VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Vào WTO: Chính phủ và doanh nghiệp phải cùng nhau tháo gỡ (10/7)

06/08/2010 - 160 Lượt xem

 

WTO có phải là bất ngờ?

 

Theo nhận định của ông Pascal Lamy, Tổng giám đốc WTO, nếu mọi việc suôn sẻ, WTO có thể sẽ kết nạp VN vào tháng 10. Việc xem xét sẽ kéo dài trong 3 tuần ngay trước Hội nghị APEC tại Hà Nội.

 

- WTO có phải là điều bất ngờ với các DN Việt Nam?

 

- Không hề! Hơn 20 năm đổi mới, Đảng ta đã định hướng cho nền kinh tế là mở cửa và hội nhập, điều này đồng nghĩa với việc đi tới “ngôi nhà chung” WTO. Con đường đi đến ngôi nhà chung ấy đã mất hơn 11 năm (từ 1/1/1995). Nhưng sau khi gia nhập, con đường đi tiếp sẽ là vô hạn.

 

Tổng quan về ba khu vực doanh nghiệp

 

- Trước sân chơi rộng lớn là WTO, ông đánh giá thế nào về thực trạng các DN Việt Nam?

 

- Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được hình thành làm ba khối khá rõ: Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Dân doanh, Đầu tư nước ngoài (FDI), chưa tính đến loại hình hợp tác xã, cá thể, hộ nông dân. Cả ba loại hình này ngày càng phát triển và đan xen lẫn nhau.

 

Trước hết là DNNN, khối này đang nắm giữ 75% tài sản cố định quốc gia, 20% vốn đầu tư xã hội, gần 50% vốn đầu tư của Nhà nước, 60% tín dụng ngân hàng trong nước, hơn 70% vốn vay nước ngoài; nhưng chỉ đóng góp gần 50% thu ngân sách. Trong đó, thuế thu nhập chỉ có 9%. Chỉ có 1,6 triệu người lao động trong khu vực này trên 43 triệu lao động cả nước. Trong những năm qua chỉ thu hút được 200.000 lao động thì đã xử lý lao động dôi dư gần 150.000, mà Nhà nước phải bỏ ra gần 5000 tỷ đồng để giải quyết chính sách.

 

Bên cạnh những thành tựu mà khu vực này đạt được, nhất là giúp Chính phủ trong điều tiết kinh tế vĩ mô, bình ổn giá cả, đảm bảo an ninh quốc phòng… thì đây vẫn là khu vực có cơ chế quản lý kém hiệu quả nhất, nhiều tiêu cực lãng phí nhất, đang ngày càng làm mất lòng tin của nhân dân.

 

Sau thời gian dài sắp xếp và đổi mới, đến nay, DNNN về số lượng vẫn còn nhiều, quy mô vẫn nhỏ bé, quyền tự chủ chưa cao.

 

Thứ hai là các DN ngoài quốc doanh, là khu vực được đánh giá năng động và hiệu quả cao. Đến nay, đã có hơn 200.000 DN và tạo ra 90% việc làm mới cho cả nước trong những năm qua. Vốn đăng ký kinh doanh gần bằng tổng vốn Nhà nước tại DNNN, chiếm tỷ trọng đầu tư 26,7% toàn xã hội.

 

Tuy vậy, đây vẫn là khu vực có quy mô nhỏ bé, công nghệ lạc hậu, thiếu chiến lược kinh doanh, và nhiều biểu hiện tiêu cực, nhất là trốn lậu thuế, hàng giả, hàng nhái… Chưa có thế gì trong cạnh tranh, ngoài một số lĩnh vực như xuất khẩu thuỷ sản, nông sản và mạng phân phối, bán lẻ. Không ít DN đang là “sân sau” của DNNN, công ty cổ phần từ cổ phần hoá DNNN.

