VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Áp lực trước ‘giờ G’

06/08/2010 - 490 Lượt xem

Nhìn một cách tổng thể, những điểm được, những tác động tích cực sẽ là xu hướng chính từ các nội dung của hai luật đã được đánh giá là góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam, khắc phục sự bất bình đẳng về pháp lý và điều kiện kinh doanh, đầu tư cho các nhà đầu tư, các DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia hoạch định chính sách cũng không ngần ngại đưa ra khuyến cáo về khó khăn có thể xảy đến.
Đó là những thay đổi buộc phải tính đến của các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang đầu tư kinh doanh trong những ngành, nghề đang được bảo hộ, ưu đãi đặc biệt; khu vực DN nhà nước với một số đặc quyền hoặc độc quyền, trợ cấp lâu nay sẽ bị bãi bỏ. Đó là quyền hạn của bên đa số trong các công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn sẽ giảm hơn so với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999... Và đối tượng đặc biệt được nhắc đến là đội ngũ công chức có liên quan đến các hoạt động đầu tư kinh doanh của DN. Theo ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) thì áp lực thời gian tới đối với đối tượng này chính là khối lượng công việc nhiều hơn trong một môi trường minh bạch hơn và chịu sự giám sát chặt chẽ hơn.
Bắt đầu từ thời điểm này, các loại hình DN phải đối mặt với áp lực rất lớn của yêu cầu tổ chức lại theo quy định của Luật DN năm 2005. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tự quyết định đăng ký lại hay không trong thời điểm hai năm kể từ “giờ G”. Các DN nhà nước có thời hạn 4 năm để chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần hay công ty TNHH. Với DN khu vực tư nhân trong nước, những thuận lợi nhìn thấy ngay khi Luật DN 2005 được xây dựng dựa trên thành công của Luật DN 1999. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tài, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, quản lý và đào tạo (thuộc CIEM) thì thách thức với khu vực này chính là sự tuân thủ chặt chẽ hơn các quy định về tài chính, kế toán, lao động, môi trường... “Khác với trước, các nhà đầu tư tư nhân trong nước phải đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư có vốn từ 15 tỷ đồng trở lên và phải trải qua quy trình thẩm tra đầu tư đối với các dự án đầu tư có quy mô vốn từ 300 tỷ đồng trở lên hoặc dự án thuộc danh mục đầu tư có điều kiện”, ông Tài cho biết.
Đây là một trong những điểm được quan tâm nhất trong nội dung của Luật Đầu tư và cũng có thể nói là được chờ đợi nhất từ các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư. Các DN trong nước cho rằng, mọi đánh giá, phân tích về sự cải thiện trong môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính... sau thời điểm hiệu lực của hai luật này sẽ chỉ cảm nhận được khi có được những hướng dẫn có chất lượng, nhất quán và đặc biệt là thống nhất trong việc tổ chức thực hiện ở các cấp, đặc biệt là cấp chính quyền địa phương.
Theo những thông tin từ Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư đã được trình Thủ tướng Chính phủ, các thủ tục đầu tư đã được dự thảo một cách rõ ràng, cụ thể về “đường đi, nước bước” để các nhà đầu tư có thể biết rõ phần việc của mình khi khởi động một dự án. Ví dụ, với các dự án có điều kiện, dự thảo quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào điều kiện và trình tự theo quy định của pháp luật để thẩm tra sự phù hợp về điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Đối với các dự án đầu tư trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, ngân hàng, bảo hiểm... thì nhà đầu tư phải ký quỹ và mua bảo hiểm khách hàng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...
Một điểm đặc biệt là, kèm theo dự thảo Nghị định này, ngoài danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư, danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và khó khăn, danh mục lĩnh vực cấm đầu tư áp dụng cho tất cả các hoạt động đầu tư, thì danh mục đầu tư có điều kiện với 11 lĩnh vực cụ thể và 2 điều khoản về các lĩnh vực khác và điều kiện áp dụng sẽ chỉ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Giải trình về nội dung này, Ban soạn thảo dự thảo Nghị định cho rằng, các điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư trong nước đã được ban hành trong các văn bản luật chuyên ngành hoặc sẽ được ban hành trong tương lai do nhu cầu quản lý của Nhà nước. Có thể thấy, áp lực sau giờ G cũng đang đặt lên vai cả các cơ quan, bộ ngành, địa phương cũng như Chính phủ... trong nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, công khai, dễ tiên liệu và thống nhất...

 

Bảo Duy

Nguồn: http://www.vir.org.vn, ngày 28/6/2006