VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Yêu cầu mới về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ (Tiếp theo) (*)

23/06/2022 - 202 Lượt xem

 

Phụ thuộc đến 50% vào nguyên liệu nhập khẩu nên chuỗi cung đứt gãy đang khiến các doanh nghiệp dệt may gặp rất nhiều khó khăn. Trong ảnh: Gia công hàng xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. (Ảnh TRẦN HẢI)

Bài 2: Tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu

 

Hơn hai năm trôi qua với hàng loạt tác động từ đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine và hiện là chiến lược "zero Covid" của Trung Quốc đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục đứt gãy. Là nước có nền kinh tế với độ mở cao, Việt Nam phải gánh chịu không ít ảnh hưởng nặng nề từ những biến động này. Tuy nhiên, chúng ta cũng đứng trước cơ hội nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng đang buộc phải dịch chuyển để dần thích ứng với tình hình mới.

 

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay, bất kỳ quốc gia nào cũng đều phụ thuộc ít nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Những nước càng phát triển như Mỹ hay châu Âu, càng phải chịu tác động lớn khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy. Tuy nhiên, với vai trò làm chủ chuỗi giá trị và là người đưa ra luật chơi, các quốc gia này có thể nhanh chóng xoay chuyển, thậm chí chủ động xây dựng lại chuỗi cung ứng mới. Như vậy, phải chăng hướng đi cho Việt Nam để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ cũng là nỗ lực vươn lên để làm chủ các chuỗi giá trị?

Nền sản xuất phụ thuộc

Phát biểu trước đông đảo đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 được tổ chức ngày 5/6/2022 tại thành phố Hồ Chí Minh-diễn đàn mang tầm cỡ quốc gia đầu tiên bàn về "kinh tế độc lập, tự chủ", Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh thẳng thắn thừa nhận năng lực tự chủ của các ngành sản xuất của Việt Nam còn ở mức thấp với việc phải nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên liệu chính.

Làm rõ hơn, đồng chí Trần Tuấn Anh đã dẫn chứng hàng loạt con số "biết nói". Đó là Việt Nam mỗi năm phải nhập siêu tới 9,3 triệu tấn thép cuộn cán nóng và 85,4% tổng nhu cầu sơ xợi trong nước. Nhiều ngành sản xuất chính như dệt may phụ thuộc đến 50% vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, với da giày là khoảng 45% và sản xuất nhựa lên tới 80%. Thậm chí, thế mạnh truyền thống của Việt Nam là nông nghiệp cũng phải nhập khẩu hơn 70% máy móc, thiết bị; 80% giống rau và 60% giống ngô;… "Nguyên phụ liệu nhập khẩu đang chiếm tới 37% tổng chi phí nguyên phụ liệu của toàn nền kinh tế. Trong ngành chế biến, chế tạo vốn là động lực chính của sản xuất công nghiệp, tỷ lệ này lên đến gần 51%. Đặc biệt, Trung Quốc là nước chiếm tới 1/3 kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Bởi vậy, cuộc xung đột Nga - Ukraine và chính sách "zero Covid" của Trung Quốc trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này bắt đầu chậm lại là hai biến số làm tình trạng hàng hóa trong chuỗi cung ứng tăng giá ngày càng trầm trọng", nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm phân tích.

Chuỗi cung ứng toàn cầu vừa chớm hồi phục lại một lần nữa đứt gãy. Ngành công nghiệp trong nước ngay lập tức gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất. Như dệt may là ngành đang có cơ hội hồi phục nhanh nhờ lượng đơn hàng về ồ ạt, nhưng giờ đây chính điều đó lại khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh "khóc dở, mếu dở" vì thiếu nguyên phụ liệu sản xuất. Giám đốc điều hành Tổng công ty May Đáp Cầu Nguyễn Đức Thăng chia sẻ, phụ thuộc đến 80% vào nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc nên trong bối cảnh nguyên phụ liệu về nhỏ giọt, đơn vị phải xé lẻ, rải đơn hàng ra nhiều tổ sản xuất nhằm bảo đảm việc làm cho công nhân, năng suất lao động tụt giảm mạnh. Đáng lo hơn, hiện nhiều đơn hàng vẫn thiếu nguyên liệu, công ty dù đã đàm phán với khách hàng để gia hạn thời gian giao hàng nhưng không thể kéo dài được lâu, việc thanh toán đang tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

Các ngành da giày, cơ khí, điện tử, ô-tô,… cũng đều gặp khó khăn do phụ thuộc vào nguyên phụ liệu Trung Quốc. Theo thống kê của Bộ Công thương, 89% tổng kim ngạch nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm nay là hàng nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước và Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 49,6 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước cũng như chiếm tới 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu. Để thoát khỏi tình trạng "thị trường Trung Quốc hắt hơi, doanh nghiệp bị sổ mũi", một số doanh nghiệp đã chủ động xây dựng, phát triển nguồn nguyên liệu và xây dựng chuỗi sản xuất khép kín. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, Vinatex đã và đang đầu tư theo chuỗi để nâng cao sự chủ động nguồn cung phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, đây là giải pháp chỉ số ít các đơn vị lớn, tiềm lực mạnh mới làm được. Còn với phần lớn doanh nghiệp, theo các chuyên gia cần tiếp tục kiên trì chiến lược đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu, hạn chế phụ thuộc vào một thị trường đơn nhất để từ đó nâng cao tính tự chủ trong sản xuất.

