VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20t%E1%BB%A9c

Nhà nông giỏi, nông thôn giàu

06/08/2010 - 179 Lượt xem

Riêng năm 2005, có 235.000 hộ nông dân đăng ký thi đua từ đầu năm, tăng 123% so với năm 1996, chiếm 95% số hộ nông nghiệp trong tỉnh. Kết quả có hơn 40.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Ông Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhận xét: 10 năm phát động phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở tỉnh Tiền Giang đã tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Đột phá chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Thông qua phong trào, nông dân áp dụng giống lúa mới, giống cây trồng vật nuôi cho năng suất và chất lượng cao, nhằm giảm số lượng, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Điều này đem lại những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện 3 chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh: chương trình phát triển kinh tế lúa gạo, chương trình phát triển kinh tế vườn và chương trình phát triển kinh tế chăn nuôi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, giá trị ngành nông nghiệp tăng bình quân 4,5%/ năm. Tỉnh đã hình thành vùng chuyên canh lúa đặc sản khoảng 60 ngàn ha.

Năm nay, sản lượng đạt 1.115 tấn, trong đó có 72% là lúa chất lượng cao và đặc sản, dự kiến phục vụ 250 ngàn tấn cho xuất khẩu đạt kim ngạch 60 triệu USD. Nhiều nông dân chủ động với mô hình lúa - cá, lúa - màu cho hiệu quả cao, giá trị trên 45 triệu đồng/ ha/ năm.

Ông Sáu Phụ, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè cho biết, nhà ông có 2,5 ha đất, tuỳ theo thời tiết mà ông trồng lúa, nuôi cá theo tỷ lệ 2 lúa, 1 cá hoặc ngược lại. Tính riêng lợi nhuận từ cá đạt 40 - 50 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí. Nhiều nơi trong tỉnh dần hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả như khóm, vú sữa, xoài,.. phục vụ cho xuất khẩu. Nhưng đáng chú ý là tỷ trọng ngành chăn nuôi ngày càng tăng.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 500 ngàn con heo, 33 ngàn con bò. Ông Võ Văn Bình với 200 con heo nái và 1.000 con heo thịt cho doanh thu 2 tỷ đồng/ năm. Chăn nuôi dê, thỏ cũng bắt đầu phát triển với 32 ngàn con dê và 40 ngàn con thỏ. Ông Nguyễn Văn Là cho biết, 40 con dê sinh sản ở nhà ông cho doanh thu 200 triệu đồng/ năm.

Qua 10 phát động phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, bộ mặt nông thôn của nhiều huyện thay đổi hẳn. Chẳng hạn, ở huyện Cái Bè, người dân tự hào với những cánh đồng lúa thơm cho năng suất trung bình từ 5 tấn/ ha trở lên. Còn các xã phía Nam Quốc lộ, vườn cây trái đặc sản xum xuê như cam xành, xoài cát Hoà Lộc... Nhờ vậy, thu nhập người dân đạt từ 50 triệu đồng/ ha trở lên. Nhiều hộ có thu nhập cao như ông Võ Đô Thành đạt 120 triệu đồng/ năm, ông Phan Văn Bé Chín đạt 300 triệu đồng. Còn huyện Chợ Gạo đổi thay không kém.

Trước đây, đời sống người dân huyện này gặp nhiều khó khăn, sau khi đầu tư thuỷ lợi cung cấp nước ngọt cho chăn nuôi, trồng trọt và trồng lúa được 3 vụ/ năm, thu nhập người dân khá hơn nhưng chưa đủ sức thoát nghèo. Ông Chủ tịch Hội nông dân huyện cho biết, kể từ năm 1995, vận động người dân tham gia phong trào nông dân SXKD giỏi, đến nay, toàn huyện có trên 5 ngàn nông dân đạt danh hiệu. Nhiều hộ như ông Đoàn Thanh Long (xã Lương Hoà Lạc), Dư Thành Nhân (xã Hoà Định) không những thoát nghèo, nhà cửa khang trang mà hàng năm, mỗi hộ có lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Vai trò quan trọng của Hội nông dân

Trong phong trào thi đua này, Hội nông dân các cấp ở tỉnh không đứng ngoài cuộc mà luôn sát cánh cùng nhà nông. Hội là trung tâm liên kết “4 nhà”. Hội phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức tập huấn, hội thảo, trình diễn kỹ thuật hoặc tổ chức cho nông dân đi tham quan, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân.

Những hộ nghèo, được vay vốn sản xuất từ Quỹ hỗ trợ nông dân nghèo do hội gầy dựng. Hoặc hội đứng ra hợp đồng bảo lãnh đầu tư kỹ thuật từ các doanh nghiệp cho nông dân dưới hình thức trả chậm. Hội vận động hộ sản xuất kinh doanh giỏi nhận giúp đỡ trực tiếp hộ nghèo bằng cách hướng dẫn cách làm ăn, giúp cây giống... Nhờ vậy, qua 10 năm, có gần 30 ngàn hộ ở nông thôn được giúp đỡ, trong đó có 60% hộ thoát nghèo.

Tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Hội nông dân được xem là “chất xúc tác” nâng cao hiệu quả chuyên canh sầu riêng. Hội thường xuyên tuyên truyền chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi, giới thiệu các mô hình kinh tế trang trại và khoa học kỹ thuật công nghệ mới, hướng dẫn nông dân xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế hộ. Qua đó, người dân tự xây dựng cho mình mô hình phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp.

Ông Lê Văn Liêm Pha, một hộ nông dân cho biết, trước đây không có vốn đầu tư, nhờ Hội nông dân chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn chọn giống, hỗ trợ vật tư, ông mạnh dạn cải tạo vườn sầu riêng bằng cách chặt bỏ hết những giống sầu riêng không hiệu quả. Nhiều người như ông nên bây giờ xã hình thành vùng chuyên canh cây sầu riêng, giúp phát triển nông thôn.

 

Kim Oanh

Nguồn: http://www.vneconomy.com.vn, ngày 11/10/2005