VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Kinh tế HTX: Sống dở, chết dở bởi thờ ơ và định kiến (22/6)

06/08/2010 - 243 Lượt xem

Đó là những vấn đề bức xúc được đặt ra tại diễn đàn HTX do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 21/6, tại TPHCM.

HTX... lang thang cơ nhỡ

Một thực trạng khá phổ biến hiện nay là các HTX trong tình trạng “lang thang cơ nhỡ” vì không có trụ sở.

Ông Nguyễn Phượng Vỹ- Nguyên Cục trưởng Cục HTX&PTNN cho biết, hiện có 65,5% HTX không có trụ sở. Theo khảo sát của ông Vỹ, chỉ có 8/13 HTX tại khu vực ĐBSCL có trụ sở làm việc nhưng phần lớn do các HTX tự lo liệu. Trong đó, nhiều địa phương có điều kiện nhưng vẫn không giải quyết trụ sở cho HTX.

“Chính sách tạo điều kiện cho HTX có trụ sở làm việc hầu như không được thực hiện”- Ông Vỹ nói.

Không được giao đất và quyền sở hữu đất đồng nghĩa với việc không có tài sản để thế chấp vay vốn. Vì thế không ít các HTX rơi vào tình trạng luẩn quẩn thiếu vốn- kém phát triển.

Ông Nguyễn Ngọc Thành- Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Xuân Lộc (Q.12, TP.HCM) kể chuyện thật như đùa:

“Trước đây, chúng tôi xây dựng dự án sản xuất nhưng không có vốn. Đem dự án đến Ngân hàng NN&PTNT quận, họ đồng ý nhưng yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Lúc ấy, HTX chúng tôi có chiếc xe tải trị giá 700 triệu đồng. Ngân hàng tiến hành định giá lại và cho vay 70% trị giá.

Tuy nhiên, ngân hàng không giữ giấy tờ của chiếc xe thế chấp mà yêu cầu chúng tôi phải đem cả chiếc xe đến để cầm cố. Đến nơi, họ mới ngớ ra là chiếc xe quá to, không có chỗ để nên yêu cầu chúng tôi tìm một gara nào gần đó thuê để xe.

Nhưng ngân hàng vẫn chưa yên tâm vì sợ chiếc xe sau 2 năm để trong gara sẽ bị hư hỏng không giữ được như giá trị ban đầu nên lại yêu cầu chúng tôi xây riêng một căn nhà để bảo quản chiếc xe không xuống cấp. Chi phí mua đất, xây nhà lên tới 350 triệu đồng, trong khi chúng tôi chỉ được vay 300 triệu đồng…”.

Ông Thành chưa dứt lời, cả diễn đàn cười ồ. Cùng với ông Thành, rất nhiều đại diện HTX khác cũng bày tỏ bức xúc vì bị ngân hàng gây khó trong việc vay vốn.

Theo Bộ trưởng NN & PTNT Cao Đức Phát, bên cạnh nguyên nhân không có tài sản thế chấp còn có cả nguyên nhân do sự ác cảm của ngân hàng đối với các HTX.

Chính quyền can thiệp quá sâu

Ông Nguyễn Văn Chính- đại diện HTX Hoà Thắng 2 (Phú Yên) bức xúc: “Có lãnh đạo chính quyền ở địa phương tôi chất vấn: “Tại sao lương Chủ nhiệm HTX lại cao hơn Chủ tịch xã?”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện cả nước có 512 HTX trong tình trạng “chết” nhưng vẫn không “chôn” được.

Đó là những HTX hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ triền miên.

Sắp tới, Bộ sẽ tiến hành giải quyết dứt điểm việc giải thể những HTX này.

Đồng thời, ông này yêu cầu phải giảm lương chủ nhiệm. Chưa hết, có nơi chính quyền lại can thiệp cả vào việc định giá, buộc HTX phải mua nông sản theo giá này giá kia, khiến các HTX rất khó hoạt động.

Ông Nguyễn Phượng Vỹ cho biết thêm: “Một số UBND xã còn can thiệp sâu vào công việc của HTX khiến Đại hội xã viên chưa được quyền quyết định mọi vấn đề của HTX dẫn đến chưa phát huy hết vai trò tự chủ trong sản xuất kinh doanh của HTX”.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cũng cho rằng: “Việc can thiệp của chính quyền điạ phương như vậy là trái luật”.

Theo Bộ trưởng Phát, nguyên nhân sâu xa của vấn nạn này là do nhận thức cuả cán bộ địa phương chưa đúng về mô hình HTX. Cũng chính vì thế đã sinh ra tình trạng nhiều nơi mặc dù có điều kiện nhưng không chịu giao đất, quyền sở hữu đất đai cho các HTX.

Theo ông Dương Văn Tiền- Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Láng Cò (Long An), theo quy định việc thành lập HTX kiểu mới chỉ có 2 loại giấy tờ là bản điều lệ HTX được UBND huyện công nhận và giấy phép kinh doanh.

Nhưng vì không biết nên các cơ quan liên quan như công an, ngân hàng đã gây không ít khó khăn trong việc thành lập các HTX.

Đại Dương

Nguồn: http://www.tienphongonline.com.vn, ngày 22/6/2006