VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Thấy gì từ giá tiêu dùng, vàng và USD? (25/5)

06/08/2010 - 201 Lượt xem

Thứ nhất, giá tháng 5 tăng cao ở giá tiêu dùng, giá vàng, giá USD so với tháng 4: giá tiêu dùng tháng 4 chỉ tăng 0,2%, thì tháng này tăng 0,6%; giá vàng tháng 4 chỉ tăng 4,8%, thì tháng này tăng 17,6%; giá USD tháng 4 chỉ tăng 0,1%, thì tháng này tăng 0,8%.

Mới qua 5 tháng, tốc độ tăng giá tiêu dùng đã bằng 42,9% so với tốc độ tăng giá cả năm 2005 và bằng gần một nửa mục tiêu cả năm 2006; giá vàng đã tăng cao gấp trên 3,3 lần tốc độ tăng cả năm; giá USD đã tăng bằng tốc độ tăng cả năm 2005.

Thứ hai, xét theo cơ cấu nhóm hàng tiêu dùng, giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,2%, thấp bằng một phần ba tốc độ tăng chung của giá tiêu dùng; trong khi tốc độ tăng giá của các nhóm không phải hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao gấp trên 4 lần tốc độ tăng của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống.

Trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm hàng thực phẩm tăng rất thấp, riêng những sản phẩm thịt gia súc (trâu, bò, lợn) còn bị giảm do bị ảnh hưởng của dịch lở mồm long móng. Nông dân bị dịch cúm gia cầm hoành hành 2 năm liên tiếp chưa phục hồi lại được, nay lại bị giáng thêm một đòn nặng bởi dịch lở mồm long móng ở gia súc thì chẳng những bị thiệt hại nghiêm trọng đến thu nhập vốn đã thấp hơn của mình, mà còn ảnh hưởng đến sức mua có khả năng thanh toán đối với các nhóm không phải hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tác động đến sản xuất công nghiệp, dịch vụ.

Trong nhóm không phải hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giá xăng dầu tăng cao nhất so với các lần tăng giá trước đây, kéo giá cả các nhóm hàng hoá, dịch vụ khác tăng theo và xu hướng này sẽ chưa dừng lại, vì xăng dầu là đầu vào của nhiều loại sản phẩm khác.

Thứ ba, xét theo cơ cấu thị trường, tốc độ tăng giá tiêu dùng ở khu vực nông thôn thấp hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng ở khu vực thành thị. Trong khi dân số nông thôn hiện còn chiếm trên 73% dân số cả nước; nếu sức mua ở nông thôn tăng thấp hơn sẽ tác động không nhỏ tới tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu về tăng trưởng kinh tế đề ra cho cả năm.

Thứ tư, đã xuất hiện tâm lý lo ngại giá tăng cao, nên có nhiều người đã chuyển sang việc mua cổ phiếu, mua vàng, mua USD. Yếu tố đầu cơ cũng đã bắt đầu xuất hiện trở lại sau nhiều năm tương đối im ắng.

Thứ năm, có một lượng vốn không nhỏ đã "chạy lòng vòng" hết bất động sản lại sang vàng, sang USD, chứng khoán... mà không trực tiếp đầu tư cho tăng trưởng kinh tế. Khi đầu tư gián tiếp tăng, nhất là có yếu tố đầu cơ, có tính chất phong trào, tạo ra các "bong bóng" rất dễ bị xì hơi, thì thị trường tài chính, tiền tệ rất dễ không ổn định, thậm chí còn bị khủng hoảng như đã từng xảy ra ở một số nước.

                                                                                Dương Ngọc
Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam