VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Khu công nghiệp tràn lan, khu dân cư tùy tiện (13/6)

06/08/2010 - 222 Lượt xem

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & môi trường Mai Ái Trực

Ai ra quyết định thu hồi đất rồi để đó thì dứt khoát phải chịu trách nhiệm. Phải có một cơ chế chỉ rõ ra khuyết điểm đó là của ai thì mới khắc phục được. Tôi sẽ cho tiến hành kiểm tra, cần thiết là thanh tra, tình trạng “qui hoạch treo - dự án treo”

Đại biểu Nguyễn Kim Khanh - Bình Phước

Quá trình hậu thu hồi đất đền bù, giải tỏa đô thị hóa đã và đang đẩy một bộ phân nông dân vào chỗ khó khăn, thiếu thốn. Bây giờ làng đang lên phố, làng không còn là làng, nhưng phố thì cũng chưa ra phố

"Làng không còn làng nhưng phố chưa ra phố"

Bộ trưởng Mai Ái Trực nhìn nhận: Kết quả kiểm tra thi hành Luật đất đai của Bộ Tài nguyên - môi trường cho thấy trong tổng số 17.480 đơn thư khiếu nại, tố cáo tranh chấp đất đai gửi đến các đoàn kiểm tra có 70% số trường hợp khiếu kiện về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đặc biệt, quá trình phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa gắn với giải quyết căn bản vấn đề việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, tái định cư cho các hộ có đất bị thu hồi.

Từ thực tế này, ĐB Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) đề nghị: "Chính phủ qui định rõ việc xây dựng phương án giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho nhân dân không có đất sản xuất nông nghiệp, coi đây là một bộ phận cấu thành bắt buộc trong phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, đồng thời qui định cụ thể về kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề cho những người bị thu hồi đất. Có như vậy chúng ta mới khắc phục được những tình trạng chậm trễ triển khai dự án do khâu thu hồi đền bù giải phóng mặt bằng”.

“Bây giờ làng đang lên phố, làng không còn là làng, nhưng phố thì cũng chưa ra phố, tiền làm ra là tiền nông thôn, còn tiền chi tiêu là tiền thành phố” - ĐB Nguyễn Kim Khanh dẫn chứng từ thực tế tại khu vực Từ Liêm (Hà Nội).

Bên cạnh đó, vấn đề cũng gây nhiều bức xúc cho người dân, theo các ĐB, đất sau khi thu hồi rồi thì lại để trống cho cỏ mọc hoặc sử dụng sai mục đích. Dẫn chứng cụ thể trường hợp dự án xây dựng Nhà máy giấy Châu Lộc (Thanh Hóa), khi việc thu hồi đất cho việc xây dựng nhà máy đã được thực hiện bốn năm nay nhưng đến giờ phút này nhà máy vẫn chưa được xây dựng, ĐB Nguyễn Văn Phát cho rằng những trường hợp như vậy vừa gây thất thoát lãng phí không chỉ đối với Nhà nước vừa ảnh hưởng lớn đối với đời sống của nhiều hộ gia đình.

Qui hoạch nơi “nóng”, nơi “lạnh”...

“Qui hoạch “treo”, ở đâu cũng “treo”, cái tai hại này sao báo cáo Chính phủ không nói tới?” - ĐB Đỗ Trọng Ngoạn đặt vấn đề. ĐB Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) đồng tình: “Treo” làm dân tình khổ quá". Ông Ngoạn: "Treo như thế nào, tác hại ra sao, trách nhiệm thuộc về ai? Đề nghị Chính phủ nói rõ”.

ĐB Tô Minh Giới (Cần Thơ) nói rằng ông rất trăn trở khi nhìn vào thực trạng ĐBSCL thấy “công tác qui hoạch còn chủ quan, thiếu tính khoa học, lãng phí”. Đó là qui hoạch tràn lan: nhiều khu công nghiệp không thu hút được đầu tư; nhiều khu dân cư được lập nên tùy tiện, phải bỏ hoang...

Ông dẫn chứng ĐBSCL có tới 11 KCN nhưng hiện chỉ có 116 nhà đầu tư vào với tổng vốn đầu tư vỏn vẹn 1,3 triệu USD. ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) nói rằng nhìn rộng ra toàn quốc thì qui hoạch mang bệnh phong trào, chạy theo thành tích, “đó là qui hoạch cảng biển, sân bay, mía đường...” và những di hại của nó bây giờ ai cũng thấy.

Các ý kiến cũng chỉ ra: ở nhiều địa phương, tỉnh, huyện và thậm chí cấp xã qui hoạch mỗi nơi một phách. Ông Giới nói thẳng: qui hoạch cục bộ, không liên thông. Vì thế cho nên vừa nát vụn vừa không phát huy hiệu quả.

ĐB Nguyễn Ngọc Trân đề nghị cơ quan chức năng khi phê duyệt qui hoạch phải quyết liệt phản biện, nếu thiếu căn cứ khoa học phải bác ngay. Nếu không, lại phải sống chung với những qui hoạch vừa sai vừa thiếu tầm (vừa qui hoạch xong đã lạc hậu). “Thiếu sự phối hợp liên ngành trong qui hoạch là điều đáng báo động hiện nay” - ông kêu lên. “Nóng” là thế nhưng giám sát của QH cũng cho thấy: đến nay vẫn còn 20% đơn vị hành chính cấp huyện và 34% đơn vị cấp xã chưa lập qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-môi trường Mai Ái Trực đưa ra 12 giải pháp lớn nhằm tăng cường quản lý qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn tới. Về những yếu kém, tiêu cực trong qui hoạch, sử dụng đất liên quan trực tiếp đến người dân như qui hoạch “treo” thì ông Trực trình bày: "Xử lý dứt điểm trước ngày 30-6-2007!

Đối với đất đã giao hoặc cho thuê mà chưa sử dụng, sử dụng không có hiệu quả hoặc dùng sai mục đích thì sẽ kiên quyết thu hồi. Đổi mới chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; bảo đảm quyền lợi chính đáng của người có đất bị thu hồi...”.

ĐẶNG ĐẠI - NHẬT LINH

Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn, Ngày 13/6/2006.