VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Doanh nghiệp được tự huy động vốn từ 1.7: "Lối thoát" hiệu quả và an toàn

06/08/2010 - 485 Lượt xem

Chủ động tiếp cận vốn
Bắt đầu từ 1.7, NĐ 52 có hiệu lực thi hành. Sau thời điểm này, tất cả các loại hình DN đều được phép tự chủ huy động vốn từ các nhà đầu tư (NĐT) thông qua phát hành TPDN. Theo ông Phạm Phan Dũng - Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) thì điều này có ý nghĩa quan trọng, nhất là với các DN vừa và nhỏ.

Ông Dũng phân tích: Với DN vừa và nhỏ, cơ hội tiếp cận vốn là rất hạn chế. Vì thế, yêu cầu vốn để đáp ứng yêu cầu kinh doanh luôn là sức ép lên đối tượng DN này.

Ông Trần Trung Thành - Phó Tổng GĐ Cty chứng khoán ACB thì cho rằng: NĐ 120 trước đây chỉ chi phối phát hành TPDN quốc doanh, còn NĐ 52 mở cửa cho tất cả các đối tượng, kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài. Điều đó giúp DN chủ động huy động vốn, đồng thời cũng là cửa cho các NĐT nhỏ lẻ tham gia.

Trả lời câu hỏi: Điều kiện nào để DN có thể phát hành TP? Ông Dũng trả lời: Rất đơn giản. DN chỉ cần có thời gian hoạt động tối thiểu 1 năm, có báo cáo tài chính của năm liền kề được kiểm toán. Cuối cùng DN đó phải làm ăn có lãi.

Anh Nguyễn Dung - GĐ Cty Đông Sơn cho biết: Đó là những điều kiện rất mở, tạo sự chủ động và dễ dàng hơn cho DN tiếp cận vốn so với cách vay tiền từ ngân hàng. Hơn thế, đây cũng là cách để loại trừ sự thiếu minh bạch trong hoạt động tài chính, cũng như những DN làm ăn kém hiệu quả.

An toàn hơn cho NĐT và DN
Ông Dũng chỉ rõ những ưu điểm của phát hành TPDN: Nếu qua ngân hàng, rõ ràng DN chịu lãi cao và sức ép về thời hạn. Bên cạnh đó là hàng loạt những thủ tục hành chính khác. Thông qua phát hành TPDN, NĐT và DN dễ dàng ngồi lại với nhau để cùng thỏa thuận.

Theo ông Dũng, đây là kênh huy động vốn rất an toàn và hiệu quả cho cả NĐT và DN ở chỗ: NĐT có thể tham gia hay không tham gia đầu tư trước những thông tin về tình hình DN, nhất là báo cáo kiểm toán.

Bên cạnh đó, cả NĐT và DN đều có thể dựa trên sự đánh giá khách quan từ các cơ quan kiểm toán, sự xếp hạng định mức tín nhiệm (ĐMTN) để có thể phát hành TPDN một cách hiệu quả.

Đặc biệt, DN cũng có thể thuyết phục NĐT bằng chính những dự án kinh doanh của mình. Trong khi đó, nếu gặp rủi ro thì NĐT sẽ là đối tượng đầu tiên được hoàn trả tiền nếu DN phá sản.

Tất cả những điều này đã gắn kết NĐT và DN, đồng thời tăng tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, để NĐ 52 đi vào cuộc sống và phát huy sức mạnh cho DN thì các nhà làm chính sách cần xây dựng hệ thống ĐMTN chuẩn, giúp DN tránh bị động và tốn kém khi phải thuê các hãng nước ngoài xác định hệ số tín nhiệm của mình trước khi huy động vốn.

Phạm Anh
Nguồn: http://www.laodong.com.vn, ngày 14/7/2006