 

Thứ ba là các doanh nghiệp FDI. Hơn 5.300 dự án FDI có hiệu lực đang hoạt động, thu hút gần 700.000 lao động, tạo ra 54,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và chiếm 37% tổng giá trị sản lượng công nghiệp. Khu vực này góp phần đáng kể làm thay đổi diện mạo DN ở Việt Nam và ngày càng trở thành trường học cho DN Việt Nam về quản trị doanh nghiệp, chiến lược thị trường, cơ chế tài chính… Đây là khu vực khẳng định tính năng động, minh bạch và tính chiến lược, chủ động trong cạnh tranh hội nhập.

 

Nâng cao khả năng cạnh tranh

 

Đánh giá chung trong báo cáo “Năng lực cạnh tranh toàn cầu” của Diễn đàn kinh tế thế giới trong năm 2003 – 2004 thì năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam đứng thứ 73/104 nước xếp hạng.

 

- Ông vừa nói đến thứ hạng 73/104, đây là thứ hạng không mấy sáng sủa, vậy cần phải làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam?

 

- Toàn cầu hoá kinh tế là con đẻ của sức sản xuất và trình độ xã hội hoá ở tầm cao. Từ đó sẽ tạo ra tự do hoá kinh tế toàn cầu; sâu sắc hoá phân công lao động quốc tế; thông tin hoá kinh tế quốc dân; xuyên quốc gia hoá sản xuất và kinh doanh; mở rộng hoá tăng trưởng thương mại; và nhất thể hoá thị trường tài chính tiền tệ. Mới nêu từng ấy điều đã thấy nó sẽ đi sâu vào đời sống kinh tế - xã hội – văn hoá – chính trị không chỉ ở cấp quốc gia, mà mọi gia đình, mọi doanh nghiệp. Lợi ích cũng nhiều, nhưng thách thức cũng vô cùng lớn.

 

Tuy Việt Nam còn lộ trình 12 năm để thực hiện đầy đủ các yêu cầu của WTO, nhưng ngay sau khi nghị quyết của WTO có hiệu lực, nhiều thuận lợi và áp lực sẽ ập vào Việt Nam. Không ai ngồi chờ ai. Sau hơn 10 năm thăm dò, các DN nước ngoài đã sang giai đoạn tìm kiếm và đầu tư, kinh doanh. Vì vậy, Việt Nam cần chủ động đẩy nhanh việc nâng cao năng lực cạnh tranh DN. Để làm được điều này, cần cả 2 phía Nhà nước và DN.

 

Đối với doanh nghiệp, Chính phủ đã công khai các ngành, các lĩnh vực ưu tiên phát triển. Sắp tới sẽ công khai lộ trình hội nhập, nhất là lộ trình thuế. Các DN cần nắm chắc những nội dung đó để định hướng chiến lược phát triển. DN phải tự xác định được lợi thế và thách thức đối với chính mình. Sự sống còn của DN là nâng cao năng suất, hạ giá thành, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giá hạ, phù hợp với người tiêu dùng, theo tập quán từng vùng, từng dân tộc, từng quốc gia.

 

Điều tra cho thấy đến cuối 2005, vẫn còn 45% DN chưa có kế hoạch để tham gia WTO, và tới 31% DN không hiểu biết về WTO. Như vậy là quá muộn.

 

Tiếp thị và quảng cáo đang trở nên quen thuộc đối với DN và người tiêu dùng. Điều này chỉ tốt khi tổ chức mạng lưới phân phối tốt và xây dựng được thương hiệu. Thương hiệu bao giờ cũng gắn với chất lượng – công nghệ - mẫu mã. Phải bằng nhiều năm, nhiều đời, thương hiệu mới đi vào lòng người tiêu dùng được. Điều đáng lo ngại là các DN Việt Nam chưa chăm lo xây dựng thương hiệu.

 

Đối với DNNN, đây phải là một quá trình tiếp tục đổi mới, bao gồm cải cách thể chế kinh doanh, chế tài tài chính, cơ chế tuyển dụng lao động và lãnh đạo, nâng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá là giải pháp cơ bản.

 

Cùng với phát triển nhanh các DN vừa và nhỏ là sự thúc đẩy liên kết để hình thành những tập đoàn kinh tế theo yêu cầu của cạnh tranh, đi vào thực chất, thoát ly yêu cầu nâng cấp, nâng hạng DN. Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) trên giấy tờ là một công ty, nhưng về quy mô và chế độ sở hữu, đây thực sự là một tập đoàn.

