VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Nghịch lý xếp hạng (7/6)

06/08/2010 - 225 Lượt xem

Trong tuần vừa rồi, kết quả nghiên cứu về chỉ số cạnh tranh các tỉnh (PCI – Provincial Competitivess Index) do Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) và Dự án Nâng cao Năng lực Cạnh tranh (VNCI) đưa ra đã được dư luận rất quan tâm. Đây là lần thứ hai, các địa phương có dịp nhìn lại mình một cách tương đối khách quan về việc cải thiện môi trường đầu tư, trong đó, thái độ ứng xử với các DN được coi trọng nhất. Bài viết dưới đây cung cấp một nhận định điềm tĩnh và khách quan đối với cách tiến hành và kết quả của nhóm nghiên cứu này.

Thực tế sinh động trong phát triển kinh tế xã hội của các địa phương những năm qua đã cho thấy, chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương mình. Vai trò này càng trở nên đặc biệt quan trọng từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời vào năm 2000 cũng như quá trình phân cấp ngày càng sâu và thực chất hơn.

Có nhiều ý kiến đã bàn về những "hiệu ứng phụ" trong việc phân cấp như "xé rào", "phá nát quy hoạch"…Tuy nhiên, một thực tế khó có thể phủ nhận được là trong thời gian qua, chính quyền địa phương, đặc biệt ở cấp tỉnh đã có khá nhiều công cụ để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư an tâm. Những nỗ lực đó, đã thực sự mang lại những kết quả đáng khích lệ.

Bất chấp những điều kiện ban đầu được coi là kém hấp dẫn với các nhà đầu tư (như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn vốn con người ban đầu), nhiều địa phương đã nỗ lực vươn lên, trở thành những điểm sáng về thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và cuối cùng là cải thiện đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho người dân.

Sự phát triển năng động đó của các cấp chính quyền địa phương đã tạo ra nguồn cảm hứng cho nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm đến vai trò của địa phương.

Nghiên cứu về chỉ số cạnh tranh các tỉnh cuar VCCI đưa ra hai năm vừa rồi đã không chỉ dừng lại ở chỗ khám phá, xác minh tính tiên phong và vai trò quan trọng của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cho các doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước). Nhóm nghiên cứu còn có tham vọng tạo ra một công cụ có thể sử dụng làm cơ chế phản hồi và giám sát công tác điều hành, quản trị tại địa phương dưới con mắt của các nhà kinh doanh, sản xuất vừa và nhỏ trong nước.

Hàn thử biểu

Tiêu chí đặt ra cho 1 chỉ số

1. So sánh được về thời gian: Đây là một tiêu chí quan trọng, bởi lẽ các chỉ số đưa ra có mục đích theo dõi, đánh giá sự tiến bộ hay thụt lùi về vấn đề đó. Bất kể các chỉ số kinh tế, xã hội nào cũng cần đạt được mục tiêu tối thiểu đó. Đối với điều hành kinh tế của các địa phương thì điều này càng quan trọng bởi vì đây là kênh thông tin quan trọng giúp cho cán bộ các ngành thấy được mình đang ở đâu trong con mắt của những người mà chính quyền có trách nhiệm phục vụ.
2. So sánh được về không gian: giữa các tỉnh,
3. Thể hiện được mối liên hệ giữa những gì nhà nghiên cứu muốn đo với các kết quả và chỉ số liên quan đã lượng hoá được.

PCI thực sự có thể là công cụ tốt để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo nhận định của một số chuyên gia, đây chính là những doanh nghiệp "thấp cổ bé họng" ít có cơ hội để có thể bày tỏ những bức xúc của mình về môi trường kinh doanh mà họ đã và đang phải đối mặt. Những thông tin đa dạng, được thu thập công phu, khoa học từ thời gian khởi sự doanh nghiệp, có được sổ đỏ, đến những chi phí "ngầm", phi chính thức, cách thức sử dụng quan hệ trong kinh doanh là những thông tin có ích. (Tất nhiên về tính xác thực và khả năng so sánh thì còn phải thảo luận).

