VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp (16/6)

06/08/2010 - 173 Lượt xem

Tuy nhiên, trước việc gia nhập WTO chúng ta còn nhiều việc phải làm. Trước hết cần đánh giá lại việc thực hiện cam kết của cả hai phía, doanh nghiệp và Nhà nước cũng như hoàn thiện các chính sách hiện hành, hoàn thiện hệ thống quản lý, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chúng tôi xin trích giới thiệu những ý kiến đóng góp xây dựng của các đại diện Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như chuyên gia pháp luật tại Hội nghị Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2006.

Đối diện với các thách thức của WTO
Ông Thomas O’Dore, Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ (Amcham)

Chúng tôi hài lòng nhận thấy Hoa Kỳ và Việt Nam đã hoàn tất và ký kết hiệp định song phương về WTO và hiệp định này dọn đường cho Việt Nam gia nhập WTO. Amcham nhiệt liệt khuyến khích Việt Nam cố gắng hoàn thành nốt những thủ tục gia nhập đa phương cũng như là làm sao để thoả mãn những luật và quy định để đưa Việt Nam vào tiêu chuẩn toàn cầu của WTO. Các thành viên của Amcham rất quan ngại bởi những cuộc đình công đã xảy ra ở một số khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chúng tôi đã gửi một bức thư lên Chủ tịch UBND Tp.HCM, Đồng Nai và Bình Dương để khuyến nghị những thay đổi về lương và những vấn đề khác về lao động cần được thảo luận và thông báo với các bên liên quan trước khi áp dụng. Khi vấn đề nảy sinh phải được giải quyết bằng quy định luật pháp.
Những hạn chế CSHT tiếp tục gây ra những đe doạ đối với những nhà sản xuất trong lĩnh vực chế tác và xuất khẩu. Sự tham gia của khu vực tư nhân trong vấn đề phát triển và quản lý CSHT rất cần thiết, nhất là trong ngành điện cũng như các cảng biển nước sâu.

Các thành viên Amcham đã đưa ra khuyến nghị về điện và các dự án cảng biển. Chúng tôi đề nghị Chính phủ xử lý và giải quyết những vấn đề CSHT bằng cách cho phép và khuyến khích khu vực tư nhân được tham gia vào việc phát triển CSHT và cấp vốn cho CSHT.

Chúng tôi cũng chia sẻ những quan ngại về ngân hàng, những vấn đề kiểm soát tỉ giá hối đoái của các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam. Ví dụ như hình sự hoá về một giao dịch doanh nghiệp rất nhỏ và thiếu sự tham gia của NHNN trong các thủ tục tố tụng về vấn đề ngân hàng. Điều đó có thể làm đình trệ hoạt động thị trường và gây ra những suy giảm uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Việt Nam cũng có những tiến bộ nhất định trong vòng 2 năm qua kể từ khi Tổng thanh tra Việt Nam ký kết thoả thuận chính thức tháng 6/2004 công bố Việt Nam phê chuẩn kế hoạch hành động chống tham nhũng của ngân hàng phát triển châu Á cho khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Chúng tôi ủng hộ sự tham gia tích cực của công chúng và tăng cường các hành động chống hội lộ cũng như nêu cao tính liêm chính trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn phải cải thiện hơn nữa, đó là việc hình thành hệ thống dịch vụ minh bạch và hiệu quả. Các hệ thống kiểm soát hiện nay chưa đủ để có thể ngăn cản các quan chức tham nhũng.

Chúng tôi khuyến nghị nên có biện pháp phòng chống do cả Chính phủ và các nhà tài trợ thực hiện nhất là trong lĩnh vực xây dựng. Chúng tôi khuyến nghị lập ra cơ quan giám sát độc lập với sự hỗ trợ từ nguồn phát triển chính thức ODA. Theo điều tra của WB thì rõ ràng chỉ dựa vào nguồn ODA sẽ không đủ để tạo sự tăng trưởng mà quan trọng là đầu tư tư nhân, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do đó chúng ta cần phải có chính sách cũng như môi trường pháp luật và CSHT để thu hút FDI, thúc đẩy thương mại, tạo sự phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.

