VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Ngành nông nghiệp được gì khi vào WTO? (31/5)

06/08/2010 - 428 Lượt xem

Bài viết của GS.TS Võ Tòng Xuân đăng trên báo Thanh Niên.

Đánh giá về những cơ hội của tự do mậu dịch khi Việt Nam gia nhập WTO sẽ thấy ngay thị trường nông sản rộng mở, nhất là các mặt hàng tôm, cua, cá; bưởi Năm Roi, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, nhãn, vải thiều; nước dứa cô đặc, nước ổi, nước cam, mơ...; măng chua, nấm rơm; thịt gà ta...

Đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, sơ chế hoặc chế biến nông sản, mở mang những vùng đất hoang hóa, sản xuất những sản phẩm nông nghiệp độc đáo mà họ đang có thị trường. Nhờ đó lao động Việt Nam, nhất là lao động nông nghiệp sẽ có thêm công ăn việc làm; người tiêu dùng Việt Nam sẽ mua được những sản phẩm vừa rẻ hơn, vừa tốt bền hơn. Nông dân nghèo canh tác ở các vùng khó khăn sẽ có cơ may phát triển nhờ có những giống mới do các công ty quốc tế chuyên áp dụng công nghệ sinh học tạo ra.

Nhưng đằng sau những điều tốt đẹp này còn có quá nhiều những thách thức của tự do mậu dịch. Đối với nông nghiệp, có thể thấy một điều hiện nay giá hầu hết các nông sản Việt Nam đều đắt hơn hàng nước ngoài mà chất lượng lại không bảo đảm. Giá thành sản xuất hàng của ta thường cao hơn của người do tốn nhiều chi phí, trả nhiều lệ phí, trả nhiều công gián tiếp.

Thí dụ trường hợp mặt hàng nông sản cơ bản của ta là lúa gạo. Thái Lan trồng lúa mùa địa phương, tuy năng suất chỉ đạt dưới 2,5 tấn/ha nhưng chất lượng tuyệt vời, tận dụng điều kiện thiên nhiên nên không tốn tiền bơm nước, ít tốn phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, diệt cỏ.

Trái lại, nông dân Việt Nam trồng lúa cao sản ngắn ngày năng suất 4-6 tấn/ha nhưng phải tốn tiền bơm nước ra để sạ cấy, bón nhiều phân, bơm nước vào giữ nước ruộng, phun thuốc trừ sâu bệnh, làm cỏ, phòng trừ chuột. Các loại nông sản khác cũng tốn kém tương tự. Cho đến bây giờ Nhà nước vẫn chưa đầu tư nhiều vào nghiên cứu các biện pháp làm giảm giá thành sản xuất nông sản.

Mặt khác, cách sản xuất manh mún trên từng thửa ruộng, mảnh vườn nhỏ của nông dân ta không thể nào đáp ứng những đơn đặt hàng mỗi lần hàng ngàn tấn sản phẩm của các công ty nước ngoài. Nhà nước cần sửa đổi chính sách nông nghiệp sao cho nông dân có thể tự nguyện hợp nhau thành những hợp tác xã nông nghiệp đa năng, những trang trại rộng lớn sẵn sàng tham gia xuất khẩu. Các giống cây con mới sẽ được nhập vào nước ta bán rất đắt, nhưng nông dân không thể tùy tiện nhân giống ra vì các công ty nước ngoài giữ quyền tác giả.

Do đó, rất có thể các nông dân nghèo không có cơ hội để sử dụng những tiến bộ khoa học này. Trong khi đó, hàng hóa nông nghiệp Việt Nam thường không có nhãn hiệu có uy tín quốc tế nên bán không được giá.

Do vậy, trước ngưỡng cửa gia nhập WTO, Nhà nước cần đầu tư gấp rút và ưu tiên cho việc cải tiến các chương trình giáo dục và đào tạo cho nông dân, công nhân, nhà quản lý những kiến thức và kỹ năng phù hợp với yêu cầu toàn cầu hóa. Cần sửa đổi Luật hợp tác xã cho phù hợp yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới.

Đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học (giống cây trồng và vật nuôi, kể cả những giống có gien chuyển đổi thích nghi điều kiện canh tác khắc nghiệt của nông dân vùng sâu, vùng xa; giảm giá thành sản xuất nông sản; công nghệ sau thu hoạch; phát triển thị trường nông sản).

Quyết tâm bài trừ và nghiêm trị tham nhũng và buôn lậu; quyết tâm cải tiến những chính sách, luật lệ không phù hợp tập quán quốc tế. Cần bãi bỏ ngay những loại lệ phí vô lý nhằm giảm giá thành sản phẩm; đặc biệt bãi bỏ những ưu đãi đặc biệt đối với một thành phần kinh tế mà coi nhẹ các thành phần khác; cơ cấu lại các doanh nghiệp quốc doanh; bãi bỏ độc quyền quốc doanh, áp dụng luật thương mại quốc tế.

 

Theo Thanh niên

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 31/5/2006