VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

GS. Augustine Hà Tôn Vinh: Kinh tế thị trường định hướng XHCN là đột phá, sáng tạo

30/01/2023 - 222 Lượt xem

 

Theo GS. Augustine Hà Tôn Vinh, Giám đốc Chương trình Đào tạo lãnh đạo Đại học California Miramar University (Hoa Kỳ), quan niệm “phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN” là đột phá lý luận và sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.
 
GS. Augustine Hà Tôn Vinh trao đổi cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính về chuyển đổi số tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022

 

Là người từng làm việc tại 93 quốc gia trên thế giới và tham gia tư vấn kinh tế cho nhiều chính phủ cũng như các định chế tài chính thế giới, Giáo sư nhận định thế nào về mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN mà Việt Nam đang xây dựng?

Tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích và so sánh mô hình kinh tế của nhiều nước, cả những nước phát triển cũng như đang phát triển ở khắp 5 châu và phải nói rằng, tôi rất thích mô hình kinh tế Việt Nam đang xây dựng, định hình và theo đuổi. Đó là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. 

Vấn đề gì cũng vậy, muốn hiểu về nó phải dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, so sánh với những vấn đề khác tương tự, chứ không thể phát biểu chủ quan là thích hay không thích, ủng hộ hay không ủng hộ.

Với mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rất rõ. Đó là một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần. Các thành phần hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.

Vì sao Giáo sư lại ủng hộ mô hình kinh tế này, trong khi không ít chuyên gia, học giả vẫn còn bày tỏ sự băn khoăn?

Nhiều học giả, chuyên gia, doanh nhân cả trong và ngoài nước cũng như kiều bào ở nước ngoài khi tôi có dịp tiếp xúc cũng đặt câu hỏi như vậy. Vì sao tôi ủng hộ? Vì với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, kinh doanh, mục tiêu duy nhất của họ là tối đa hóa lợi nhuận (thị trường) và lợi nhuận kiếm được từ thị trường để phục vụ cá nhân, gia đình của họ. Thế còn xã hội thì sao, ai đứng ra bảo đảm an ninh trật tự, hỗ trợ người nghèo, người già cả, tàn tật? Ai đứng ra đầu tư vào y tế, giáo dục, văn hóa, bảo vệ môi trường... nếu không phải là nhà nước? Nhà nước xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, trong sạch, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thì nhà nước có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ để điều tiết thu nhập nhằm bảo vệ trật tự xã hội, duy trì xã hội. Chính phủ tất cả các nước đều thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ này, nhiều nước tư bản còn làm rất tốt chế độ phúc lợi xã hội, nhất là các quốc gia Bắc Âu, chỉ có điều họ không đưa ra tên gọi tường minh về mô hình kinh tế như Việt Nam.

Đó là trên thực tế, còn ở góc độ khoa học kinh tế thì sao, thưa Giáo sư?

Tính chất mô hình kinh tế mà Việt Nam đang xây dựng và theo đuổi đã được một trong những nhà kinh tế vĩ đại nhất của nhân loại là Adam Smith (1723-1790) đưa ra từ rất sớm. Theo Adam Smith thì thị trường là “bàn tay vô hình”. Trong nền kinh tế thị trường, các cá nhân tham gia đều muốn tối đa hóa lợi nhuận cho mình. Nhưng xã hội nào cũng phải có “bàn tay hữu hình”, đó là nhà nước thông qua luật pháp, thuế và các chính sách kinh tế để điều chỉnh nền kinh tế và xã hội. Còn nhà nước điều tiết thế nào phụ thuộc vào từng quốc gia, thậm chí phụ thuộc vào từng lãnh đạo chính phủ trong giai đoạn cầm quyền.

Đối với Việt Nam, kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, đó là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội; tăng trưởng GDP đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng GDP đơn thuần. Khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Tôi đã dành gần trọn cuộc đời để nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn về kinh tế cho rất nhiều doanh nghiệp, chính phủ, định chế tài chính khắp nơi trên thế giới và nhận thấy rằng, mô hình kinh tế Việt Nam đang xây dựng và theo đuổi là sự đột phá, phù hợp với thực tiễn, vì thị trường và phi thị trường như cái bình thông nhau, luôn luôn bảo đảm sự cân bằng, nếu không cân bằng, sẽ phá vỡ quy luật, phá vỡ sự tồn tại.

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, kinh tế thị trường định hướng XHCN thì kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, thưa Giáo sư, nhiều chuyên gia kinh tế cũng hoài nghi về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước?

