VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Thực hiện mục tiêu Đại hội XIII đề ra: Chìa khóa tăng trưởng vẫn là phân bổ nguồn lực hiệu quả

26/01/2021 - 345 Lượt xem

 

Năm 2021, việc xác định chìa khóa tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng để đất nước thực hiện thành công mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đề ra.
 

Các dự báo kinh tế năm 2021 - được coi là năm hấp thụ các cú sốc và là thời điểm nền kinh tế thế giới tái ổn định ở trạng thái cân bằng mới - sẽ tác động lớn tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế cả giai đoạn 5 năm, 10 năm tới.

 

Dây chuyền sản xuất linh kiện phụ trợ của Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (HPC)	ảnh: đức thanh
Dây chuyền sản xuất linh kiện phụ trợ của Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (HPC). Ảnh: Đức Thanh

 

Khuyến nghị thận trọng

Một tuần trước khi Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra, Viện Kinh tế Việt Nam công bố Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2020 cùng các kịch bản cho năm 2021. Đây là lần đầu tiên, Viện công bố báo cáo này, dù hàng năm vẫn nghiên cứu.

Đây là một báo cáo đặc biệt, không chỉ nói về năm 2021, mà là năm đầu của kế hoạch 5 năm, năm đầu của chiến lược 10 năm. Đây cũng là thời điểm các chiến lược phát triển kinh tế sẽ được bàn thảo, quyết định.

“Chúng tôi muốn cung cấp thêm các mô hình nghiên cứu, thông tin, dữ liệu để xem lúc này, chúng ta có thể đi nhanh hơn không, có thể bàn tới các yếu tố đổi mới, sáng tạo của giai đoạn III của nấc thang phát triển (mức cao nhất theo Diễn đàn Kinh tế thế giới), khi nền kinh tế Việt Nam mới đang chuyển từ giai đoạn I lên giai đoạn II”, PGS-TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam làm rõ.

Quan điểm của ông Tuấn là có thể, nhưng phải đánh giá kỹ tình hình năm 2020 và dự báo năm 2021 vì những yếu tố đặc biệt do Covid-19.

Nếu nhìn vào các kịch bản tăng trưởng GDP, thì dự báo của Viện Kinh tế Việt Nam có mức thấp nhất so với các dự báo được công bố từ đầu năm tới nay. Theo đó, phương án cơ sở được chọn là GDP sẽ tăng trưởng khoảng 5,49%, 2 kịch bản còn lại là 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp).

Phần lớn các dự báo của tổ chức quốc tế và cả chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đã đề ra tương ứng với kịch bản cao trong mô hình của Viện Kinh tế Việt Nam, khi mà kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá dầu ổn định hỗ trợ tăng trưởng và nền kinh tế nội địa cải thiện được khả năng hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

“Hàm ý chính sách quan trọng chúng tôi muốn nhấn mạnh là không nên quá lạc quan trong bối cảnh biến động quá nhanh, quá khó đoán định”, ông Tuấn phân tích.

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ quan điểm này khi phân tích “cái lý” của thắng lợi kép của Việt Nam trong năm 2020. Theo ông Thiên, có 3 lý do chính: ổn định kinh tế vĩ mô, đã được duy trì kiên định suốt 3 năm qua, tạo đà cho khôi phục tăng trưởng, niềm tin kinh doanh; sức khỏe của doanh nghiệp đã được tích lũy khá tốt trong thời gian qua; cơ chế “chống dịch như chống giặc” đạt được kết quả tốt.

“Nhưng câu hỏi là các trung tâm tăng trưởng như TP.HCM, Đà Nẵng..., các doanh nghiệp và cả nền kinh tế sẽ đứng dậy thế nào sau đây? Đầu tư nhà nước tăng lên vì cơ chế chính sách hay vì hành chính. Doanh nghiệp cũng yếu đi nhiều”, ông Thiên chia sẻ và cho rằng, các cấu trúc kinh tế sẽ phải được nhìn nhận trong bối cảnh mới.

Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 làm cho nền kinh tế rơi vào mức độ bất ổn lớn hơn. Nợ công, nợ nước ngoài gia tăng; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài quốc gia/xuất khẩu cũng gia tăng; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng có xu hướng tăng... Các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng (ICOR, Năng suất nhân tố tổng hợp - TFP, năng suất lao động) giảm. Hệ số ICOR tăng từ 6,08 năm 2019 lên 14,28 năm 2020...

Đặc biệt, TS. Lý Đại Hùng, Trưởng phòng Phòng Kinh tế vĩ mô và thể chế kinh tế (Viện Kinh tế Việt Nam) cũng nhắc đến sức bật của nền kinh tế đang được dự báo rất lớn, khoảng 8-9% khi so dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 với năm 2020.

“Có thể thấy, năm 2021 sẽ là năm hấp thụ các cú sốc và là thời điểm nền kinh tế thế giới tái ổn định ở trạng thái cân bằng mới. Năm 2022 sẽ bắt đầu vào chu kỳ phát triển mới của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong dự báo của Ngân hàng Thế giới, có vẻ như Việt Nam sẽ tiệm cận mức trung bình tăng trưởng dài hạn vào năm 2021 và sẽ giảm xuống vào năm 2022. Đây cũng là dự báo cần được phân tích”, TS. Hùng đề xuất.

