VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

7 giải pháp chống lãng phí vốn ODA (14/6)

06/08/2010 - 163 Lượt xem

Tại cuộc hội thảo khoa học vừa được Bộ tài chính tổ chức tuần qua về đề tài chống lãng phí trong sử dụng tài sản Nhà nước tại các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, các nhà quản lý và chuyên gia về vấn đề này đã đưa ra đánh giá tổng thể về việc sử dụng nguồn vốn ODA của nước ta trong 15 năm qua.

Quản lý ODA kém hiệu quả- không chỉ tại cơ chế

Trong tham luận về thực trạng sử dụng vốn ODA, Tiến sỹ Nguyễn Thành Đô, Vụ trưởng Vụ tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho rằng: cơ chế chính sách quản lý ODA chưa đồng bộ và còn nhiều bất hợp lý, vừa gây cản trở trong hoạt động của các dự án vừa tạo ra kẽ hở trong quản lý Nhà nước dẫn đến làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Cụ thể là hành lang pháp lý chưa có tính ổn định cao, phân cấp chưa rõ ràng, chưa có sự thống nhất, đồng bộ với nhau, thông tin không được cập nhật kịp thời dẫn đến việc hiểu và thực hiện chính sách bị sai lệch, gây chậm trễ trong quá trình triển khai và tạo ra thắc mắc cho các nhà tài trợ.

Bên cạnh đó, thủ tục phê duyệt dự án còn rườm rà, chưa đơn giản hóa, gây lãng phí, ách tắc và giảm tính linh hoạt. Quan trọng hơn, việc phân định chức năng của các cơ quan quản lý ODA còn mang tính dàn trải, chưa tập trung vào một đầu mối dẫn đến không ai chịu trách nhiệm chính khi có vấn đề xảy ra.

Những tồn tại khác được ông Đô nêu lên là việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, dự toán công trình bằng nguồn vốn ODA còn nhiều bất cập, gây lãng phí và thất thoát nguồn lực; phương thức lựa chọn nhà thầu xây lắp, mua sắm và dịch vụ tư vấn thực hiện dự án đầu tư còn bị động, lỏng lẻo; công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều nổi cộm tạo ra trở ngại hoặc chậm bàn giao mặt bằng cho xây lắp công trình, gây lãng phí thời gian thực hiện và đưa công trình vào hoạt động; và cuối cùng vẫn là yếu tố hạn chế về năng lực, trình độ cán bộ quản lý và thực hiện dự án.

Điều này được thể hiện rõ nhất trong khâu thẩm định dự án về các khía cạnh kỹ thuật và tài chính. Trong quan niệm của một số cơ quan thụ hưởng ODA (cả ở trung ương và địa phương) vẫn còn vương vấn suy nghĩ về “ODA thời bao cấp” coi đó là tiền Chính phủ “cho”. Hậu quả của quan niệm sai lệch này là ra sức “tranh thủ” nguồn vốn ODA mà không tính đến hiệu quả kinh tế, tính bền vững sau dự án cũng như khả năng trả nợ.

Tổng hòa lại các mặt tồn tại trên đã làm giảm hiệu quả tiếp nhận và sử dụng ODA trong thời gian qua.

Cùng quan điểm trên, ông Dương Đức Ưng, Vụ kinh tế đối ngoại, Bộ kế hoạch và đầu tư nhận xét rằng ở nước ta còn có nơi, có lúc vẫn còn tâm lý coi ODA là “tiền chùa” do Chính phủ vay nước ngoài để bao cấp cho nhu cầu trong nước nên xem nhẹ hiệu quả sử dụng, thiếu trách nhiệm đối với kết quả của dự án, gây lãng phí, thất thoát. Do đó, theo ông Ưng, trước hết chúng ta cần nâng cao nhận thức về ODA, chủ động sử dụng một cách hợp lý, có hiệu quả và nhất là phải tính toán kỹ khả năng trả nợ.

Bảy giải pháp chống lãng phí nguồn vốn ODA

Tiến sỹ Nguyễn Thành Đô đã đề xuất các giải pháp cụ thể, cấp bách về chống lãng phí trong sử dụng tài sản Nhà nước tại các dự án sử dụng vốn ODA.

Thứ nhất, cần đề ra các nguyên tắc lựa chọn dự án ưu tiên sử dụng vốn ODA, tránh đầu tư dàn trải, phân tán không hiệu quả, không đúng thời gian quy định và kiên quyết từ chối các khoản ODA vay xét thấy không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp do bị chi phối bởi các yếu tố ràng buộc.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách quản lý Nhà nước đối với nguồn vốn ODA theo hướng giảm bớt những bất cập hiện tại nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và hiệu quả sử dụng vốn của các dự án, đồng thời đảm bảo phù hợp với tập quán thương mại quốc tế và hài hòa với thủ tục của các nhà tài trợ.

Thứ ba, nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm của chủ đầu tư, thực hiện tốt các khâu của quy trình dự án lựa chọn, lập văn kiện dự án, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện hợp đồng mua sắm, xây lắp, tư vấn..., khả năng trả nợ, tính bền vững trong quá trình phát triển và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả sử dụng vốn. Thực hiện tốt công tác quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn vốn ODA, chống tình trạng bố trí sử dụng vốn dàn trải, xác định rõ ngay từ đầu những dự án phải vay lại và trả nợ cho Chính phủ với những dự án được ngân sách cấp để làm cơ sở xây dựng dự án.

Thứ tư, kiện toàn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là các ban quan lý dự án (PMU) theo hướng phân định rõ chức năng quản lý của bộ ngành chủ quản với chức năng tổ chức thực hiện dự án (nhất là khâu thiết kế kỹ thuật, lập tổng dự toán, hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, phê duyệt, theo dõi và giám sát); hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khép kín các khâu trong quy trình thực hiện đầu tư ở một bộ, ngành, địa phương vì tình trạng này dễ dẫn đến phát sinh tiêu cực; gắn trách nhiệm của chủ đầu tư và người đứng đầu cơ quan quản lý trong việc thực hiện dự án và có chế tài đủ mạnh để xử lý.

Thứ năm, quản lý chặt chẽ tài sản mua sắm phục vụ hoạt động dự án. Chẳng hạn về tiêu chuẩn định mức mua sắm ô tô phục vụ cho các dự án có thể không dùng vốn vay nước ngoài như hiện nay và sử dụng luân chuyển cho nhiều dự án cho đến khi từng chiếc xe hết giá trị sử dụng.

Thứ sáu, nâng cao trình độ, năng lực của cơ quan và cán bộ thẩm định dự án ở các bộ ngành, địa phương đặc biệt là chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật và ngoại ngữ cũng như kinh nghiệm quản lý.

Thứ bảy, tăng cường vai trò kiểm tra, thanh tra của bộ chủ quản, các bộ có chức năng quản lý và các cơ quan thanh tra, kiểm toán đối với việc thực hiện dự án và đối với hoạt động quản lý của chủ đầu tư, các PMU.

Quang Phúc

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 14/6/2006