VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Nông nghiệp và phân phối: Hai ngành đáng lo nhất khi vào WTO

06/08/2010 - 438 Lượt xem

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho biết:

Cam kết về nông nghiệp của Việt Nam không quá thấp, song đây là một ngành rất nhạy cảm vì nó tác động đến trên 70% dân số nước ta. Trong quá trình đàm phán chúng ta đã tính đến yếu tố nhạy cảm này.

Vì vậy, mức cam kết thuế nông nghiệp bao giờ cũng cao hơn các sản phẩm khác. Thuế bình quân cam kết là 13,4%, trong khi đó thuế hiện hành 17%. Sản phẩm công nghiệp cam kết 12,4%, nông nghiệp là 21%. Trung Quốc bình quân là 10,1%.

Tuy sẽ gặp rất nhiều khó khăn, song con đường để phát triển nông nghiệp của chúng ta không phải là bảo hộ mà cần có chiến lược phát triển nông nghiệp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Tôi nghĩ rằng vấn đề này có thể giải quyết theo 2 kênh. Thứ nhất là thu hút đầu tư để chuyển bớt nông dân sang làm công nghiệp. Thứ hai, cần làm ngay “cuộc cách mạng” về cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Ngoài nông nghiệp, bộ trưởng còn thấy lo ngại cho ngành nào nữa?

Phân phối cũng là một ngành sẽ phải cạnh tranh rất mạnh. Nếu không vươn lên mạnh mẽ thì các nhà bán lẻ của chúng ta sẽ thất bại ngay trên sân nhà.

Tuy nhiên, bây giờ chưa phải là đã muộn nếu chúng ta có sự chuyển động mạnh. Chúng ta chưa có một nền thương mại mạnh cũng là mặt dở nhưng những thói quen tiêu dùng vẫn mang tính nông nghiệp cũng là yếu tố tạo thời gian cho chúng ta vươn lên.

Hơn nữa, tuy chúng ta đã mở cửa ngành phân phối dịch vụ nhưng nếu muốn mở nhiều điểm bán lẻ vẫn phải có sự đồng ý của chúng ta chứ không thể tự động mở một loạt các điểm bán lẻ. Tôi nghĩ rằng dù khó khăn nhưng vẫn đủ thời gian để doanh nghiệp (doanh nghiệp) thay đổi.

Những ngành lâu nay được xem là trụ cột vẫn đang được bảo hộ sẽ không lo ngại?

Nếu không đào tạo lại cán bộ, cải cách lại khâu quản lý, tổ chức lại hệ thống những ngành này chắc chắn sẽ phải gặp khó khăn vì họ ít được rèn luyện trong cạnh trạnh thực sự. Tôi cho rằng, thời đại này có hai điểm cần tận dụng tối đa để phát triển. Thứ nhất, quy mô không quan trọng bằng tốc độ. Quy mô ban đầu nhỏ nhưng biết cách đi đúng thì sẽ thắng. Thứ hai, kinh nghiệm sẽ không bằng tư duy.

Tôi cho rằng vào WTO chỉ là cái giấy chứng nhận quốc tế về tiến trình cải cách của Việt Nam. Một số nước không gia nhập WTO vẫn phát triển. Tất nhiên, vào WTO sẽ có nhiều cơ hội nhưng tự nó không biến thành vật chất nên Nhà nước và doanh nghiệp phải cùng nắm bắt lấy cơ hội. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng nhất chưa phải là mức độ mở cửa, mà sự chuẩn bị cho hội nhập mới là vấn đề quan trọng nhất.

Khi Việt Nam đã chính thức vào WTO, theo cam kết thì những ngành nào sẽ phải mở cửa ngay?

Tất cả các ngành đều mở cửa theo lộ trình. Đa số là mở cửa sau 3 năm nhưng cũng có những dòng thuế sau 8 năm, thậm chí 11 năm mới phải giảm đến mức cuối cùng. Dịch vụ cũng có lộ trình nhưng lộ trình của ngành này ngắn hơn (chí ít là phải bằng Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ chứ không được nhiều hơn).

Khi vào WTO, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã phá sản, nhưng chỉ một thời gian sau rất nhiều doanh nghiệp lại phát triển như vũ bão. Bộ trưởng có nghĩ rằng tình hình Việt Nam cũng tương tự?

Tôi không nghĩ Việt Nam sẽ giống Trung Quốc, tức là sẽ không có chuyện đổ vỡ hàng loạt doanh nghiệp hay sau đó lại phát triển như vũ bão. Ban đầu có thể có khó khăn nhưng kinh nghiệm khi mở cửa với ASEAN cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn cạnh tranh tốt hoặc như những năm đầu mở cửa với Trung Quốc, gạch men, bia, quần áo... của họ tràn vào nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng không phải sụp đổ cả.

Thậm chí bây giờ gạch men và bia “made in Việt Nam” đã đánh bạt hàng Trung Quốc. Nếu các doanh nghiệp tìm được con đường phát triển, tìm được sản phẩm để cạnh tranh thì vẫn có thể cạnh tranh tốt.

 

Theo Người lao động

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 22/6/2006