VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Tiêu chí mới cho các công trình quốc gia

06/08/2010 - 376 Lượt xem

Dự kiến, Nghị quyết mới sẽ thay thế cho Nghị quyết số 05/1997/QH10 đã thực hiện được 8 năm với 5 công trình quan trọng là Dự án Khí - điện - đạm Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất, Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, Nhà máy Thuỷ điện Sơn La và Dự án đường Hồ Chí Minh.

Lý do để Chính phủ trình lên bản Nghị quyết mới là một số quy định của Nghị quyết 05 đã không còn phù hợp với tình hình phát triển của đất nước hiện nay, cần được sửa đổi. Thực tế triển khai và qua giám sát việc thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia cũng cho thấy cần bổ sung những nội dung mới mà Nghị quyết 05 chưa đề cập.

Tăng quy mô vốn cho công trình

So với năm 1997, quy mô của nền kinh tế nước ta đã tăng lên đáng kể (GDP năm 2005 tăng hơn 2,6 lần so với năm 1997). Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường và chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, quy mô, số lượng các dự án ngày càng lớn hơn, hình thức đầu tư đa dạng hơn. Giá cả thị trường, tỷ giá hối đoái cũng đã thay đổi.

Tình hình đó đòi hỏi phải thay đổi quy định về quy mô vốn đầu tư của các dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư để phù hợp với thực tế, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, tăng cường phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước đi đôi với tăng cường trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan hữu quan.

Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, những năm qua Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... có tác động to lớn đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng cường kỷ cương trong hoạt động đầu tư, xây dựng, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Do vậy, cần sửa đổi Nghị quyết 05 để đảm bảo sự thống nh t của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, Chính phủ cũng mong muốn bổ sung một số quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình chuẩn bị dự án; về phạm vi thẩm tra báo cáo của Chính phủ; về các loại dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Về nội dung, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 05 tập trung điều chỉnh lại tiêu chí về quy mô vốn đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 2 cho phù hợp với thực tế hiện nay.

Cụ thể, các công trình có quy mô vốn từ 10.000 tỷ đồng trở lên (theo thời giá năm 1997) là công trình quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Nguồn vốn mà dự án huy động bao gồm nguồn vốn trong nước và ngoài nước; nguồn vốn do ngân sách và nguồn vốn tín dụng hay vốn tự có, vốn huy động bằng sức lao động của dân; giới hạn cho phép phát sinh tăng vốn đối với công trình.

Theo tính toán, với dự án có quy mô đầu tư 10.000 tỷ VND (tương đương với khoảng 820 triệu USD thì vốn đầu tư chiếm khoảng 3% GDP trở lên là phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, nếu tính tỷ giá của VND với USD hiện nay là khoảng 16.000 VND = 1 USD thì tỷ lệ trượt giá từ năm 1997 đến nay là khoảng 31%; mức vốn 10.000 tỷ VND chỉ chiếm khoảng 1,2% GDP năm 2005.

Hiện Ban soạn thảo đề nghị sửa đổi về quy mô vốn đầu tư theo 2 phương án:

Phương án 1: Quy mô vốn đầu tư từ 20.000 tỷ VND trở lên đối với dự án, công trình có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, từ 25.000 tỷ VND trở lên đối với dự án, công trình sử dụng các nguồn vốn khác.

Quan điểm của phương án này là tiêu chuẩn về quy mô vốn cần bao hàm cả hai tiêu chí là tổng mức đầu tư và thẩm quyền quyết định sử dụng nguồn lực. Theo Luật Ngân sách Nhà nước thì Quốc hội quyết định việc sử dụng ngân sách Nhà nước, còn các nguồn vốn khác do chủ sở hữu quyết định. Để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước thì nên quy định cả quy mô vốn và cả nguồn từ ngân sách Nhà nước.

20.000 tỷ VND bằng khoảng 2,4% GDP năm 2005, là mức vốn được đề xuất trên cơ sở lấy tổng mức vốn đã quy định tại Nghị quyết 05 là 10.000 tỷ VND, tính thêm phần trượt giá, tính thêm một phần tăng vốn do quy mô đầu tư hiện nay được mở rộng hơn và chủ trương phân cấp quản lý mạnh hơn.

Phương án 2: Quy mô vốn đầu tư trong nước từ 20.000 tỷ VND trở lên, bằng khoảng 10% tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2005.

Quan điểm của phương án này là Quốc hội cần quan tâm xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đối với những dự án, công trình quan trọng quốc gia sử dụng vốn trong nước vì liên quan trực tiếp đến ngân sách Nhà nước, cần cân nhắc kỹ về phương án huy động vốn, khả năng hoàn vốn và trả nợ vốn vay.

Quy định các dự án ảnh hưởng đến môi trường

Theo quy định hiện hành, một trong các tiêu chí để xác định công trình quan trọng quốc gia là công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hay có tiềm ẩn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Thực tế cho thấy tiêu chí này rất khó xác định vì không cụ thể, khó nhận biết thế nào là ảnh hưởng lớn hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Vì vậy, dự thảo Nghị quyết mới đã quy định cụ thể 4 loại dự án, công trình thuộc loại này trên cơ sở các quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2005 để dễ dàng nhận biết và áp dụng các thủ tục đầu tư xây dựng.

Chính phủ kiến nghị cần sửa Điều 3 Nghị quyết 05 quy định về nội dung hồ sơ dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội theo tinh thần quy định tại Điều 36 Luật xây dựng và Điều 49 Luật đầu tư.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kiến nghị bổ sung một điều mới quy định về thẩm tra báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội. Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Dự thảo Nghị quyết mới đã bổ sung quy định về vấn đề này nhằm xác định rõ thời hạn gửi tờ trình, hồ sơ dự án, công trình để thẩm tra; quyền của cơ quan thẩm tra; phạm vi thẩm tra; kinh phí phục vụ cho công tác thẩm tra...

 

Nguyên Linh

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 27/5/2006