VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Lịch sử giá vàng tăng sẽ lặp lại?

06/08/2010 - 458 Lượt xem

Trong tuần qua, giá vàng thế giới có lúc đã tăng đến mức trên 590 USD/oz do tác động từ những tin tức chính trị, song sau đó vẫn tiếp tục giảm lại xuống dưới 575 USD.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng do giá vàng đã tăng quá nhanh trong năm nay cộng với việc ngân hàng trung ương các nước đang tăng lãi suất nên việc vàng giảm giá là bình thường. Vậy liệu rằng có phải giá vàng đang xoay chiều và bước vào một xu thế giảm mạnh hay sẽ vẫn tiếp tục giữ vững đà tăng giá như từ đầu năm?

Nhìn từ yếu tố cơ bản và lịch sử

Trong thời gian qua, việc giá vàng tăng mạnh thường được lý giải qua các nhân tố cơ bản sau:

1. Đồng USD yếu do kinh tế Mỹ tăng trưởng thiếu vững chắc và Nhà Trắng chi tiêu quá nhiều cho cuộc chiến chống khủng bố trong khi thâm hụt thương mại lớn.

2. Lạm phát đang tăng lên ở nhiều nước.

3. Các căng thẳng và xung đột về chính trị.

4. Trung Quốc đang trên đà tăng trưởng và do đó gia tăng nhu cầu về vàng.

Phân tích các nhân tố này, chúng ta thấy rõ rằng với tình hình kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục phát triển như hiện nay, nhu cầu về năng lượng như dầu thô, khí đốt… sẽ không thể giảm, trong khi sản lượng khai thác không thể tăng nhanh (đó là chưa kể nguồn cung cấp có thể bị gián đoạn do bất ổn chính trị, thời tiết), vì vậy, giá năng lượng sẽ vẫn ở mức cao và giữ lạm phát thế giới ở mức cao.

Căng thẳng chính trị giữa Mỹ với Iran và CHDCND Triều Tiên, vị thế kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc và sự giảm dần sức mạnh của đồng USD trước sự cạnh tranh của đồng Euro và có thể sắp tới là đồng tiền chung châu Á cũng sẽ tiếp tục được duy trì. Như vậy, những yếu tố cơ bản hỗ trợ giá vàng tăng hầu như không có thay đổi gì.

Nhìn từ góc độ lịch sử, có một trùng hợp khá thú vị là những nhân tố cơ bản hiện nay tương đối giống với những gì đã xảy ra trong thập niên 1970, giai đoạn mà giá vàng giữ vững xu thế tăng trong suốt 12 năm.

Giai đoạn đó cũng có những vấn đề như chi tiêu chính phủ Mỹ cho chiến tranh Việt Nam leo thang, thâm hụt lớn, lạm phát, đồng USD giảm giá và giá vàng và giá dầu tăng vọt. Đặc biệt hơn nữa, xét ở góc độ phân tích kỹ thuật, mẫu hình đồ thị giá vàng hiện nay có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn “sốt vàng” trong thập niên 1970 (so sánh hai mẫu đồ thị).

Trong hai đồ thị đó, ta thấy dường như mẫu hình giá vàng hiện tại phần nào tương tự như giai đoạn đầu năm 1980 khi giá vàng tăng mạnh từ 650 lên trên 700 USD rồi vọt mạnh lên 950 USD.


Đợt sốt giá vàng giai đoạn 1970-1980.



Lịch sử sẽ lặp lại?

Thế giới hiện nay ngày càng trở nên phức tạp hơn, do đó biến động giá vàng cũng phức tạp hơn. Tuy nhiên, hiện nay, có vẻ như sự phức tạp hơn của thế giới hiện đại sẽ dẫn đến một mức tăng cao hơn của giá vàng so với quá khứ.

Vào thời kỳ vàng tăng giá trong thập niên 1970, Ấn Độ và Trung Quốc là các nước nghèo. Với việc người dân của hai quốc gia đông dân bậc nhất thế giới ngày càng trở nên giàu có, thì nhu cầu về vàng thế giới chắc chắn phải tăng lên.

Ấn Độ là nước đem lại 23% doanh thu của thị trường vàng tiêu dùng, và dự kiến mức tiêu thụ vàng của Ấn Độ trong năm nay sẽ tăng 33%. Thói quen tiết kiệm bằng vàng của người dân Trung Quốc vẫn đang được duy trì.

Như vậy, tương lai của kim loại quí này là khá sáng sủa. Đấy là chúng ta chưa xét đến vấn đề nóng lên toàn cầu có thể làm thay đổi khí hậu, tạo ra những cơn bão tác động đến việc khai thác dầu, kéo theo việc giá vàng, giá dầu và lạm phát tăng lên. Như vậy, nhìn chung, xu hướng tăng của giá vàng thế giới là chưa thể bị đảo ngược.

Và những cảnh báo…

Việc giá vàng biến động tăng giảm thất thường vừa qua là do các quỹ kinh doanh vàng đã tiến hành thanh toán vị thế để kiếm lời sau đợt tăng giá ngoạn mục kéo dài cộng với những tin tức về việc trùm khủng bố Al-Zarqawi bị tiêu diệt.

Tuy nhiên, sau đó nhiều nhà đầu cơ lại bắt đầu mua lại vàng với việc tình hình chính trị trở nên căng thẳng và bất ổn. Như phân tích ở trên, các nhân tố hỗ trợ giá vàng tăng trở lại dường như khá vững chắc, và có vẻ việc vàng đạt mức giá 800-850 USD/oz ở thời điểm cuối năm như dự báo của một số nhà phân tích vẫn không phải là không thể xảy ra.

Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, như nhận định của một số nhà phân tích, tính đầu cơ của thị trường vàng khá cao (có số liệu cho rằng lên đến 85% những người đang giữ vị thế là các nhà đầu cơ ngắn hạn) nên những quyết định về lãi suất của các ngân hàng trung ương và những tin tức chính trị có thể làm thị trường cực kỳ bất ổn, tạo ra những đợt giá đột ngột lên xuống với tốc độ rất nhanh do hành vi thanh toán vị thế để kiếm lời ngắn hạn của các quỹ đầu cơ.

Các nhà kinh doanh vàng ở Việt Nam hiện nay cần phải rất thận trọng với các quyết định đầu cơ ngắn hạn trên thị trường, tránh trở thành “nạn nhân bất đắc dĩ” trong cuộc chiến đầu cơ giữa các quỹ lớn trên thị trường thế giới.

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 26/6/2006