Cơ hội nâng cao vị thế

Cùng ngành dệt may nhưng hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Thagaco vẫn luôn duy trì tương đối ổn định kể cả khi chuỗi cung ứng nhiều lần đứt gãy. Chìa khóa của thành công, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Văn Quân là nhờ xây dựng được mạng lưới nhà cung cấp rất đa dạng. Đi vào hoạt động chưa đầy ba năm, nhưng ngay từ ban đầu, Thagaco đã định hướng tập trung vào đơn hàng FOB thay vì gia công. Do đó, đơn vị đến nay đã chuyển mình thành công, nâng quy mô làm FOB chiếm 70% doanh thu. Mặt khác, Thagaco cũng luôn chủ động tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu từ nhiều thị trường ngoài Trung Quốc như Ấn Độ, Hàn Quốc và đặc biệt 30% từ trong nước. Nhờ vậy, khi dòng hàng từ Trung Quốc bị gián đoạn như hiện nay, công ty cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi có sẵn các nguồn cung khác với giá cạnh tranh và thời gian giao hàng nhanh không kém. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp có thể làm được như Thagaco. Là doanh nghiệp dệt may lớn, kinh nghiệm xuất khẩu lâu năm, đồng thời sở hữu mạng lưới khoảng 600 nhà cung cấp nguyên liệu khắp toàn thế giới, nhưng Tổng công ty May 10 còn phụ thuộc tới 50% nguồn hàng từ Trung Quốc nên vẫn gặp cảnh lao đao khi thị trường này nghẽn hàng. Tổng giám đốc May 10 Thân Đức Việt cho biết, đơn vị đang xây dựng kế hoạch nâng tỷ trọng nguồn cung từ các đối tác khác như Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc nhằm hạn chế các rủi ro như hiện nay nhưng dự kiến quá trình này phải mất 5 đến 10 năm. Vì vậy, rất cần cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp trong lĩnh vực này là Bộ Công thương triển khai mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động cung cấp thông tin, kết nối cung cầu, tăng cường mở rộng các thị trường mới, giúp doanh nghiệp tránh phụ thuộc hoàn toàn vào số ít thị trường cả ở chiều nhập và xuất khẩu.

Theo nhiều nghiên cứu, các nước phát triển có khả năng tự chủ kinh tế cao là do nắm giữ các chuỗi giá trị. Đây cũng là mục tiêu Việt Nam cần hướng tới để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Tuy nhiên, với tiềm lực hiện hữu, chúng ta khó có thể đạt được điều này trong ngắn hạn. Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), chiến lược trọng tâm của Việt Nam lúc này là tham gia sâu hơn để trở thành "mắt xích không thể thiếu" trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, cơ hội đã đến trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ. Bắt đầu từ xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc khi các quốc gia tìm cách giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc, tiếp đến là đại dịch Covid-19 được coi như nhân tố kích thích, giúp quá trình này diễn ra nhanh hơn nhằm phân tán và giảm rủi ro. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ kéo theo dịch chuyển đầu tư, qua đó định hình lại các chuỗi giá trị. Việt Nam với vị trí địa lý thuận lợi, tình hình kinh tế-chính trị ổn định được đánh giá có nhiều lợi thế để đón đầu dòng dịch chuyển này.

Khi chúng tôi đang tìm kiếm thông tin cho bài viết này, một lãnh đạo của Cục Công nghiệp hồ hởi thông báo, một số hãng ô-tô của Nhật Bản, Hàn Quốc đang lên kế hoạch nâng cấp Việt Nam trong chuỗi giá trị của họ. "Chúng ta đang ở cấp 4, cấp 5, nhưng sắp tới sẽ tiến lên cấp 2 và thậm chí tiến cao hơn nữa trong chuỗi giá trị của các hãng ô-tô lớn. Việt Nam đang có cơ hội lớn để tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu", vị lãnh đạo này khẳng định. Tuy nhiên, quan trọng là phải tận dụng hiệu quả thời cơ trước mắt và giải pháp trọng tâm, theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Ngô Khải Hoàn, phải phát triển công nghiệp hỗ trợ để từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước; từ đó, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt. Không những vậy, đây còn là "thỏi nam châm" hấp thu khoa học-công nghệ, trình độ kỹ thuật, quản trị tiên tiến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để biến thành động lực giúp nâng cao năng lực sản xuất trong nước, khẳng định vững chắc hơn vị thế trong các chuỗi giá trị. Trên thế giới, không ít quốc gia, vùng lãnh thổ đã thành công đi lên từ công nghiệp hỗ trợ để giờ đây nắm giữ chuỗi cung ứng, điển hình là Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Nhằm đẩy nhanh quá trình hấp thu ngoại lực của công nghiệp hỗ trợ, cần xem lại cách ứng xử với khu vực FDI. Theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, mục tiêu quan trọng nhất của thu hút vốn ngoại là tạo hiệu ứng lan tỏa, nhưng sự liên kết, tương tác giữa FDI với khu vực kinh tế trong nước đến nay vẫn thiếu chặt chẽ, sức lan tỏa về năng suất và công nghệ hạn chế. Các dự án FDI cũng chưa đóng góp nhiều vào việc gắn kết nền kinh tế trong nước với chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, song song với việc trao cơ hội đầu tư, cần có những điều kiện đi kèm để thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ cũng như thắt chặt hơn mối liên kết giữa dòng vốn ngoại với khu vực trong nước, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Ở chiều ngược lại, công nghiệp hỗ trợ phát triển cũng là yếu tố quan trọng để giữ chân FDI. Dòng vốn ngoại sẽ chỉ gắn bó lâu dài ở nơi có hệ thống cung ứng nội địa hoàn thiện, giúp họ giảm phụ thuộc vào các nguồn nhập khẩu với chi phí cao cũng như hạn chế ảnh hưởng từ các biến động bên ngoài.

(Còn nữa)

 

Theo baonhandan.vn