VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin tức

Thành tựu kinh tế - xã hội qua 20 năm đổi mới: Bước ngoặt của đổi mới tư duy

06/08/2010 - 424 Lượt xem


Biến đổi cả lượng lẫn chất
Về mặt lý luận, theo ông Trần Đình Khiển, có 5 thành tựu nổi bật mà VN đạt được sau 20 năm đổi mới, trong đó thành công lớn nhất là đã đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng nhanh; tạo dựng được những tiền đề phát triển KT-XH trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng cường khả năng hội nhập và đạt nhiều thành tựu về xã hội, xoá đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, so sánh các số liệu từ năm đầu tiên (1986) và 20 năm sau (2005), người ta thấy có một sự tăng trưởng khó tin. Ví như ở thời kỳ đầu đổi mới (1986-1990), GDP trung bình hằng năm chỉ tăng ở mức 4,4% thì các thời kỳ sau, chỉ số này đạt thấp nhất cũng 7% và cao nhất lên tới 8,2% - một chỉ số phát triển "nóng" so với thế giới. Hoặc như xuất khẩu cả 5 năm đầu (1986-1990) kim ngạch mới đạt 7,3 tỉ USD thì 5 năm gần đây (2001-2005) đã vọt lên 110 tỉ USD. Vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng tương ứng từ 1,6 tỉ USD lên trên 26 tỉ USD (thời kỳ 1996-2000) và gần 21 tỉ USD (2001-2005). GDP bình quân đầu người năm 2005 đã đạt tới 640USD, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 7%.

Đi theo những con số dễ nhận biết này, có một sự thay đổi về chất không thể phủ nhận đây chính là hệ quả, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong đổi mới tư duy và đường lối phát triển kinh tế đất nước.

Ba trục phát triển chính
Theo ông Trần Đình Khiển, 5 năm tới (2006-2010), các chỉ tiêu chủ yếu được xác lập trên cơ sở đảm bảo phát triển nhanh và bền vững theo 3 trục chính: Kinh tế - xã hội - môi trường. Trong đó, mục tiêu kinh tế đến năm 2010, tổng GDP sẽ gấp 2,1 lần năm 2000. GDP bình quân đầu người sẽ đạt từ 1.050 - 1.100USD. Về xã hội, 5 năm tới sẽ phải giải quyết thêm việc làm cho 8 triệu người, dạy nghề cho 7,5 triệu lao động. Đặc biệt, từ nay trở đi, phát triển KT-XH phải gắn chặt với bảo vệ môi trường, coi đó như 1 trong 3 trục phát triển chính. Cụ thể đến năm 2010, phấn đấu 100% số đô thị loại 3 trở lên, 50% số đô thị loại 4 và tất cả các cơ sở sản xuất mới phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải...

Dĩ nhiên, theo ông Trần Đình Khiển, Chính phủ sẽ có những giải pháp cụ thể để thực hiện cho được các mục tiêu trên.

Cần một tầm nhìn cao hơn
Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi đã được các phóng viên đặt ra với Thứ trưởng Trần Đình Khiển.

´ Ông vừa nói, mục tiêu phát triển trong thời gian tới là sớm đưa VN ra khỏi tình trạng kém phát triển. Nhưng thời gian thực hiện mục tiêu này là bao lâu? Vì sao trong kế hoạch 5 năm tới (2006-2010) không thấy nói tới mục tiêu này?

- Ngay từ ĐH Đảng IX đã xác định mục tiêu này, trong đó nêu rõ đến năm 2020 sẽ đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Còn tiêu chí thế nào là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì đã có nhiều cuộc bàn thảo và phải tiếp tục được xác định cho rõ. Kế hoạch 5 năm tới nằm trong lộ trình, một giai đoạn từ nay đến 2020 nên không cần thiết phải nhắc lại mục tiêu này.

´ Chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong 5 năm tới của VN từ 7,5-8%/năm liệu có quá lạc quan. Cơ sở nào để vạch ra mục tiêu này?

- Mục tiêu này là căn cứ vào thực tế trong nhiều năm qua GDP đều đạt từ 7-8%, thậm chí có năm cao hơn. Thứ nữa là phải căn cứ vào các nguồn lực phát triển sắp tới (cả về kết cấu hạ tầng, nhân lực, nội lực nền kinh tế, vốn ngoại lực của nước ngoài, môi trường kinh tế trong nước, quốc tế, những cơ hội khi trở thành thành viên WTO...).

´ Mục tiêu huy động vốn cho đầu tư phát triển trong những năm tới rất lớn, nhưng việc sử dụng làm sao hiệu quả mới quan trọng. Chính phủ đã có giải pháp nào?