 

Xét về năng lực cạnh tranh, hầu hết các DNNN đang rất yếu kém trên cả ba lĩnh vực: nắm bắt thông tin thị trường, tổ chức sản xuất tốt để hạ giá thành, và khả năng tiếp thị sản phẩm.

 

Cần chỉnh trang DN theo hướng hiện đại: tăng tốc độ chứ không chỉ là quy mô, tăng hàm lượng chất xám chứ không phải tăng nguyên liệu, tăng hàm lượng quốc gia không chỉ trong từng sản phẩm mà ngay cả trong DN. Quá trình chỉnh trang DN cũng là quá trình xây dựng văn hoá DN.

 

Vai trò của Nhà nước

 

Đối với Nhà nước, điều cấp thiết là tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường phù hợp với thông lệ của WTO, bao gồm cả bốn nội dung: Luật chơi, người chơi, cách chơi và sân chơi. Trong đó, “luật chơi” - là hệ thống pháp lý và các chuẩn mực; “người chơi” - là chủ thể kinh tế thị trường chính, bao gồm cả tập thể, cá nhân, các thành phần kinh tế; “cách chơi” - chính là cơ chế để thực thi quy tắc; và “sân chơi” - các thị trường, yếu tố cơ bản phải gấp rút hoàn thành.

 

Chúng ta cũng phải chủ động xử lý những tồn tại do lịch sử để lại, không những là các vấn đề kinh tế, mà cả về tâm lý, quan niệm đối với DN, cả những thói quen hành xử với DN của bộ máy công quyền, của đội ngũ công chức từ trung ương xuống địa phương, và cả những “lệ làng” tuỳ tiện đáng sợ. Công việc này thành công hay không phụ thuộc vào kết quả cải cách hệ thống pháp lý và các chuẩn mực xã hội, bao gồm cả các chuẩn mực chính thức và phi chính thức.

 

- Chúng ta có thể hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và vận hành nó với một bộ máy hành chính như hiện nay?

 

- Sự ỳ ạch của quá trình cải cách hành chính cho thấy, vấn đề không chỉ là năng lực cải cách, mà cái chính còn ở ý chí cải cách. Quản được đến đâu mở đến đó? Một Chính phủ đã hơn 60 năm cầm quyền, đặc biệt kinh nghiệm 20 năm đổi mới, cần mạnh dạn hơn. Về kinh tế, hãy cứ mở ra và tìm cách “quản”. Tốt nhất là tiên lượng “vấn đề” để định “chính sách quản” cùng với “mở” mạnh hơn.

 

Yếu tố rất quan trọng nữa là cải cách hành chính không chỉ ở khâu Nhà nước, mà cả hệ thống Đảng, đoàn thể, nhất là hệ thống Đảng. Không ít lãnh đạo DN phàn nàn rằng sự phát triển DN của họ gặp khó khăn ngay cả ở tổ chức Đảng không chịu đổi mới phương thức, nội dung lãnh đạo, hoặc là mắc ngay tổ chức Đảng tại DN, hoặc là tổ chức Đảng ở cấp hành chính hay địa bàn của mình.

 

Chính phủ chăm lo xây dựng phẩm chất và có cơ chế kiểm soát đội ngũ cán bộ làm công tác thuế vụ, hải quan, quản lí thị trường, cảnh sát giao thông… nghĩa là những đối tượng trực tiếp tác động đến DN và bị DN ca cẩm nhiều nhất, làm tăng chi phí cho DN nhiều nhất.

 

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, thế mạnh các DN Việt Nam nằm ngay trong thách thức. Nhưng một thực trạng là cơ chế, chính sách còn hạn chế, thậm chí đang đè lên vai họ. Chính phủ phải “xắn tay” cùng doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, giúp họ tăng tốc và cất cánh.

 

- Cám ơn ông!

 

Phan Thế (thực hiện)

Nguồn: http://www.vietnammet.vn, ngày 10/7/2006