VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Cổ phần hóa mới được 11% (28/6)

06/08/2010 - 194 Lượt xem

Thêm một lần nữa, cổ phần hóa lặp lại điệp khúc chậm, vì sao?

Doanh nghiệp càng lớn, cổ phần hóa càng chậm

Có ba yếu tố đã và đang tác động đến tốc độ cổ phần hóa. Thứ nhất là hàng loạt đơn vị chậm cổ phần hóa năm ngoái nay phải tập trung giải quyết dứt điểm. Ban chỉ đạo cổ phần hóa tại các sở, ngành và địa phương buộc phải dành nhiều thời gian và công sức cho số doanh nghiệp này.

Thứ hai là sự chậm trễ trong ban hành chính sách liên quan đến người lao động. Nghị định 41 về giải quyết lao động dôi dư trong doanh nghiệp quốc doanh hết hiệu lực từ năm 2005, nhưng nghị định mới chưa ra đời. Quyền lợi của người lao động luôn là vấn đề nổi bật của cổ phần hóa, nay chưa có văn bản hướng dẫn, không doanh nghiệp nào dám làm, tất cả đều chờ.

Mãi đến cuộc họp ngày 27/4/2006, Chính phủ mới quyết định cho tiếp tục thực hiện Nghị định 41 và giữa tháng 5 vừa rồi mới có hướng dẫn cụ thể.

Tuy nhiên, lực cản lớn nhất của quá trình đổi mới doanh nghiệp phải kể đến việc cổ phần hóa các đơn vị lớn tiếp tục giậm chân tại chỗ. Một chuyên viên cổ phần hóa nhận xét: “Quy mô doanh nghiệp càng lớn, cổ phần hóa càng phức tạp”. Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), theo kế hoạch phải lựa chọn xong tư vấn quốc tế vào tháng 5/2006, nhưng đến giờ các ban, ngành vẫn chưa nghiên cứu xong và chưa có đánh giá chung về hồ sơ tham gia thầu của từng ứng cử viên.

Tương tự là tình trạng của Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB). Ông Huỳnh Nam Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MHB, cho biết chỉ cần vài tháng để cổ phần hóa MHB, nhưng đã ba năm mà vẫn chưa đâu vào đâu. Ông cũng không biết đến bao giờ Ban Chỉ đạo cổ phần hóa ngành ngân hàng mới chọn xong tư vấn quốc tế cho MHB dù ngân hàng đã trình danh sách kèm hồ sơ các ứng cử viên từ lâu.

Ở Vinaphone, theo ông Phạm Quang Hảo, Phó giám đốc công ty, Vinaphone là đơn vị hạch toán phụ thuộc, mọi việc đều phải do tổng công ty (nay là tập đoàn Bưu chính Viễn thông) quyết định. Thời điểm bán cổ phần của Vinaphone, như lời ông Hảo, sẽ không sớm hơn năm 2008. Cổ phần hóa ở MobiFone có vẻ nhanh hơn khi việc đấu giá cổ phần hy vọng sẽ diễn ra vào giữa năm 2007.

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone, nói công ty đã trình phương án cổ phần hóa về mặt nguyên tắc cho cấp trên nhưng chưa được duyệt. Hiện MobiFone đang làm thủ tục thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Comvik Thụy Điển.

Ách tắc định giá doanh nghiệp

Trong hội nghị tư vấn giữa kỳ các nhà tài trợ cho Việt Nam ở Nha Trang, đại diện các nước và định chế quốc tế đã hoan nghênh sự gia tăng mạnh mẽ tiến trình cổ phần hóa trong năm 2005, đặc biệt là việc mạnh dạn đưa ra cổ phần hóa những công ty lớn và thực hiện đấu giá cổ phần công khai qua thị trường chứng khoán. Song, họ cũng khuyến cáo Việt Nam cần hoàn thiện ngay việc xác định giá trị những doanh nghiệp lớn, nếu không tiến độ cổ phần hóa sẽ bị chững lại.

Trên thực tế, việc xác định giá trị doanh nghiệp lớn đang ách tắc do chúng ta chưa có kinh nghiệm. Hơn nữa, do tâm lý sợ trách nhiệm nên việc định giá một công ty phải qua nhiều cấp, và kéo dài cả năm. Với những lĩnh vực như ngân hàng, còn phải lập ban cổ phần hóa với đại diện của đủ mọi ban, ngành và để lấy đủ ý kiến của tất cả đại diện đòi hỏi một quãng thời gian dài.

Việc định giá Tổng công ty Vinaconex đang vướng ở mạng lưới và công nợ. Do các công ty con của Vinaconex hạch toán phụ thuộc, nên công nợ của doanh nghiệp khó xác định và cũng khó tháo gỡ. Đối với Vinaphone, giá trị doanh nghiệp theo định giá sơ bộ của phía Việt Nam khoảng 1 tỉ Đôla Mỹ, nhưng theo giới bưu chính viễn thông quốc tế, giá của Vinaphone ít nhất phải 3 tỉ Đôla.

Ông Lê Ngọc Minh cho biết MobiFone sẽ thuê tư vấn quốc tế để định giá doanh nghiệp, kể cả định giá thương hiệu. Nhưng cụ thể thủ tục đấu thầu, lựa chọn ra sao, ông vẫn chưa thể “bật mí”.

Vấn đề khúc mắc là Việt Nam hiện chưa thể tự xác định giá trị những công ty lớn. “Chúng ta sẽ phải thuê tư vấn nước ngoài, nhưng thuê thế nào phải có quy định cụ thể, nếu không sẽ lại xảy ra tham nhũng, móc ngoặc mới” - một chuyên viên cổ phần hóa nhận định - “Hơn nữa đã đến lúc phải tổ chức thị trường đấu giá cổ phần công khai hơn, cả trong quy định lẫn thực hiện, để đông đảo quần chúng có thể tham gia. Nếu không sẽ tạo ra sự tiêu cực và lạm dụng trong cơ chế mới”. Một khối lượng lớn nhà đầu tư tham gia đấu giá sẽ giúp giảm bớt sự thông đồng như đã từng xảy ra với một số trường hợp đấu giá doanh nghiệp gần đây.

Cho đến nay, 96/104 đề án cổ phần hóa các ngành, địa phương đã được Chính phủ phê duyệt lại. Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương đang rà soát lại, trình Chính phủ sửa đổi Quyết định 155 về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, rạch ròi những đơn vị Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn, theo hướng đưa thêm doanh nghiệp ra cổ phần hóa.

Theo TBKTSG

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 28/6/2006