VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Sự hiện diện của ngân hàng nước ngoài sẽ như thế nào trong tương lai?

06/08/2010 - 405 Lượt xem

Việt Nam vừa kết thúc đàm phán song phương với Mỹ về gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó có những thỏa thuận thuộc những lĩnh vực được đánh giá là khá nhạy cảm như đầu tư nước ngoài vào ngân hàng.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây cũng đề cập đến những khả năng thay đổi về điều kiện thành lập, hoạt động và phân biệt đối xử đối với các ngân hàng nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam trong tương lai. Để chi tiết hơn, VnEconomy xin trích lược nội dung cuộc họp – đối thoại mới đây giữa đại diện một số ngân hàng lớn trên thế giới với đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một cuộc họp được xem như một “cuộc phỏng vấn”, diễn ra trong đúng 1 tiếng đồng hồ.

Nội dung cụ thể của “cuộc phỏng vấn” này liên quan trực tiếp đến nội dung Nghị định 22/2006/ND-CP, do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 2 năm nay, về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.

Tham gia “cuộc phỏng vấn” là ông Lawrence Wolfe, Ngân hàng Deutsche Bank; ông Alain Cany, Ngân hàng HSBC; bà Đàm Bích Thủy, Ngân hàng ANZ Việt Nam; bà Lại Minh Thúy, Citibank và ông Ashok Sud, Standard Chartered Bank; và đại diện Ngân hàng Nhà nước là ông Kiều Hữu Dũng, Vụ Ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cùng các phòng ban liên quan.

Đại diện ngân hàng nước ngoài: Xin cho biết cần phải có bao nhiêu vốn để thành lập một ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam?

Ngân hàng Nhà nước: Khoảng vốn tương đương với 1.000 tỷ đồng (dự kiến), và mức tương đương này cũng có thể sẽ áp dụng cho các ngân hàng trong nước mới thành lập, và là sự đối xử đồng đều trên toàn quốc đối với mọi ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ xem xét việc tăng mức quy định vốn tối thiểu đối với các ngân hàng trong nước và do đó có thể sẽ tăng mức vốn tối thiểu đối với các ngân hàng nước ngoài cao hơn mức 1.000 tỷ đồng như hiện tại (ví dụ như 1.500 tỷ đồng).

Có giới hạn nào về số chi nhánh và điểm giao dịch mà các ngân hàng, cả trong nước lẫn nước ngoài, phải tuân thủ?

Hiện tại không có giới hạn đối với số chi nhánh mà một ngân hàng được phép thành lập. Tuy nhiên, các ngân hàng nước ngoài chắc chắn phải tuân thủ một số yêu cầu nếu muốn tăng số chi nhánh/điểm giao dịch so với số lượng ban đầu.

Một ví dụ về các yêu cầu này là: 1- Ngân hàng không có hoạt động trái/vi phạm pháp luật; 2- Hoạt động tốt và các chi nhánh hiện đang hoạt động không bị thua lỗ; 3- Có sự hợp tác chặt chẽ với các đơn vị cấp trên ở nước của mình.

Yêu cầu số 3 đặc biệt quan trọng khi ngân hàng đã có tương đối vài chi nhánh. Sự hợp tác này sẽ giúp đảm bảo và giảm thiểu nguy cơ khủng hoảng và rối loạn. Ngân hàng Nhà nước hiện đang chuẩn bị Dự thảo Bản ghi nhớ (MOU) để gửi đến các nước có chi nhánh ngân hàng hoặc ngân hàng hiện đang hoạt động tại Việt Nam để đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ đó.

Ngân hàng 100% vốn nước ngoài có được đảm bảo “đối xử đầy đủ” về mọi mặt như ngân hàng trong nước, ví dụ như nhận tiền gửi?

Vấn đề đối xử đầy đủ tùy thuộc vào các quy định của WTO khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức này vào năm nay. Theo các quy định của WTO, Việt Nam có thể có sự đối xử đầy đủ vào năm 2009/2010. Vào thời điểm này thì còn quá sớm để đề cập đến vấn đề này. Ngân hàng Nhà nước sẽ không đưa vấn đề này vào trong Thông tư (hướng dẫn Nghị định 22/2006/ND-CP), vì theo cơ chế của Ngân hàng Nhà nước, Thông tư có thể được điều chỉnh hoặc thay thế sau 3-5 năm. Vì các quy định của WTO cũng có yêu cầu đối xử 100% có hiệu lực sau năm 2009, Ngân hàng Nhà nước sẽ bỏ ngỏ vấn đề này đến năm 2008.

Yêu cầu vốn đối với mỗi một chi nhánh thế nào khi thành lập một chi nhánh mới? Liệu Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét soạn thảo lại Thông tư để hỗ trợ nhiều hơn cho các ngân hàng nước ngoài về vấn đề này không?

Giống như quy định về chi nhánh ngân hàng trong nước, mỗi chi nhánh mới cần phải tăng thêm 1,5 triệu USD (khoảng 20 tỷ đồng) bổ sung vào vốn ban đầu. Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét tình hình sau ba năm. Tại thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước có thể cho phép các ngân hàng nước ngoài/các ngân hàng nước ngoài mới thành lập có 5 chi nhánh, mặc dù các ngân hàng này có thể không thỏa mãn tất cả các yêu cầu. Nếu không như vậy, nếu Ngân hàng Nhà nước áp dụng tất cả các điều kiện cấp phép như đối với các chi nhánh ngân hàng trong nước thì các ngân hàng nước ngoài phải mất một năm mới thành lập được chi nhánh mới. Việc này không chỉ kể đến các yêu cầu về mức lợi nhuận mà còn nói đến một số hệ số khác nữa.

Một phương án nữa mà Ngân hàng Nhà nước đang xem xét là cho phép các ngân hàng 100% vốn nước ngoài có 3 đến 5 chi nhánh lúc đầu và sau đó họ phải đáp ứng các yêu cầu khác áp dụng cho các ngân hàng trong nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này.

Có thể chuyển đổi được một chinh nhánh ngân hàng nước ngoài thành một ngân hàng hay công ty con 100% vốn nước ngoài không?

Mặc dù theo ngôn từ của Nghị định thì chỉ cho phép liên doanh chuyển đổi thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài, nhưng Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét cho phép các ngân hàng nước ngoài hủy bỏ giấy phép chi nhánh và cấp phép mới cho ngân hàng nước ngoài khi ngân hàng đó quyết định chuyển đổi.

Về thời gian chuyển đổi thì Ngân hàng Nhà nước chủ yếu là tham chiếu các quy định của WTO. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước sẽ cần phải một năm nữa kể từ năm 2006 để xem các ngân hàng trong nước có thể tồn tại như thế nào sau khi Việt Nam gia nhập WTO, đồng thời, thời gian cho phép chuyển đổi phụ thuộc vào các quy định của WTO – điều mà sẽ chỉ có hiệu lực sau năm 2009/2010.

Khi nào Thông tư hướng dẫn sẽ được ban hành?

Theo lịch trình, Thông tư sẽ được ban hành vào quý III năm nay hoặc chắc chắn hơn là vào cuối năm 2006.

Trịnh Minh Đức

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 9/6/2006.