.
.

Ưu tiên cải thiện hiệu quả

Là chuyên gia tham gia Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng, ông Nguyễn Đình Cung nắm rõ những điểm mới trong Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Ông muốn nhắc đến chủ đề của Chiến lược, đó là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Cụ thể, đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo đó, mục tiêu đề ra của giai đoạn này là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7%/năm; GDP bình quân đạt 7.500 USD/người vào năm 2030; tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo đạt khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt 30% GDP; tổng mức đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP, nợ công không quá 60% GDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt trên 6,5%/năm...

“Vấn đề là sẽ cần ưu tiên làm gì để đạt được các chỉ tiêu trên trong bối cảnh đang có nhiều biến động. Chúng ta phải xác định điều này để có được định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế trong giai đoạn tới, cũng để làm rõ điểm mới trong quan điểm phát triển thứ hai, đó là lấy cải cách, nâng cao chất lượng... là yếu tố quyết định thúc đẩy phát triển đất nước”, ông Cung đề xuất.

Đồng tình với ông Thiên về việc cần đánh giá sự sụt giảm trong tăng trưởng của các trung tâm kinh tế, các vùng động lực kinh tế trong năm 2020, ông Cung cho rằng, cần phải thay đổi cách thức để thúc đẩy tăng trưởng các khu vực này.

“Sẽ thúc đẩy tăng trưởng các vùng động lực gắn với chuyển đổi mô hình tăng tưởng ngay tại các vùng đó. Nghĩa là tư duy về chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải thay đổi căn bản, từ đó kéo theo cơ chế, chính sách để thực hiện”, ông Cung nói.

Ví dụ, việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp đang mất năng lực cạnh tranh, không còn phù hợp với xu thế phát triển sẽ phải thực hiện gắn với chuyển dịch, chuyển đổi, thậm chí là chấp nhận xóa sổ các doanh nghiệp, các khu công nghiệp đang có các ngành đó, để có không gian, nguồn lực cho các ngành công nghiệp mới.

Cùng với đó, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư cũng gắn với mô hình tăng trưởng mới của vùng động lực, để thực hiện được các chuyển dịch trên.

“Nếu cách làm cũ, tái cơ cấu, nhưng không gắn với chuyển dịch mục đích sử dụng đất, thay đổi cơ cấu kinh tế của các vùng kinh tế động lực, không chỉ lãng phí nguồn lực, mà quan trọng là không có cơ hội cho đổi mới cơ cấu kinh tế. Vì các vùng này không còn đất cho các ngành công nghiệp mới”, ông Cung phân tích.

Nguyên tắc của đề xuất này là kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn tập trung vào cải thiện hiệu quả và đây là cách có thể thực hiện ngay. Hơn thế, việc phân bổ lại nguồn lực theo hướng tập trung vào hiệu quả, dựa trên nguyên tắc thị trường, thay vì trải đều cho các địa phương, sẽ tạo nên động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của các trung tâm kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Cùng với đó, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ là một chìa khóa trong phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực, theo đúng nguyên tắc thị trường. Khi đó, cả nông dân, nông thôn và nông nghiệp cũng sẽ bùng lên...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn không gian để phát triển về lượng, nhất là trong giai đoạn dân số vàng 10 năm tới, nên không thể bỏ lỡ. Tất nhiên, gia tăng số lượng trên cơ sở nâng cao hiệu quả và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo để mở rộng đường tiềm năng.

“Nhưng thời điểm này, tôi muốn nhấn mạnh nhiều hơn ở hiệu quả”, ông Cung nói.

5 khuyến nghị chính về kinh tế 2021 của Viện Kinh tế Việt Nam

Một là, cần nhận diện rõ hơn và cần trả lời rõ hơn câu hỏi các yếu tố đã giúp Việt Nam thành công trong việc đạt mục tiêu kép năm 2020 có còn được tiếp tục duy trì không trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Hai là, cần tránh chủ quan cho rằng, Việt Nam đang ở nhóm tăng trưởng cao nhất thì có nghĩa là nhiều vấn đề về cơ cấu và chất lượng tăng trưởng đã được giải quyết, mà trái lại, các điểm nghẽn vẫn cần phải được tập trung tháo gỡ một cách quyết liệt.

Ba là, cần phải thay đổi tư duy, biến công nghệ thông tin và chuyển đổi số là cú hích quan trọng và là trụ cột nền tảng để nâng đỡ quá trình phục hồi, tăng cường năng lực chống chịu và cải thiện chất lượng tăng trưởng theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững.

Bốn là, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học công nghệ và tiệm cận dần giai đoạn của đổi mới sáng tạo, một số lĩnh vực có thể bước cùng với các nước đã đi trước (công nghệ 5G, chuyển đổi số, công nghệ nano…). Đây là cơ hội hiếm có để thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.

Năm là, đổi mới tư duy và đổi mới thể chế chính sách theo hướng tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ và huy động sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước là yếu tố quan trọng bậc nhất cho khoa học, công nghệ để phát triển cũng như huy động được nguồn lực cần thiết cho đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó cần có những thử nghiệm đột phá về thể chế, chính sách.

 

Theo baodautu.vn