Các nghị định hướng dẫn luật còn quá chậm
Ông Fred Burke, Giám đốc điều hành Hãng luật Baker & McKenzie

Luật doanh nghiệp mới đã thể hiện được sự cải tiến trong môi trường quản lý công ty ở nhiều khía cạnh, và về lâu dài, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sẽ đều cảm thấy Luật doanh nghiệp mới này thích hợp hơn so với Luật đầu tư nước ngoài cũ.

Tuy nhiên, 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay và rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng khác hiện đang cố gắng tìm hiểu xem họ có thể làm thế nào để tiếp tục triển khai công việc kinh doanh của họ theo các luật mới này. Việc ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành còn quá chậm trễ, và các bản dự thảo, thậm chí sau nhiều đợt lấy ý kiến, vẫn còn tồn tại các vướng mắc nghiêm trọng.

Ví dụ, việc ép buộc các doanh nghiệp liên doanh đang tồn tại hiện nay thay đổi quy tắc biểu quyết của họ như là một điều kiện tiền đề để được đăng ký lại theo Luật doanh nghiệp mới là một điều không thể, vì các bên liên doanh khó có thể cùng đồng thuận đăng ký lại khi mà quyền biểu quyết của họ sẽ bị ảnh hưởng.

Nếu như không thể tránh được việc phải chấp hành tỷ lệ biểu quyết mới sau khi đăng ký lại, thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần phải được tạo điều kiện để họ tiếp tục phát triển và tăng trưởng mà không gặp phải trở ngại nào.

Tuy nhiên, dự thảo Nghị định quy định rằng họ phải đăng ký lại nếu muốn tăng vốn, mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh, tiếp nhận nhà đầu tư mới,... Điều này làm cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động hiện nay không thể phát triển và tăng trưởng bình thường, gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều nhà đầu tư hiện nay. Dự thảo nghị định nên được điều chỉnh lại để có được sự linh hoạt tối đa trong khuôn khổ Luật doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động hiện nay.

Tình trạng hiện nay là chúng ta có một luật mới tốt nhưng trên thực tế lại không áp dụng được vì thiếu nghị định hướng dẫn thi hành. Hiện đã quá muộn để có thể nộp đơn xin cấp giấy phép đầu tư theo Luật đầu tư nước ngoài cũ, điều này làm chúng tôi phải đối mặt với một lỗ hổng hoàn toàn trong khung pháp luật về đầu tư nước ngoài.

Liên quan đến việc gia nhập WTO và ưu đãi thuế cho các nhà xuất khẩu, có lẽ sự quan ngại bức thiết nhất cho ngành sản xuất hiện nay là việc đang chờ xem xét loại bỏ chính sách miễn giảm thuế, ngay cả chế độ ưu đãi thuế đã được quy định trong giấy phép đầu tư, do Việt Nam sẽ gia nhập WTO.

Chúng tôi hiểu lý do tại sao các quy định của WTO cấm thực hiện chính sách ưu đãi thuế gắn liền với xuất khẩu, và lý do tại sao Việt Nam đã đồng ý loại bỏ các ưu đãi này như là một điều kiện để gia nhập WTO. Hiện nay Việt Nam đã đưa ra cam kết này, do vậy cần phải tập trung sự quan tâm về việc làm thế nào để giảm bớt các tác động tiêu cực trong quá trình chuyển tiếp. Điều này thật sự rất cần cho ngành may mặc, vì ngành chịu sự thay đổi ngay lập tức.

Việc đột ngột nâng mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ 10% lên 28% cũng đã gây những thiệt hại cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vì việc nâng thuế suất này xảy ra vào thời điểm mà chúng tôi đã và đang gặp khó khăn do mức tiền lương tăng 47% trong thời gian vừa qua, tắc nghẽn trong giao thông làm tăng thêm chi phí, các cuộc đình công bất hợp pháp lan tràn, và các quy định mới về chuyển giá, làm cho số thu nhập chịu thuế càng tăng lên thêm. Hệ quả của các ảnh hưởng do mất việc làm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nếu không có các biện pháp khẩn trương để giải quyết những tổn thất cho doanh nghiệp do không còn được hưởng chế độ miễn giảm thuế.

Nên xem xét những biện pháp sau đây:

Một là, cần sửa đổi ngay chế độ thuế áp dụng đối với hàng may mặc, giày dép, đồ đạc nội thất, hàng điện tử, linh kiện ôtô và những thứ khác mà các nhà sản xuất cần có. Những mục mà cho đến nay vẫn còn chưa được phép khấu trừ như trợ cấp nhà cửa và lương tháng 13 dưới dạng tiền thưởng nên được công nhận là các khoản chi phí kinh doanh hợp lệ theo đúng như bản chất của chúng.

