm. Song song đó, các địa phương khuyến cáo người dân hạn chế làm lúa vụ 3 nhằm cắt đứt mầm bệnh còn lưu tồn trong đất. Dù vậy, theo tính toán của ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, sản lượng lúa vẫn dồi dào và khả năng xuất 5 triệu tấn gạo là có thể thực hiện được, nếu không xảy ra bất thường về thời tiết, thiên tai.

Điều khiến nhiều người băn khoăn là làm sao nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế. Thực tế những năm qua các địa phương tích cực chuyển đổi giống mới, nhưng công nghệ bảo quản hạt gạo và bao bì vẫn còn hạn chế.

Theo các chuyên gia, để hạt gạo được ngon ngoài giống tốt, rất cần được bảo quản trong kho một thời gian nhằm giảm bớt độ nhão. Bên cạnh đó, cần xử lý phương pháp hút chân không tránh bị ẩm mốc, đóng gói trong kho lạnh… hạt gạo mới đảm bảo chất lượng. Hầu như các công đoạn trên các DN Việt Nam không làm được, do thiếu vốn đầu tư công nghệ, lưu kho, và thường bị động trong việc điều tiết thị trường.

Theo dự báo của Bộ Thương mại, thị trường gạo trên thế giới từ nay đến cuối năm rất thuận lợi cho xuất khẩu. Nhu cầu cao nhưng sản xuất tăng không nhiều. Các nước châu Phi và châu Á đều có nhu cầu nhập khẩu gạo khá cao. Hiện tại, gạo thơm của Thái Lan đã nhích lên đến 508 USD/tấn, do nguồn cung hạn chế.

Trong khi hạt gạo của ta luôn thấp bởi cung cách làm ăn thiếu đồng lòng của các DN. Tình trạng mạnh ai nay làm, nên lợi ích chung bị ảnh hưởng, chẳng ai lo. Ông Huỳnh Phú Lộc, ở Lai Vung (Đồng Tháp), chuyên cung ứng gạo cho các DN xuất khẩu trăn trở: “Nông dân làm vụ hè thu và vụ 3 năm nay lời rất ít, còn giới kinh doanh lúa gạo cũng “chuyến đặng chuyến được” do ảnh hưởng giá cả. Nếu từ nay đến cuối năm, Hiệp hội Lương thực và các DN ký được hợp đồng xuất khẩu giá cao thì nông dân trồng lúa mới hy vọng gỡ gạc lại…”. 

Huỳnh Phước Lợi

Nguồn: http://www.sggp.org.vn, ngày 17/7/2006