(BĐT) - Nhiều tổ chức tài chính quốc tế như: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); Ngân hàng United Oversea Bank… vừa đưa ra những dự đoán tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 và có khả năng đạt mức cao hơn (trên 7%) vào năm 2022. Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi rõ nét.
 
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

85% DN đánh giá xu hướng kinh doanh tốt lên

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, có 85,1% số DN đánh giá xu hướng tốt lên và ổn định trong quý II/2021. Trong đó, 51% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên và 34,1% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Cụ thể, về khối lượng sản xuất, kết quả khảo sát cho thấy, có 52% số DN dự báo khối lượng sản xuất quý II sẽ tăng hơn so với quý I/2021. Về đơn hàng, có 47,5% số DN dự kiến có đơn hàng tăng lên; 39,1% số DN dự kiến có đơn hàng ổn định. Tương tự, về đơn đặt hàng xuất khẩu cho thấy có có 37,5% số DN dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 47,5% số DN dự kiến ổn định...

Bộ Công Thương vừa cho biết, trong quý I/2021, kinh tế trong nước tiếp đà phục hồi và tăng trưởng tích cực từ quý IV/2020. Trong quý I, ngành công nghiệp tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; ngành dệt may, da giày đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn; ngành thép dự kiến có sự tăng trưởng tốt…

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty CP Thang máy Thiên Nam cho rằng, đến thời điểm này, dấu hiệu phục hồi sản xuất kinh doanh của nhiều DN, trong đó có Thang máy Thiên Nam rõ nét hơn. Hoạt động sản xuất kinh doanh có xu hướng sôi động trở lại. Trên các công trường xây dựng, nhiều công trình đã được khởi động sau một thời gian trầm lắng…

“Lượng hợp đồng của Công ty trong tháng 3/2021 bằng cả 2 tháng đầu năm (tháng 1 và 2/2021) cộng lại. Với tín hiệu này, mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2021 của Thang máy Thiên Nam sẽ không quá khó khăn”, đại diện Thang máy Thiên Nam bày tỏ.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, hoạt động xuất khẩu gạo của DN sang các thị trường, trong đó có thị trường Liên minh châu Âu (EU) đang rất khả quan. Theo ông Bình, mặc dù đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhưng kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (tháng 8/2020), xuất khẩu gạo của Trung An sang EU đang rất tốt.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, trong quý I/2021, số DN thành lập mới là 29.300 DN. Đặc biệt, quý này cũng chứng kiến có 14.738 DN quay trở lại hoạt động, trong đó, riêng tháng 3/2021 có tới 4.529 DN, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2020.

 

“Tiếp sức” cho DN phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh

Trước tín hiệu hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi ngày càng rõ nét, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021, Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh, thời gian tới, các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống, kiểm soát đại dịch Covid -19 vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Đồng thời, chú trọng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ kịp thời DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo đó, Chính phủ nêu rõ nhiệm vụ đối với từng bộ, ngành, địa phương để đảm bảo quá trình hồi phục, phát triển sản xuất kinh doanh của DN “trơn tru”. Cụ thể, cần tiếp tục tập trung, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các dự án trọng điểm; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; chủ động triển khai kịp thời các giải pháp để thu hút và tận dụng hiệu quả làn sóng dịch chuyển đầu tư… Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Triển khai các giải pháp cụ thể, hiệu quả hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ DN kết nối qua các nền tảng số, các nền tảng thương mại điện tử lớn cũng như tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời hỗ trợ DN ứng phó với các rào cản, vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Dưới góc nhìn DN, đại diện Công ty CP Thang máy Thiên Nam mong muốn các chủ đầu tư/bên mời thầu chú trọng hơn nữa đến việc sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được vào trong các gói thầu/dự án sử dụng vốn nhà nước. Bởi theo công ty này, hiện nhiều hàng hóa, vật tư, thiết bị sản xuất trong nước có tiêu chuẩn chất lượng tốt, có thể đáp ứng yêu cầu của bên mua.

Chung nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp tối đa hóa hỗ trợ để thị trường hoạt động trở lại bình thường nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

“Đặc biệt, để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh của DN, Chính phủ mới cần tăng tốc hơn nữa việc thực thi các cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đặt ra trong Nghị quyết số 02 đảm bảo đúng mục tiêu, đúng thời hạn”, ông Hiếu mong muốn.