Hai là, Nhà nước nên chuyển số thu nhập mà trước đây không thu được do áp dụng chế độ miễn giảm thuế cho các chương trình công cộng hỗ trợ chung cho ngành sản xuất.

Cụ thể: Nhà nước nhanh chóng đầu tư thêm vào đường xá, điện, cảng và các CSHT khác để việc sản xuất hàng xuất khẩu có hiệu quả và có sức cạnh tranh hơn; Nhà nước nên đầu tư nhiều hơn vào đào tạo dạy nghề cho người lao động trong ngành sản xuất và hỗ trợ các ngành dịch vụ; bất cứ gánh nặng thêm nào về tài chính đối với các nhà sản xuất liên quan đến các loại thuế mới, ví dụ như thuế an sinh xã hội đang được đề nghị nên được được xem xét lại một cách thận trọng.

Ba là, các trở ngại khác làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh trong lao động, như trả tiền lương làm ngoài giờ thấp, nên được thay đổi. Nhà nước nên cho phép thêm các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trong lĩnh vực logistic, giao thông vận tải và các dự án về dịch vụ hỗ trợ khác để tăng cường sức cạnh tranh của ngành sản xuất. Nên hướng đến các sản phẩm sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.

Vẫn còn nhiều chính sách gây khó cho doanh nghiệp
Ông Vũ Duy Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội công thương Hà Nội

Bên cạnh những bước đi rất ấn tượng trong công cuộc cải cách nền kinh tế, vẫn tồn tại và có thêm những rào cản, gây tổn phí cho doanh nghiệp, ảnh hưởng không tốt đến môi trường kinh doanh và số thu ngân sách của Nhà nước.

Cụ thể tại Điều 7 của Luật doanh nghiệp quy định “Doanh nghiệp được kinh doanh các ngành nghề không cấm. Các bộ, ngành, HĐND các cấp không được quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”. Nhưng nhiều địa phương vẫn không cho đăng ký kinh doanh ngành nghề được xem là “nhạy cảm”. Hoặc quá ngặt nghèo như kinh doanh một nghề đơn giản như giới thiệu việc làm cũng phải có 5 nhân viên (được đào tạo) và 300 triệu đồng ký quỹ? Hay như thủ tục gia nhập thị trường, tuy đã được rút ngắn, song vẫn còn phải qua 3 bộ 5 bước, 43 ngày.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “gút” lại thành một “đầu mối”, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì, khiến việc khởi động kinh doanh sau đăng ký của Việt Nam vẫn còn tốn phí thời gian tiền của nhiều nhất so với các nước trong khu vực.

Thuế suất các sắc thuế đánh vào ôtô, xe máy (kể cả xe đã qua sử dụng) không thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng làm cho thị trường ngành hàng này trầm lắng. Doanh số của mặt hàng này 5 tháng đầu năm nay giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ năm 2004.

Thuế chuyển quyền và thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn giữ thuế suất theo giá đất cũ, nghĩa là cao hơn 6-7 lần so với mức thuế phải đóng trước 1/7/2004. Mức thuế này cùng với những bất hợp lý ở Nghị định 181 tuy đã được sửa đổi bằng Nghị định 17 song lại không tương thích với Nghị định 02 “cấm không được nhận tiền đặt trước của khách hàng” nên thị trường nhà đất tiếp tục đóng băng với những tiềm ẩn không lường.

Cách tính chi phí hiện tại chưa phù hợp với cách tính chi phí của WTO. Ví dụ một số chi phí WTO không cho là trợ cấp như chi phí cho cán bộ đi học, làm nhà cho công nhân và một số chi phí hợp lệ khác, được tính vào giá thành.

Nhưng chính sách thuế của Việt Nam lại xem là không hợp lý, không được tính, làm cho giá thành thực tế của sản phẩm cao hơn. Song về danh nghĩa lại thấp hơn, nhất là khi bị so sánh với giá sản phẩm tương ứng của các nước có nền kinh tế thị trường như Ấn Độ chẳng hạn, làm cho các doanh nghiệp Việt Nam bị thua thiệt trong các vụ kiện bán phá giá! Đề nghị Bộ tài chính sớm xem xét chỉnh sửa cách tính chi phí cho phù hợp với thông lệ.