Với kinh tế nhà nước, cụ thể là doanh nghiệp nhà nước, đúng là hiện nay vẫn còn tình trạng sử dụng nhiều tài nguyên, vốn, hoạt động kém hiệu quả, hay tham ô, tham nhũng, thất thoát, lãng phí. Trên thế giới cũng vậy, doanh nghiệp nhà nước có thể hoạt động không hiệu quả bằng thành phần kinh tế khác, vì phải đầu tư vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực, khu vực mà tư nhân không làm, nên doanh nghiệp nhà nước luôn luôn giữ vai trò đặc biệt, không thể thiếu của nền kinh tế. Nên tôi cho rằng, nhận định một chiều về doanh nghiệp nhà nước là phiến diện, “vơ đũa cả nắm”. Nếu không có doanh nghiệp nhà nước thì ai đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn lâu dài, thậm chí đầu tư không có lợi nhuận nhưng bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô để cả nền kinh tế ổn định.

Theo tôi được biết, khi xây dựng Hiến pháp 2013, rất nhiều người kiến nghị không nên hiến định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, nhưng cuối cùng, quy định này vẫn được ghi trong Hiến pháp 2013. Đây là sự sáng suốt, vì vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ, đóng góp của doanh nghiệp nhà nước cho nền kinh tế, cho xã hội không cần phải bàn cãi.

Còn vai trò của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác trong cơ chế thị trường định hướng XHCN được đề cập trong bài viết của Tổng Bí thư thì sao, thưa Giáo sư?

Sau gần 10 năm triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, kinh tế hợp tác đã đạt được những tiến bộ nhất định, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng. Vì vậy, Tổng Bí thư đã yêu cầu phải không ngừng được củng cố, phát triển và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác để thay thế cho Luật Hợp tác xã hiện hành.

Tôi đã có dịp trình bày với Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành về sự phát triển của nông nghiệp Hoa Kỳ. Cụ thể, nền kinh tế số một thế giới hiện chỉ có 2,6 triệu người làm nông nghiệp (chiếm 1,3% dân số). Nhưng Hoa Kỳ lại là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thực phẩm và nông sản lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất khẩu nông sản lên tới 177 tỷ USD vào năm 2021. Những nền kinh tế tiên tiến bậc nhất thế giới như Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Israel, Canada... đều là những nước có hợp tác xã phát triển và ngày càng phát triển vì khu vực này đã và đang áp dụng chuyển đổi số rất mạnh mẽ. Vì vậy, Việt Nam muốn phát triển kinh tế bền vững theo cơ chế thị trường và định hướng XHCN, cần phải phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác.

Kinh tế tư nhân đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ. Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phúc Trọng một lần nữa nhấn mạnh: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Thưa Giáo sư, ông đánh giá thế nào về kinh tế tư nhân của Việt Nam?

Tôi được rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam mời giảng dạy, thuyết trình, chia sẻ kinh nghiệm về đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Tôi từng nhiều lần nói với họ rằng, các anh chị rất giỏi vì kiếm tiền rất khó mà các anh chị đã kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng kiếm tiền đã khó, biết quản trị đồng tiền, cụ thể là quản trị rủi ro trong kinh doanh lại càng khó hơn. Tôi nhận thấy, các chủ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất thông minh, ham hiểu biết, cầu thị, lắng nghe, nhưng việc áp dụng quản trị rủi ro vào hoạt động kinh doanh còn hạn chế.

Kết quả là, khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi, gặp trở ngại, như tiếp cận vốn khó khăn, phát hành trái phiếu bị thắt chặt, lãi suất vay vốn cao, xuất khẩu bị ngưng trệ... thì lại kêu cứu Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ. Ai biết được đại dịch Covid-19 xảy ra? Ai lường trước được Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine? Ai có thể dự báo được lạm phát, lãi suất ở Hoa Kỳ, EU, Anh... tăng khủng khiếp như năm 2022? Tất cả những rủi ro này là khách quan, ngoài ý muốn, mặc dù không tính trước được, nhưng trong kinh doanh, nếu quản trị rủi ro tốt thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể duy trì được hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định, từng bước vượt qua khó khăn. Chưa kể, không ít doanh nghiệp tư nhân không biết quản trị rủi ro chủ quan, nên mới có những doanh nghiệp từng “đình đám một thời” rơi vào khủng hoảng như vừa qua.

Phải khẳng định rằng, kinh tế tư nhân Việt Nam đã có bước phát triển đáng kinh ngạc, nhưng để trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thì khu vực này phải rèn rũa, phải “bơi” trong cơ chế thị trường, phải biết quản trị rủi ro hiệu quả. Định hướng XHCN là Nhà nước tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, tất cả các thành phần kinh tế cạnh tranh lành mạnh, chứ không phải Nhà nước đứng ra cứu ngành nọ, ngành kia khi gặp khó khăn.

 

Nguồn baodautu.vn