VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Tăng giá xăng dầu, CPI vượt dự báo

06/08/2010 - 439 Lượt xem

Cuối tháng 4/2006, giá bán lẻ xăng dầu tăng mạnh. Đây là nguyên nhân chính đẩy chỉ số CPI tháng 5 tăng cao. Dễ thấy, trong công bố chiều nay (23/5) của Tổng cục Thống kê, nhóm hàng tăng cao nhất là phương tiện đi lại, tăng tới 2,9%, một mức tăng hiếm thấy ở các nhóm hàng riêng lẻ từ đầu năm đến nay.

Cũng theo công bố trên, chỉ số CPI đã tăng thêm 0,6%, vượt cả dự báo từ 0,3 – 0,5% trước đó của Bộ Thương mại, đưa chỉ số giá của cả 5 tháng đầu năm nay tăng lên 3,6%.

Nhóm hàng có mức tăng cao thứ hai trong rổ hàng tiêu dùng là nhóm đồ dùng và dịch vụ khác với mức tăng 1%; kế đến là các nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; văn hóa, thể thao giải trí với mức tăng 0,9%. Giá các nhóm đồ uống, thuốc lá; may mặc, mũ nón, giầy dép; dược phẩm y tế; thiết bị và đồ dùng gia đình tháng qua tăng 0,4-0,5% so với tháng trước.

Dễ thấy bất ngờ đã xẩy ra khi nhóm hàng luôn đứng tốp tăng giá đầu bảng là lương thực thực phẩm lại chỉ tăng nhẹ trong tháng, tăng 0,2%. Đây cũng là một diễn biến khớp với dự báo của Bộ Thương mại: Thời tiết diễn biến thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, dịch cúm gia cầm được khống chế và chăn nuôi gia cầm được khôi phục trở lại khiến nhóm hàng lương tực – thực phẩm khó tăng cao.

Tuy nhiên, diễn biến của dịch lở mồm long móng đang khá phức tạp tại nhiều địa bàn trên cả nước khiến nguy cơ nhóm hàng lượng thực - thực phẩm có thể sẽ tăng cao trở lại trong tháng tới.

Dù không nằm trong rổ hàng tiêu dùng để tính vào chỉ số CPI nhưng giá vàng và USD trong tháng qua đã có những biến động đáng chú ý. Trong tháng 5, giá vàng tiếp tục tăng thêm 17,6% (gần với mức tăng của cả năm 2005!); giá USD trong tháng cũng tăng tới 0,8% (cũng bằng mức tăng của cả năm 2005 cộng lại!).

Tính theo địa phương, tốc độ tăng giá mạnh nhất trong tháng 5 tiếp tục thuộc về Đà Nẵng với mức tăng 1,2% (tháng trước tăng 0,7%), kế đến là Tp.HCM và Hải Phòng với mức tăng 0,9%; các địa bàn Hà Nội, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ cùng có mức tăng giá 0,7%; Tiền Giang thấp nhất với mức tăng 0,5%.

Về cách tính chỉ số CPI tháng 5, có một số thay đổi so với cách tính trước đó. Tổng cục Thống kê cũng đã có thông báo về cách tính mới này.

Cụ thể, năm gốc so sánh của CPI giai đoạn 2006 - 2010 là năm 2005 (thay cho gốc so sánh 2000); rổ hàng hóa tính chỉ số gồm 497 loại hàng hóa, dịch vụ phổ biến, tăng gần 100 mặt hàng so với rổ hàng hóa thời kỳ 2000 -2005.

 

T.M.Đức

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 23/5/2006