- Đúng như vậy. Trước đây ta quá chú trọng ở khâu huy động vốn và phân bổ vốn cho đầu tư, nhưng nay việc quản lý sử dụng chống lãng phí, thất thoát nguồn đã trở nên cấp bách. Chính vì vậy, năm 2005, Chính phủ đã có nhiều biện pháp quyết liệt chống đầu tư lãng phí, dàn trải, ban hành nhiều văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triệt để thực hiện.

´ Một trong những nguồn vốn quan trọng cho đầu tư là vốn từ nước ngoài, trong đó có việc thu hút vốn từ các nhà đầu tư trực tiếp. Nhưng vì sao hiện vẫn còn phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước?

- Cơ chế chính sách không phân biệt đối xử đã rất rõ, mà cụ thể là ở hai bộ Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp vừa được Quốc hội ban hành. Tuy nhiên, ở từng khâu thực hiện cụ thể, từng địa phương cụ thể vẫn có chuyện này chuyện khác. Cái đó cần được chấn chỉnh kịp thời để đảm bảo môi trường đầu tư bình đẳng. 

´ Bao giờ thì VN mới xoá bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản với các DN - một cơ chế cũng bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế (trong đó có khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài)?

- Tư tưởng chỉ đạo là DN (kể cả DN nhà nước) chỉ hoạt động theo luật pháp (trong đó có hai bộ luật vừa nói ở trên). Sẽ không có cơ chế bộ, ngành, địa phương "chủ quản" nữa. Mặt khác, khi phần lớn các DN nhà nước dần chuyển sang các Cty cổ phần hay Cty TNHH nhà nước một thành viên, thì tự khắc sẽ không cần bộ chủ quản nữa.

´ Vụ việc xảy ra tại PMU18 có ảnh hưởng gì đến việc huy động vốn (nhất là vốn ODA) của VN?

- Để xảy ra vụ việc này, cả Đảng, Nhà nước, nhân dân đều rất đau lòng và phẫn nộ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài và dư luận quan tâm hơn là thái độ xử lý vụ việc này của chúng ta ra sao. Nếu chúng ta làm qua loa, chiếu lệ, không kiên quyết và thực chất, nhất định sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của các nhà tài trợ và đầu tư nước ngoài.

´ Công tác kế hoạch trong nhiều năm qua chưa chứng tỏ các nhà hoạch định của VN có tầm nhìn chiến lược dài hơi (hay nói khác đi còn có tầm nhìn... ngắn). Liệu công tác kế hoạch 5 năm tới và xa hơn là đến năm 2020 có thoát khỏi yếu kém này?

- Đúng là đang có hạn chế này. Trong quy hoạch, có vấn đề cụ thể có thể thấy ngay, nhưng cũng có nhiều cái phụ thuộc vào công tác dự báo. Chính phủ đang rà soát lại công tác quy hoạch, kế hoạch với một tư tưởng chỉ đạo là cần một tầm nhìn cao hơn, dài hạn hơn. Nếu khâu nào, nội dung nào cán bộ trong nước không làm được, phải thuê các chuyên gia giỏi của nước ngoài thực hiện.

                                                                                                                        Đình Chúc lược ghi

TS Cao Sỹ Kiêm - Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Đảng:
"Định hướng đổi mới đã rõ, vấn đề là triển khai"

Trước yêu cầu hội nhập, nền kinh tế VN đang đứng trước những thách thức lớn: 1/Cơ cấu kinh tế không hợp lý; 2/Năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; 3/Thiếu sự hiểu biết với thế giới bên ngoài; 4/Nhân lực quá thiếu và bất cập (người lao động lành nghề, chuyên gia, nhà quản lý...).

Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho ĐH lần này là phải đổi mới nhanh cơ cấu kinh tế, xác định được những ngành và sản phẩm mũi nhọn, tập trung mạnh vào những khâu chế tạo, dịch vụ cao cấp (ngân hàng, tài chính, bảo hiểm), chế biến và bảo quản sản phẩm...; đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin, hệ thống pháp luật, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, điều hành.

Định hướng đổi mới (kinh tế tư nhân, quốc doanh...) đã rõ ràng, giải pháp lớn cũng đã được đề cập rõ, vấn đề là triển khai cụ thể, phân công, phân cấp và có lộ trình hành động. Nhưng vướng nhất hiện nay trong thực hiện đổi mới kinh tế là vấn đề nguồn lực, nền hành chính, kỷ cương, kỷ luật điều hành và ý thức chấp hành. Trình độ con người đã không đáp ứng được, nhưng cách làm cụ thể cũng chưa được.

Vấn đề quyết định đối với công cuộc đổi mới của ta là đổi mới năng lực lãnh đạo và quản lý của các cấp chính quyền. Trong suốt quá trình phát triển, Đảng ta cơ bản đã đề ra đường lối, chủ trương đúng, nhưng cách quản lý, điều hành của các cấp chính quyền lại chưa được.

 

Nguồn: http://www.laodong.com.vn, ngày 20/4/2006