PCI rất có thể được sử dụng như là "hàn thử biểu" về thực trạng điều hành của các ban ngành có liên quan dưới con mắt của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những biểu đồ hình sao với mỗi cạnh thể hiện điểm số về một vấn đề quản lý (được các doanh nghiệp tại địa phương chấm điểm) là thông tin bổ ích cho các cơ quan chức năng. Hơn thế, nếu đặt số điểm đó bên cạnh số điểm cao nhất mà ở đâu đó, ngay tại trên đất nước này, với những con người, thể chế, văn hoá như nhau nhưng một địa phương khác đã đạt được thì đó sẽ là điều nhắc nhở và thôi thúc các cán bộ địa phương tiếp tục làm tốt cho các doanh nghiệp.

Theo nghĩa đó, thì sự cạnh tranh (đúng ra là thi đua) giữa các tỉnh hướng tới một môi trường thân thiện hơn với các DN trong nước là điều hoàn toàn có thể. Có lẽ đây là một trong những thông điệp chính sách có sức mạnh nhất mà chỉ cố PCI có thể chuyển tải.

Đừng kỳ vọng quá mức!

Có thể nhiều người đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào chỉ số PCI nên có những phản ứng khác nhau khi đón nhận các kết quả mà lần công bố thứ 2 này đưa ra. Có lẽ chính cái tên đặt cho chỉ số này là một phần của vấn đề.

Nhiều người trong chúng ta đã quen với chỉ số cạnh tranh quốc gia được công bố hàng năm cho 1 số nước, trong đó có Việt Nam. Chúng ta đã từng trăn trở mỗi khi Việt Nam bị xuống hạng, và có chút hãnh diễn mỗi khi thứ hạng của Việt Nam được cải thiện. Do vậy, khi chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh được công bố thì một sự liên tưởng tự nhiên là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và chủ trì dự án này đã rất nhiều lần lưu ý và cảnh báo: Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh không liên quan nhiều đến khái niệm "cạnh tranh" như vậy. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh không nên được coi là tiêu chí để các nhà đầu tư xem xét, đánh giá có nên đầu tư vào tỉnh đó hay không.

Rất nhiều các yếu tố (có thể rất quan trọng với các nhà đầu tư) như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, khoảng cách đến thị trường hoặc các trung tâm kinh tế - thương mại lại được coi như là bất biến và không phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của chính quyền địa phương. Tất nhiên, đó là những yếu tố mà chính quyền địa phương có muốn cũng không thể một sớm, một chiều làm thay đổi được.

Hơn thế nữa, chỉ số PCI chỉ quan tâm đến ý kiến về môi truờng kinh doanh của một bộ phận đặc biệt trong giới doanh nhân. Đó là những doanh nghiệp "bản địa" có quy mô vừa và nhỏ. Đó là chủ ý của nhóm nghiên cứu khi xây dựng chỉ số này và họ hoàn toàn có lý do để lý giải cho sự lựa chọn đó. Vấn đề là những người tiếp nhận các kết quả nghiên cứu sử dụng các kết quả, kiến nghị rút ra từ nghiên cứu này lại là một chuyện khác. Đây chính là điều cần được giải thích nhiều hơn nữa để tránh những kỳ vọng quá mức.

Đại biểu Hà Tây trong lần công bố chỉ số PCI vừa rồi đã có lý khi nói rằng nếu muốn nói đến môi trường đầu tư và kinh doanh một cách đầy đủ hơn thì phải xem xét đến các đối tượng khác như doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đòi hỏi đó với tư cách là một người quản lý có nhiệm vụ phải bao quát đến nhiều vấn đề phát triển của địa phương mình là một đòi hỏi chính đáng nhưng khó có thể đặt ra cho những người xây dựng chỉ số PCI.

Cải thiện?

Sau 2 lần công bố, nhiều người hoàn toàn có quyền kỳ vọng nhiều hơn nữa vào chỉ số PCI bởi những ý tưởng mà chỉ số này đặt ra.

Trước hết đó là khả năng so sánh giữa các tỉnh. Cũng như các chỉ số đã được công bố và trở thành quen thuộc với nhiều người như chỉ số cạnh tranh toàn cầu, thứ hạng của các tỉnh là điều nhiều người quan tâm và nó có ý nghĩa thực sự.

