VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán

06/08/2010 - 411 Lượt xem

Trước khi thông qua toàn văn Luật Chứng khoán, các đại biểu đã tham gia cho ý kiến bằng phiếu với 6 điều riêng lẻ, trong đó có điều 8 quy định về Ủy ban chứng khoán Nhà nước là cơ quan thuộc Bộ Tài chính. Mặc dù tại các phiên thảo luận hội trường, có khá nhiều ý kiến trái ngược nhau nhưng nhìn chung đa số đồng thuận với dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu vẫn bảo lưu quan điểm của mình với 51 phiếu không đồng ý, tương đương 10,34%.

Không có chỗ cho môi giới cá nhân?

Về vấn đề có nên cho phép cả cá nhân, tổ chức ngoài công ty chứng khoán được thực hiện hoạt động môi giới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội một lần nữa bảo lưu quan điểm của dự thảo.

“Hoạt động môi giới chứng khoán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần phải được quản lý chặt chẽ. Các tổ chức, cá nhân muốn hoạt động môi giới chứng khoán thì phải thành lập công ty chứng khoán và phải được Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp phép”, bản giải trình cuối cùng ghi rõ.

Tại hai phiên thảo luận trước đó, có ý kiến cho rằng cách xem xét vấn đề này có phần giống cách nhìn nhận về thương lái, thương nhân kinh doanh lúa, gạo những năm 80 của thế kỷ trước hay “cò đất”, mua bán vàng và đô la hiện nay.

Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật chứng khoán, quy mô vốn tối thiểu của một công ty chứng khoán đã được nâng lên so với Nghị định 144. Cụ thể, Điều kiện vốn tối thiểu đối với công ty có hoạt động môi giới chứng khoán là 10 tỷ đồng (trước là 3 tỷ đồng), với hoạt động tự doanh là 40 tỷ đồng (trước là 12 tỷ đồng), bảo lãnh phát hành là 70 tỷ đồng (trước là 22 tỷ đồng), tư vấn đầu tư chứng khoán là 5 tỷ đồng (trước là 3 tỷ đồng), quản lý quỹ đầu tư và quản lý danh mục đầu tư là 15 tỷ đồng (trước là 3 tỷ đồng).

Ngoài ra, điều kiện để thành lập một công ty chứng khoán còn yêu cầu Giám đốc, Tổng giám đốc và các nhân viên thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phải có chứng chỉ hành nghề (tương tự tại Nghị định 144).

Hiện nay, mặc dù chưa có thống kê nào về số lượng cá nhân hoạt động môi giới chứng khoán nhưng chắc chắn đây là con số không nhỏ. Trong thực trạng tình hình doanh nghiệp cổ phần ở Việt Nam, nhu cầu môi giới của thị trường không chính thức rất lớn và cũng rất khó kiểm soát các hoạt động môi giới cá nhân. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào lựa chọn của nhà đầu tư.

Điều khoản cuối cùng

Do Luật Chứng khoán ra đời muộn hơn thị trường chứng khoán tập trung tới hơn 5 năm và ban hành sau rất nhiều văn bản pháp quy khác nên Luật đã dành hẳn một điều khoản quy định áp dụng đối với các tổ chức hoạt động trước thời điểm 1/12007 – thời điểm Luật bắt đầu có hiệu lực.

Cụ thể, tổ chức đã đăng ký phát hành chứng khoán ra công chúng, niêm yết, đăng ký giao dịch; quỹ đầu tư chứng khoán đã đăng ký thành lập và hoạt động đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật này không phải thực hiện thủ tục đăng ký lại.

Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đã thành lập và hoạt động theo giấy phép hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật này không phải thực hiện thủ tục xin cấp lại Giấy phép thành lập và hoạt động. Công ty chứng khoán đang thực hiện nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư, phải thực hiện thủ tục đổi lại Giấy phép thành lập và hoạt động trong thời hạn một năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Văn phòng đại diện của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài đã hoạt động theo Giấy phép thành lập văn phòng đại diện không do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải làm thủ tục đăng ký lại với Uỷ ban.

Nguyễn Hoàng

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 24/6/2006