VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Phải quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu doanh nghiệp

24/03/2021 - 269 Lượt xem

 

 

Cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (ảnh minh họa). Ảnh: Cao Nguyên

 
Cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (ảnh minh họa). Ảnh: Cao Nguyên

Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Theo các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn tiếp theo, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của DNNN, để khối kinh tế này tiếp tục khẳng định vai trò “đầu tàu” trong nền kinh tế.

Kỳ vọng doanh nghiệp “đầu đàn”

Trong dự thảo Đề án cơ cấu lại DNNN trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025 đã chỉ rõ, phải thực hiện nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN để có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương với các nước trong khu vực.

Đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp, gắn chiến lược phát triển của DNNN với chiến lược phát triển của ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế, để DNNN trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, dẫn dắt các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác cùng phát triển...

Thực hiện các biện pháp sắp xếp, cơ cấu lại, đổi mới hệ thống DNNN theo hướng có cơ cấu hợp lý, hình thức hoạt động phù hợp với thông lệ quốc tế.

Dự thảo đặt ra những mục tiêu cần đạt được. Trước hết là hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN. Xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của giai đoạn 2011-2020 theo hướng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng ngừng hoạt động, thua lỗ kéo dài, thất thoát vốn nhà nước…

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cơ cấu lại DNNN. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN theo hình thức chủ yếu là cổ phần hóa, thoái vốn các DNNN, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, sẽ triển khai củng cố mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cơ cấu lại của các DNNN.

Tăng cường phân cấp, ủy quyền cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị các tập đoàn, tổng công ty. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ hoặc có các dự án kinh doanh thua lỗ, chậm tiến độ, kém hiệu quả...

Về lâu dài, các doanh nghiệp cần xác định rõ ngành nghề, định hướng kinh doanh trong giai đoạn tới để đón đầu những thay đổi về chuỗi cung ứng, sản xuất trong khu vực và thế giới, áp dụng chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp...

Trong giai đoạn 2021-2025, sẽ tăng cường công khai, minh bạch thông tin đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước, đảm bảo cho mọi đối tượng quan tâm có thể dễ theo dõi, giám sát. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ… trong việc phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, tổ chức và giám sát việc triển khai thực hiện có hiệu quả phương án được duyệt...

Tạo sự cạnh tranh

Về vấn đề cơ cấu lại DNNN và để doanh nghiệp trở thành “cánh chim đầu đàn”, trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là hoạt động rất cần thiết nhằm giải phóng nguồn lực mà DNNN đang nắm giữ, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do COVID-19 hiện nay.

Cũng theo bà Lan, nhiều DNNN nắm giữ khối lượng tài sản, tài nguyên lớn của đất nước, cả về tài chính, con người đến đất đai... nhưng chưa được tận dụng hết, khiến lợi ích thu về thấp hoặc rất thấp, thậm chí là thua lỗ. Cho nên việc phân bổ lại nguồn lực là cấp thiết cho tái cơ cấu nền kinh tế. Đây không phải câu chuyện của riêng doanh nghiệp, bộ, ngành mà là vấn đề của cả đất nước.

Về giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, bà Phạm Chi Lan đề xuất các cấp chính quyền cần "xắn tay" vào cuộc để xem nguyên nhân cụ thể mà doanh nghiệp đang gặp phải. Nếu vướng mắc nằm trong phạm vi có thể giải quyết được thì bố trí giải quyết ngay.

Bà Lan cũng nhấn mạnh nhà nước cần xây dựng pháp chế rõ ràng, cần phải quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu doanh nghiệp để xảy ra tình trạng chậm cổ phần hóa. Để có những doanh nghiệp “đầu đàn”, doanh nghiệp “khổng lồ” cần phải tạo ra sự cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp.

Tại cuộc họp về Đề án phát triển DNNN quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, vai trò của DNNN phải thực sự là những con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa khu vực doanh nghiệp khác.

Trong khi đó ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các mục tiêu của Đề án là củng cố, phát triển một số DNNN đóng vai trò dẫn dắt, mở đường, kết nối được với khu vực doanh nghiệp tư nhân; làm chủ được công nghệ; hình thành các chuỗi đổi mới sáng tạo…

Ông Hùng giải thích, “có tính chất mở đường” được hiểu là theo nghĩa là hướng đến các ngành, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; còn “dẫn dắt” theo nghĩa là hướng đến các ngành hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với sự tham gia của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững.

 

Theo báo laodong.vn