Việc điều chỉnh giá bán điện hiện tại vẫn dựa vào giá thành do ngành điện kê khai trong đó có nhiều yếu tố phi kinh tế, cụ thể: tổn thất chuyển tải và hao phí vận hành chiếm tới 14,57% tổng sản lượng điện là quá cao; tỉ lệ điện bán dưới giá thành sản xuất chiếm 17,82% tổng mức bán ra và mức bù lỗ vẫn còn 141 đ/KWh là chưa hợp lý. Đề nghị Chính phủ xem xét kể cả việc tách chính sách xã hội ra khỏi kinh doanh ngành điện như đã áp dụng với một số nông trường quốc doanh.

Tăng lương là biện pháp thúc đẩy sản xuất, tạo sự gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp thường làm. Mức lương tối thiểu và thang bậc ấn định hợp lý theo Nghị định 145 thuộc về cơ chế 3 bên. Song quyết định 03/06 đã đưa mức lương tối thiếu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên 870, 790 và 710 ngàn đồng/tháng là vội vã, thiếu lộ trình, không những không phát triển được mối quan hệ hài hoà chủ thợ, mà còn tạo ra sự khác biệt về tiền lương giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Được biết, độ mở cửa thị trường và những cam kết lần này với Hoa Kỳ lớn hơn nhiều so với Hiệp định thương mại Việt-Mỹ. Vậy những cam kết với Hoa Kỳ và 27 nền kinh tế có yêu cầu đàm phán song phương là gì? Chính phủ có thể phổ biến rộng rãi những cam kết ấy cho doanh nghiệp và khi Việt Nam là thành viên WTO, liệu có phải thực hiện những cam kết ấy với các thành viên khác hay không?

Công khai các thông tin về lộ trình tham gia WTO
Ông Đặng Đức Dũng, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội

Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều thực hiện các cuộc thương lượng thành công về WTO, đặc biệt với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều thành viên trong khu vực tư nhân đã nhận ra rằng đồng nghiệp của họ hầu như không hiểu biết về sức mạnh của WTO, cả mặt tích cực lẫn khó khăn, thách thức. Khu vực tư nhân dễ bị tổn thương với thực tế là nhiều xí nghiệp do thiếu hiểu biết có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro trong ứng xử theo WTO.

Vì WTO sẽ sớm hay muộn ảnh hưởng đến sự tồn tại của hàng ngàn doanh nghiệp và hàng trăm ngàn việc làm, một hướng tiếp cận mới của Chính phủ có chú ý đến tính minh bạch và sự tham gia của khu vực tư nhân cần các điều kiện như sau:

Thứ nhất, quá trình tham khảo, thảo luận, thương lượng và ra quyết định trong WTO cần phải thực sự minh bạch, cởi mở, dân chủ và có sự tham gia rộng rãi của các phương tiện thông tin đại chúng. Chính phủ cần sử dụng các kênh thông tin đại chúng nhằm tăng cường nhận thức của các doanh nghiệp về WTO.

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy việc tuyên truyền, đào tạo doanh nghiệp được tiến hành 4-5 năm trước khi gia nhập WTO và các tổ chức của nó cần được thông báo cho công chúng và chú ý đến sự tranh luận và kiểm tra của công chúng. Các tổ chức có liên quan đến WTO cần tiếp cận với quan điểm của các tổ chức dân sự (bao gồm công đoàn, các tổ chức của nông dân, các tổ chức về người tiêu dùng, môi trường, y tế, nghiên cứu xã hội học...).

Thứ hai, Chính phủ cần thông báo công khai về lộ trình, các tiến độ chi tiết về gia nhập WTO. Bất cứ kiến nghị thay đổi nào về các quy định, thoả thuận mới, cam kết mới về các nước đối tác cần được công bố bằng bản thảo cho công chúng ít nhất 6 tháng trước khi quyết định, để các tổ chức dân sự có cơ hội công bằng giúp nghiên cứu và góp ý cho đại biểu Quốc hội và Chính phủ về quan điểm của mình.