Trong cuộc đua này, nguời ta không chỉ tự hỏi mình đã làm được gì mà đôi khi câu hỏi quan trọng hơn là những nỗ lực đó đã đủ chưa. Có giúp chúng ta bứt phá thực sự không? Đối với 1 quốc gia, đòi hỏi này đã trở thành 1 vấn đề gây ra không ít bàn cãi. Đối với cấp tỉnh, vẫn còn những ý kiến khác nhau. Tuy nhiên trong chừng mực có thể, chỉ số PCI cũng cần giải đáp thấu đáo vấn đề này.

Trên thực tế, việc chuẩn hoá các thang điểm (cho điểm 1 với tỉnh có điểm tuyệt đối thấp nhất và điểm 10 cho tỉnh có điểm tuyệt đối cao nhất) với các chỉ số thành phần đã hàm chứa ý đồ so sánh thứ hạng của các tỉnh rồi. Điều còn lại là làm sao có những lý giải hợp lý, có sức thuyết phục về bảng xếp hạng đó. Bản thân việc thu thập số liệu cho chỉ số PCI chưa đủ để làm điều đó. Các nghiên cứu khảo sát sâu, mang tính điển hình chắc hẳn có thể cung cấp thêm thông tin cho công việc này.

So sánh sự biến động về thứ hạng của các tỉnh qua thời gian? Đây là công việc khó khăn nhưng cũng không thể không làm nếu chỉ số PCI muốn tiếp tục làm được những gì người ta trông đợi. Hiện tại, sau 2 lần công bố, việc so sánh sẽ khó có thể thực hiện được. Điều này khiến những người trong nhóm nghiên cứu liên tục phải đưa ra cảnh báo.

Có thể phải xem xét kỹ hơn về cả cách xây dựng hệ thống chỉ số và cách tính toán từng chỉ số thành phần thì mới đảm bảo tính so sánh được. Nếu không làm được điều này, chắc chắn chỉ số PCI sẽ mất đi một phấn đáng kể tính hấp dẫn và vẻ đẹp tiềm năng của nó.

Quan hệ với các chỉ số khác? Mục đích của chỉ số PCI là đánh giá thái độ/, mức thân thiện/, quan tâm/, ứng xử/ đáp ứng những nhu cầu chính đáng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp Vừa và nhỏ. Người ta sẽ tự hỏi, kết quả cuối cùng của những nỗ lực đó là gì? Ít nhất người ta sẽ kỳ vọng, những tỉnh có PCI cao là những tỉnh có nhiều DN mới lập ra hơn, đầu tư nhiều hơn, làm ăn khấm khá và lạc quan hơn.

Kết quả lần này dường như chưa thể hiện được mối liên kết ấy. Thanh Hoá là một trong những tỉnh có PCI thấp và mức cái thiện không được là bao trong khi đó các DN tại Thanh Hóa lại là những DN lạc quan nhất về tương lai. Có khá nhiều tỉnh có số DN mới hình thành và đầu tư nhiều (tính cả trên đầu người và theo GDP của tỉnh) xếp ở mức cao nhưng có thứ bậc PCI thấp và ngược lại.

Điều quan trọng hơn là, đi đôi với những nỗ lực ở địa phương, thì nỗ lực cải thiện một cách toàn diện ở cấp trung ương, trên phạm vi rộng vẫn là vấn đề đáng quan tâm và cấp thiết nhất. Kinh nghiệm cải cách, sáng tạo ở địa phương không thay thế được những giải pháp căn bản ở cấp trung ương. Tuy nhiên những thử nghiệm ở cấp địa phương có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá tính khả thi, năng lực thể chế để thực hiện các cải cách.

Những điều "nghịch lý" ấy cần được kiểm chứng và lý giải.

PCI là nỗ lực đáng trân trọng, có ý nghĩa và cần sử dụng một cách có cân nhắc cũng như cần được hoàn thiện hơn về phương pháp luận, cách thức tính toán.

Vũ Huy An

Nguồn: http://www.vietnamnet.com.vn 7/6/2006