VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Điểm sáng và điểm gợn trong pháp luật về kinh doanh

15/01/2021 - 285 Lượt xem

 

(BĐT) - Tại Hội thảo công bố Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh tổ chức ngày 12/1, tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, giai đoạn 2016 - 2020, pháp luật về kinh doanh đã có nhiều điểm sáng, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp (DN). Tuy vậy, “tư duy cũ” vẫn còn thấp thoáng trong hoạch định chính sách, một số quy định pháp luật chưa khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế đa ngành.
 
Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đơn vị thực hiện Báo cáo cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, các cơ quan Trung ương đã ban hành tổng cộng 71 luật, 745 quy định, 232 quyết định của Thủ tướng và 2.422 thông tư và nhiều văn bản khác. Đặc biệt, trong đó có các đạo luật quan trọng, tác động lớn đến cộng đồng DN và được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh nước ta. Đó là Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Luật Đầu tư 2020 đã giải quyết phần lớn những mâu thuẫn, chồng chéo trong trình tự thủ tục đầu tư giữa Luật này và các luật chuyên ngành khác - đây là vấn đề bức xúc do cộng đồng DN phản ánh năm 2019. Bên cạnh đó, Luật này cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến ưu đãi đầu tư nhằm đảm bảo tính đồng bộ giữa các văn bản pháp luật cùng quy định về vấn đề này. Liên quan đến ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Luật cũng tiếp tục bãi bỏ thêm một số ngành, nghề.

Với Luật DN 2020, Luật tiếp tục có những bước cải cách quan trọng trong các thủ tục liên quan đến đăng ký DN; quy định mới về DNNN; sửa đổi một số quy định liên quan đến quản lý DN, nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ tốt và phổ biến.

Đối với Luật PPP, ông Tuấn cho biết, đây là luật mới, nâng cấp đầu tư theo phương thức đối tác công tư từ cấp nghị định lên thành luật, được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn, từ đó giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro cũng như tăng tính hấp dẫn cho các dự án đầu tư, đảm bảo thực hiện dự án thành công.

Bên lề Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) đánh giá: “Năm 2020, Chính phủ, Quốc hội đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh liên quan đến cải thiện thể chế chính sách. Bằng chứng là chúng ta có rất nhiều sửa đổi, bổ sung chính sách về xây dựng, đất đai, đầu tư…, tháo gỡ nhiều vướng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, DN”.

Nhìn về các quy định về khởi sự kinh doanh, Báo cáo nhận xét, năm 2020, Chính phủ đã soạn thảo và ban hành các văn bản có tính chất thúc đẩy hoạt động khởi sự kinh doanh, góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy khởi nghiệp.

Cũng trong năm 2020, theo VCCI, khi kinh tế thế giới và Việt Nam bị “phủ bóng” bởi dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân và DN nhằm khắc phục những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Các chính sách này đã góp phần tháo gỡ khó khăn một cách đáng kể cho các ngành, nghề dễ bị tổn thương.

Nhưng vẫn còn những “điểm gợn”

 

Bên cạnh những điểm sáng tích cực trong pháp luật về kinh doanh, VCCI cho rằng, một số văn bản đã được soạn thảo/ban hành trong năm 2020 vẫn còn thấp thoáng của “tư duy cũ”, áp đặt các biện pháp quản lý khắt khe quá mức cần thiết; chưa tạo hành lang pháp lý cho các DN dân doanh hoạt động hay thủ tục hành chính còn chưa minh bạch.

Dẫn chứng cho đánh giá này, Trưởng ban Pháp chế VCCI chỉ ra, theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ chế quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu là cấp phép cho từng hoạt động. Cơ chế này có thể là hợp lý, bởi đối tượng cần quản lý ở đây là từng hoạt động/sự kiện nghệ thuật cụ thể (chương trình biểu diễn nghệ thuật, tổ chức thi người đẹp, người mẫu, thời trang) nhằm xem xét các hoạt động này có nội dung vi phạm các chuẩn mực đạo đức, truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục hay không. Cuối năm 2019, đầu năm 2020, Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thay thế Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP đã được soạn thảo, trong đó, thay đổi cơ chế quản lý đối với hoạt động kinh doanh này. Bên cạnh cơ chế quản lý theo hoạt động như hiện tại, Dự thảo đã bổ sung thêm cơ chế quản lý theo chủ thể kinh doanh bằng bổ sung thêm quy định về điều kiện kinh doanh của các chủ thể kinh doanh.

“Biện pháp quản lý này là chặt chẽ quá mức cần thiết, không phục vụ gì cho mục tiêu quản lý, sẽ tạo rào cản đáng kể cho các chủ thể muốn kinh doanh trong lĩnh vực này”, ông Tuấn bày tỏ.

Ở lĩnh vực giao thông đường bộ cũng đang có xu hướng thắt chặt hơn các biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải. Sau hơn 10 năm triển khai, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ đang được sửa đổi thay thế Luật năm 2008, trong đó có sửa các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách. Đáng nói, Dự thảo lại bổ sung thêm một điều kiện khá quan trọng đó là lái xe kinh doanh vận tải ngoài giấy phép lái xe thì phải có chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải. “Đây là loại giấy phép mới có nguy cơ tăng thủ tục xin - cho không cần thiết và trùng lặp về mục tiêu quản lý”.

Chưa kể, trong năm 2020, biện pháp quản lý có tính chất can thiệp vào thị trường vẫn còn thấp thoáng trong một số văn bản được soạn thảo. Nhà nước vẫn “đóng” cho những cơ chế đáng lẽ ra là nên “mở”.

Liên quan đến hoạt động kiểm tra, ông Tuấn nói: “Chưa được minh bạch hóa”. Pháp luật Việt Nam đã có Luật Thanh tra quy định về hoạt động thanh tra DN, qua đó giúp tránh sự tùy tiện hoặc lạm quyền của nhiều cơ quan, cán bộ đối với DN. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra hiện vẫn còn có sự trùng lặp giữa việc thanh tra và kiểm tra DN. Tình trạng nhiều cơ quan quản lý nhà nước lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu DN vẫn diễn ra. Một số quy định pháp luật chưa khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành.

Để “dòng chảy” pháp luật kinh doanh không còn những “điểm gợn”, “tạp chất” cản trở sự phát triển của DN, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu thay đổi tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng: Thị trường, thị trường và thị trường hơn; cạnh tranh, cạnh tranh và cạnh tranh hơn. “Nếu không tư duy theo hướng này thì sẽ là làm luật để quản lý và sẽ tiếp tục quanh quẩn là tư duy chồng chéo. Nếu nay làm luật theo cách cũ thì không thể tận dụng được các cơ hội lớn từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có chuyển đổi số”, ông Cung nhấn mạnh.

Một số ý kiến khác lại nhấn mạnh đến sự ổn định của các chính sách pháp luật, thực thi hiệu quả chính sách pháp luật được ban hành với việc hiểu đúng về chính sách…

 

Theo baodauthau