Thứ ba, Chính phủ cân nhắc hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cho khu vực tư nhân thiết lập các trung tâm về thông tin WTO, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp và xử lý khủng hoảng.

Đến nay, khu vực tư nhân cũng như khu vực công vẫn không được thông báo đầy đủ về các cuộc thương lượng, và khu vực tư nhân, chứ chưa nói gì đến công chúng, không có thông tin đầy đủ về các thoả thuận hiện nay. Nếu có nhiều biến cố đến doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị gia nhập, hình ảnh và vai trò tích cực của WTO sẽ bị ảnh hưởng.

Khu vực tư nhân phải được biết về các vấn đề đang thảo luận và hiện trạng thảo luận trong các tiểu ban khác nhau về các vấn đề mọi mặt. Các hiệp hội doanh nghiệp tư nhân và tổ chức ngành nghề cần có cơ hội thực tế nhằm trình bày quan điểm và gây ảnh hưởng đến dự thảo chính sách và ra quyết định.

Đối xử bình đẳng với mọi doanh nghiệp
Ông Oliver Massmann, Phòng thương mại châu Âu (Eurocham)

Khuôn khổ của WTO không trực tiếp điều chỉnh các vấn đề về đầu tư, vì vậy vấn đề chính sách đối xử công bằng cho các nhà đầu tư thuộc các quốc tịch khác nhau trong chừng mực nào đó là chức năng của chính sách và luật pháp trong nước. Luật đầu tư chung của Việt Nam quy định rằng điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia sẽ được áp dụng trong trường hợp điều ước quốc tế quy định khác với Luật đầu tư chung.

Dự thảo nghị định thi hành mới nhất cũng thể hiện điểm này, cụ thể là: các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế về tiếp cận thị trường được coi là các lĩnh vực đầu tư có điều kiện đối với đầu tư nước ngoài. Nói một cách khác, trong các lĩnh vực trên đây, trừ khi nhà đầu tư của một nước nào đó có thể chỉ ra quyền của họ được quy định trong một điều ước quốc tế cụ thể được áp dụng, nếu không nhà đầu tư này sẽ bị hạn chế đầu tư trong lĩnh vực này, đặc biệt là khi đầu tư vào các ngành dịch vụ.

Trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chính thức trong đó nói rõ các nhà đầu tư châu Âu cần được hưởng các chính sách không kém ưu đãi hơn so với chính sách mà các nhà đầu tư khác, đặc biệt là các nhà đầu tư Hoa Kỳ được hưởng. Các công ty châu Âu những người cảm thấy mình bị phân biệt đối xử đã có thể lấy lại sân chơi công bằng cho mình bằng cách dẫn chiếu đến công văn số 90 cũng như Hiệp định EU-Việt Nam về mở cửa thị trường năm 2005.

Với thực trạng này, chúng tôi xin được đề đạt một nguyên tắc đơn giản để Chính phủ Việt Nam xem xét. Nếu được chấp thuận, có thể sẽ phản ánh nguyên tắc này trong dự thảo nghị định. Nguyên tắc này như sau: Đối xử bình đẳng với các nhà đầu tư nước ngoài cần phải là một nguyên tắc áp dụng cho tất cả các quốc gia và không có ngoại lệ.

Chỉ có quyền bình đẳng cho tất cả các nhà đầu tư mới đảm bảo một sân chơi bình đẳng để hướng tới sự cạnh tranh tích cực và công bằng. Hơn nữa Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc dành cho tất cả các nước thành viên WTO các quyền và nghĩa vụ như nhau và sẽ tránh được việc lệ thuộc vào một quốc gia duy nhất do những điều ước mang tính ngoại lệ.

Sự độc lập như vậy là rất cần thiết bởi lẽ Việt Nam hiện nay đang đảm nhận vai trò chính là điều phối viên của nhóm các nước ASEAN trong các cuộc đàm phán ban đầu về chương trình tự do hoá WTO được bao gồm trong Hiệp định tự do thương mại trong tương lai giữa ASEAN-EU mà rất có thể cũng bao hàm các quy định về đầu tư và mua sắm của Chính phủ.

EuroCham hoan nghênh ý tưởng về Hiệp định tự do thương mại ASEAN-EU và mong muốn các bên tham gia tích cực thúc đẩy quá trình đàm phán theo chương trình nghị sự trên.

Hà Linh thực hiện

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 16/6/2006