VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Vì sao chưa có doanh nghiệp tư nhân lớn?

06/08/2010 - 418 Lượt xem

Mới phát triển mạnh về số lượng

Chỉ sau hơn sáu năm kể từ khi Luật Doanh nghiệp ban hành năm 1999 có hiệu lực, gần 160.000 doanh nghiệp mới đã ra đời, nhiều gấp bốn lần so với tổng số đơn vị phát triển được suốt trong 10 năm trước đó.

Tuy nhiên, sự phát triển trong thời gian vừa qua chủ yếu là về số lượng, trong khi quy mô của hầu hết doanh nghiệp còn rất nhỏ, với trên 95% thuộc loại nhỏ và vừa theo tiêu chuẩn Việt Nam (vốn đăng ký không quá 10 tỉ đồng và có số nhân viên không nhiều hơn 300 người).

Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, Giảng viên khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nói : “Luật Doanh nghiệp năm 1999 tạo điều kiện dễ dàng cho nhà đầu tư gia nhập thị trường, giảm chi phí và thời gian đăng ký thành lập, nhưng nó chưa giúp họ có thể phát triển từ cơ sở kinh doanh nhỏ thành những doanh nghiệp lớn”.

Ngay từ năm 1992, Việt Nam đã đưa vào Hiến pháp quy định bảo hộ quyền tự do kinh doanh của người dân, nhưng mãi đến năm 1999, quy định này mới được thể chế hóa bằng một đạo luật. Nhưng luật này cũng chưa thể giải quyết hết những rào cản nảy sinh trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

“Sau niềm vui ngắn ngủi với thuận lợi về đăng ký kinh doanh, là những ngày dài xin con dấu, mã số thuế và chiều lòng các quan chức. Chi phí gia nhập thị trường có giảm, nhưng vòng cương tỏa qua giấy phép con, giấy phép cháu cùng những điều kiện kinh doanh vẫn còn chằng chịt”, ông Nghĩa nói.

Chưa công bằng

Một trong những yếu tố quan trọng kìm hãm sức phát triển của khu vực tư nhân là những quy định đối xử chưa bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.

Năm 2005, Việt Nam ban hành Luật Doanh nghiệp mới áp dụng chung cho các loại hình doanh nghiệp, với hy vọng tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cố vấn cao cấp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Chỉ với Luật Doanh nghiệp thì không thể bảo đảm có môi trường cạnh tranh bình đẳng theo đúng nghĩa. Vì vẫn còn nhiều luật, quy định khác, kể cả những luật bất thành văn, mà khối doanh nghiệp nhà nước có thể dựa vào để giành lấy ưu thế cho mình”.

Theo ông Doanh, lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp nhà nước là có cơ quan chủ quản, do mối quan hệ giữa hai chủ thể này khá gần gũi. Hơn nữa, trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp thường dựa vào mối quan hệ nhiều hơn là hệ thống luật pháp. Đây là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp nhà nước và một số đơn vị có vỏ bọc tư nhân nhưng thực chất là “sân sau” của một số cán bộ có chức, có quyền.

Thế mạnh thứ hai của các doanh nghiệp nhà nước là quy hoạch ngành. Về hình thức, quy hoạch do các bộ ban hành, nhưng nó lại được soạn thảo bởi các tổng công ty nhà nước. “Họ đã đưa vào quy hoạch những quy định để hạn chế người khác nhằm tạo thuận lợi cho mình. Chẳng hạn bản quy hoạch phát triển ngành xi măng quy định không cho nước ngoài đầu tư vào dự án xi măng mới trước cuối năm 2008”, ông Lê Đăng Doanh nói.

Ngoài ra, quốc doanh còn được nhiều ưu ái về đất đai, tín dụng, quyền khai thác tài nguyên. Theo ông Doanh, các nông trường quốc doanh hiện đang kiểm soát đến 25% diện tích đất nông nghiệp của quốc gia, nhưng chỉ tạo ra khoảng 1% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Còn về tài chính, như một số giảng viên của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã thống kê được, chỉ trong vòng 10 năm, từ 1994-2003, Nhà nước đã trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước 60.000-70.000 tỉ đồng thông qua việc khoanh nợ, dãn nợ, xóa nợ, cấp tín dụng ưu đãi... Tổng lợi nhuận của khối này khoảng 150.000 tỉ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp nộp cho Nhà nước trên dưới 60.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, con số lợi nhuận kể trên có thể là không chính xác, vì theo bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, nếu cắt hết những ưu đãi về đất đai, vốn, tài nguyên... để đưa về một mặt bằng như của tư nhân, thì có thể lợi nhuận không còn, thậm chí là âm.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, việc dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước đã tác động trực tiếp tới khả năng phát triển của khu vực tư nhân.

Phải thay đổi từ luật

Để tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước phát triển về quy mô, đặc biệt là khu vực tư nhân, cần phải xét lại từ luật pháp, yếu tố nền tảng. Các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng, luật pháp phải được thiết kế sao cho thực sự trở thành công cụ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế.

Tiến sĩ Phạm Tuấn Khải, Phó trưởng Ban Xây dựng pháp luật của Văn phòng Chính phủ, cho rằng hệ thống luật của Việt Nam hiện nay nặng về quản lý hơn hỗ trợ. Các cơ quan soạn thảo luật chủ yếu đưa vào những quy định nhằm tạo thuận lợi cho mình hơn là cho cộng đồng doanh nghiệp.

Vấn đề quan trọng cần giải quyết là bảo đảm tính minh bạch trong quy trình xây dựng luật, xóa bỏ tình trạng cục bộ, khép kín. Hơn nữa, quá trình dự thảo luật cần có sự tham gia hoặc tham vấn đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật là cộng đồng doanh nghiệp, thông qua đại diện của họ là các hiệp hội ngành nghề, nhằm bảo đảm tính khả thi sau khi ban hành.

Vừa qua, một số dự thảo luật đã được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng chưa nhiều. Riêng các văn bản hướng dẫn dưới luật, cơ hội cho các hiệp hội nghề nghiệp tham gia, góp ý chưa nhiều, nên không ít quy định không được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết vì lợi ích cục bộ nhiều cơ quan nhà nước không muốn mời doanh nghiệp tham gia góp ý cho các bản dự thảo. Ông nói: “Không ít trường hợp, để đối phó, họ chỉ miễn cưỡng mời một số doanh nghiệp thân hữu góp ý”.

Theo TBKTSG

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn/, Ngày 17/6/2006