VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20t%E1%BB%A9c

Vào WTO, khoảng cách giàu nghèo sẽ tăng?

06/08/2010 - 452 Lượt xem

Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy, trong điều kiện nước ta trở thành thành viên WTO, rất có thể xu thế diễn biến của khoảng cách giàu nghèo này sẽ bị đảo ngược trong những năm tới.

“Bức tranh” thu nhập đã sáng sủa

Điều có lẽ không ai không biết là sự tăng trưởng rất ngoạn mục của nền kinh tế chính là tiền đề để thu nhập của dân cư nước ta tăng vọt trong những năm gần đây.

Cụ thể, các số liệu thống kê cho thấy, thay vì tăng bình quân 9,17%/năm trong giai đoạn 1996 - 1999 và “chạm đáy” chỉ với 6,48%/năm trong khoảng thời gian 1999-2002, thu nhập bình quân đầu người một tháng đã tăng vọt 16,65%/năm trong các năm 2003-2004 và đạt 484,4 nghìn đồng.

Do vậy, với tốc độ tăng GDP vượt trội 8,43% năm 2005 (năm 2004: 7,79%), rất có thể thu nhập bình quân đầu người một tháng của nước ta đã đạt khoảng 570 nghìn đồng và với tốc độ tăng GDP năm nay dự kiến ở mức 8%, con số này có thể lên tới khoảng 670 nghìn đồng.Đó hiển nhiên là những điều hết sức đáng mừng.

Thế nhưng, xét trên tất cả các phương diện, từ kinh tế đến xã hội và chính trị, điều còn đáng mừng hơn nữa là ở chỗ, thu nhập bình quân đầu người một tháng của dân cư khu vực nông thôn các năm 2003-2004 đã tăng vượt trội so với của dân cư khu vực đô thị.

Cụ thể, các số liệu thống kê cho thấy, trong các năm này, trong khi thu nhập bình quân đầu người một tháng của dân cư khu vực đô thị tăng bình quân 14,49%/năm, thì của dân cư khu vực nông thôn tăng vượt trội đạt 17,28%/năm. Cũng chính vì vậy, nếu khoảng cách giàu nghèo giữa hai khu vực đô thị và nông thôn các năm 2001-2002 là 2,26 lần, thì các năm 2003-2004 giảm xuống chỉ còn 2,16 lần.

Và với đà tiến bộ như vậy, rất có thể khoảng cách này năm 2005 vừa qua đã giảm xuống chỉ còn khoảng 2,10 lần và năm 2006 sẽ tiếp tục giảm xuống còn 2,05 lần.

Nguy cơ xu thế bị đảo ngược?

Mặc dù vậy, có nhiều căn cứ để dự báo rằng, xu thế rất đáng mừng nói trên vẫn có thể bị đảo ngược, cho dù nhịp độ tăng trưởng chung của nền kinh tế những năm tới có thể tiếp tục được đẩy nhanh.

Thứ nhất, việc giá nông sản thế giới rất có thể sẽ chấm dứt sốt nóng vào những năm cuối của thập kỷ này chắc chắn sẽ tác động rất bất lợi đến khu vực nông nghiệp và dân cư nông thôn nước ta.

Trước hết, các số liệu thống kê của WTO cho thấy, nếu như chu kỳ sốt nóng giá lương thực và thực phẩm thế giới lần trước kéo dài trong 4 năm 1994- 1997 (năm 1993 và năm 1998 có thể coi là những năm giao thời), thì chu kỳ sốt nóng hiện tại tính đến thời điểm này đã kéo dài được 3 năm (năm 2004 có thể coi là năm chuyển từ trạng thái sốt lạnh sang sốt nóng), cho nên triển vọng sốt lạnh giá nông sản thế giới tái diễn không còn quá xa.

Và nếu điều này trở thành hiện thực, những tác động bất lợi đến khu vực nông nghiệp và dân cư nông thôn nước ta trong những năm cuối thập kỷ này sẽ là rất lớn.

Thứ hai, cùng với nguy cơ sẽ phải đối mặt với sốt lạnh giá cả nông sản trên thị trường thế giới như nói trên, khu vực nông nghiệp và dân cư nông thôn nước ta chắc chắn sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị mất thị trường nông sản trong nước khi phải cắt giảm hàng rào thuế và phi thuế để hội nhập.

Năng suất thấp, chất lượng kém, giá thành sản xuất và giá bán còn cao, thậm chí rất cao, quy mô sản xuất của các chủ thể kinh doanh còn cực kỳ nhỏ, quy mô hàng hoá của các vùng cũng nhỏ... và tất cả những điều này có nghĩa là hàng loạt nông sản có sức cạnh tranh kém, sự tồn tại và phát triển, thậm chí phát triển nhanh lâu nay là nhờ vào sự yểm trợ hàng rào thuế và phi thuế, cho nên sẽ bị thất thế trên chính “sân nhà” trong điều kiện nước ta trở thành thành viên WTO.

Thứ ba, trở thành thành viên WTO, chắc chắn nền kinh tế tiếp tục phát triển nhanh hơn, nhưng do đặc thù hiện nay, rất có thể diễn ra hai xu thế phát triển trái ngược nhau trong lòng đất nước, cho nên khoảng cách giàu nghèo sẽ bước vào giai đoạn tăng tốc.

Trước hết, theo tính toán của các nhà quản lý, thay vì đạt nhịp độ tăng trưởng 7,51%/năm trong 5 năm qua, trong kế hoạch 5 năm hiện nay nền kinh tế nước ta sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng tối thiểu 7,5-8%/năm và phấn đấu đạt mức cao hơn.

Và để đạt nhịp độ tăng trưởng như vậy, lĩnh vực công nghiệp phải tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng rất cao khoảng 9,6-10%/năm, còn lĩnh vực dịch vụ phải tăng tốc để đạt nhịp độ tăng trưởng 7,4-8,0%/năm và hai khu vực kinh tế này ngày càng chiếm tỷ trọng áp đảo trong nền kinh tế (84- 85%).

Trong khi đó, thay vì 3,83%/năm trong giai đoạn 2001-2005, lĩnh vực nông nghiệp sẽ giảm tốc chỉ còn khoảng 3,0-3,2%/năm.Cho dù hai xu thế tăng và giảm tốc trái chiều nhau như vậy là tất yếu trên con đường CNH, HĐH đất nước, nhưng vấn đề mấu chốt là ở chỗ, do tình trạng công nghiệp và dịch vụ vẫn tập trung phát triển chủ yếu ở khu vực đô thị như hiện nay, còn khu vực nông thôn vẫn tiếp tục đứng ngoài “rìa” làn sóng phát triển này, thì việc khoảng cách giàu nghèo giữa hai khu vực đô thị và nông thôn sẽ doãng rộng rất nhanh chỉ là hệ quả tất yếu.

Cho dù việc thúc đẩy kinh tế ở các vùng nghèo tăng tốc được chú trọng hơn, nhưng làm sao có thể xoay chuyển được tình hình trong chỉ một vài năm?

Như vậy, xét trên góc độ mục tiêu phát triển bền vững đất nước, đây có lẽ là thách thức gay gắt nhất cần có những đối sách để ngăn chặn, bởi gia tăng nhanh khoảng cách giàu nghèo đồng nghĩa với nguy cơ bất ổn tồn tại ngay trong lòng đất nước.

Nguyễn Đình Bích

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 26/6/2006