VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Luật bảo hiểm xã hội, còn phải chờ!(22/6)

06/08/2010 - 166 Lượt xem

Điều 95 dự Luật có nội dung quy định vấn đề chi phí quản lý bảo hiểm xã hội bắt buộc hàng năm được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ. Mức chi phí quản lý hàng năm không quá 2,2% trên tổng số thực thu bảo hiểm xã hội bắt buộc hàng năm do người lao động và người sử dụng lao động đóng. Còn mức cụ thể hàng năm sẽ do Chính phủ quy định.

Rất nhiều đại biểu đã có ý kiến về nội dung này. Người điều hành phiên họp – Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh, cho biết, thống kê hiện nay có tới 151 ý kiến thiên về quy định mức chi phí quản lý tối đa bằng 2,4% tổng thu, có 40 ý kiến đề nghị quy định cụ thể mức chi phí quản lý thấp hơn 2,4%, nhiều ý kiến đề nghị 2%, có ý kiến đề nghị 1,5% hoặc 1%, và cũng chỉ có 138 ý kiến tán thành để Chính phủ quy định mức cụ thể sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mức 2,2% (đầu kỳ họp được quy định lên tới 3%) mà UBTVQH chỉ đạo cơ quan soạn thảo đưa ra cho Quốc hội thông qua, được giải trình là mức tính toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội phù hợp với định hướng cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, thực hành tiết kiệm... Đồng thời, xuất phát từ thực tế, trong những năm tới, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng, tiền lương tối thiểu cũng được tăng lên và cùng với việc tích cực đôn đốc thu đúng, đủ các đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà chưa tham gia.

Đây sẽ là mức trần, hàng năm Chính phủ quy định mức cụ thể theo hướng giảm dần, được sự giám sát và báo cáo hàng năm của Chính phủ về thực hiện bảo hiểm xã hội và kết quả kiểm toán Nhà nước về bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Nguyễn Phúc Thanh, phương án này tiếp tục có nhiều ý kiến phản đối, và kết quả hỏi ý kiến qua phiếu cho thấy sự tán thành chưa quá bán.

Được biết, cho đến nay vẫn còn ý kiến đề nghị nếu Luật ghi một mức trần thì phải quy định rõ hơn khoản chi phí quản lý này, nhưng nhiều hơn cả là ý kiến cho rằng chi phí quản lý như vậy là quá cao, cần giảm bớt.

Một số đại biểu đề nghị khoản chi phí này nên lấy từ ngân sách Nhà nước, coi đó như khoản hỗ trợ, đóng góp từ phía Nhà nước cho Quỹ bảo hiểm xã hội. Thậm chí, có ý kiến đề nghị: căn cứ địa vị pháp lý của tổ chức bảo hiểm xã hội mà quy định chi phí quản lý như các tổ chức sự nghiệp công, nguồn chi lấy từ sinh lợi của quỹ.

Trong khi đó, quy định trong dự Luật cũng được một số đại biểu khác tán thành, rằng việc hỗ trợ chi phí quản lý bảo hiểm xã hội lấy từ ngân sách Nhà nước sẽ làm tăng gánh nặng cho ngân sách, tạo thêm sự bao cấp đối với tổ chức sự nghiệp, không phù hợp với nguyên tắc hình thành, quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, hạch toán độc lập với ngân sách Nhà nước. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ để quỹ không bị phá sản, hoặc gặp trường hợp đặc biệt khó khăn.

Việc quy định chi phí quản lý bảo hiểm xã hội như các tổ chức sự nghiệp công sẽ đảm bảo mặt bằng chung về chế độ chính sách đối với các tổ chức sự nghiệp, song không gắn việc thụ hưởng với việc tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ thu, chi bảo hiểm xã hội của tổ chức bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, cũng còn một số ý kiến khác nhau về các điều khoản khác trong dự Luật. Có tới 103 ý kiến không tán thành đưa bảo hiểm thất nghiệp vào phạm vi điều chỉnh của Luật. Nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước chỉ bảo hộ đối với Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc quỹ bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện.

Ngay trong số các đại biểu tán thành loại hình bảo hiểm thất nghiệp, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về hiệu lực thi hành đối với loại hình này. Có ý kiến cho rằng nên thực hiện sau 2010, trong khi có đại biểu đề nghị Luật nên quy định hiệu lực thi hành đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/1/2008. Tổng hợp cho thấy có nhiều ý kiến cho rằng thời điểm thích hợp hơn cả để bảo hiểm thất nghiệp đi vào hiệu lực là 1/1/2009.

Một vấn đề cũng được quan tâm nhiều là lương hưu. Nhiều ý kiến đã gay gắt kiến nghị và Ban soạn thảo đã phải bỏ quy định lao động nữ nghỉ việc hưởng lương hưu với điều kiện tuổi nghỉ hưu trên 55 tuổi thì mức lương hưu được tính như lao động nam.

Tương tự, vấn đề điều chỉnh lương hưu được một số đại biểu đề nghị cần thực hiện 3 năm hoặc 5 năm 1 lần trong khi dự Luật mới chỉ thiết kế lại theo tinh thần: lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế. Mức điều chỉnh cụ thể do Chính phủ quy định.

Nguyên Quân

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 22/6/2006