VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Phát huy vai trò kiểm toán, lấp lỗ hổng trong cổ phần hoá DNNN

27/11/2020 - 324 Lượt xem

 

(Chinhphu.vn) – Ngày 24/11, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.

Còn lỗ hổng bị “lợi ích nhóm” khai thác

Tại Hội thảo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (KTNN) Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh, DNNN đang là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, cũng như thực hiện các chính sách xã hội.

Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng KTNN cho rằng, việc cơ cấu lại DNNN và thoái vốn nhà nước triển khai còn chậm. Quá trình cổ phần hóa còn có nhiều vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được giải quyết, nhất là các vấn đề liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản vô hình... Còn nhiều bất cập, tồn tại, tình trạng quản lý sử dụng đất lỏng lẻo, sơ hở, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa đã làm sai lệch mục tiêu tăng trưởng, năng lực phát triển của doanh nghiệp sau cổ phần hóa…

Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên phát biểu. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Trong khi đó, trách nhiệm của người quản lý của không ít DNNN còn chồng chéo, chưa rõ ràng. Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu nhà nước chưa thật rõ ràng và phù hợp. Khung pháp lý cho các DN trong quá trình cổ phần hóa và hậu cổ phần hóa chưa được hoàn thiện, thiếu minh bạch về thông tin, số liệu, đặc biệt là việc xác định chính xác giá trị DN, việc thực hiện mục tiêu phát triển sau cổ phần hóa.

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, chúng ta đã thoái được 899 tỉ đồng, thu về 1.845 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc thoái vốn, cổ phần hoá vẫn còn chậm và chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, có những tập đoàn, công ty lớn đang tiến hành thoái vốn như VNPT, TKV, Mobifone... có tình hình tài chính rất phức tạp, nhiều tài sản không nằm trong quy định của pháp luật để xác định giá trị, một số tài sản không thể định giá được, nhất là vấn đề đất đai. 

Bên cạnh những DN sai phạm lại có không ít nơi việc chậm thoái vốn còn do hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn, vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện.

 

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN.Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Còn đại diện Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) cũng nêu lên thực tế khiến việc thoái vốn, cổ phần hoá còn chậm chạp do xác định giá trị tài sản còn có trường hợp không chính xác, có sai sót... dẫn đến xác định sai lệch giá trị DN để cổ phần hoá.

Đại diện KTNN, các chuyên gia kinh tế cũng trao đổi về những nguyên nhân khiến việc cổ phần hoá chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, tình trạng cổ phần hóa chậm trễ một phần lớn là do thủ tục xác định giá trị đất đai mất nhiều thời gian. Quá trình cổ phần hóa DNNN đã cho thấy nhiều sai phạm trong xử lý đất đai, gây thất thoát tài sản nhà nước. 

“Trong nhiều trường hợp cổ phần hoá, DN tham gia mua cổ phần hoá chỉ vì đất, trong đó có những mảnh thuộc đất vàng, đất kim cương. Nhà đầu tư thường  nhắm vào các DNNN đất đai đặc biệt ở các vị trí đắc địa”, ông Vũ Đình Ánh thẳng thắn nhận định.

Sớm hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng

Ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN cho hay, là công cụ góp phần làm minh bạch tài chính,  KTNN đang tiếp tục tập trung vào kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế, trong đó có công tác kiểm toán xác định giá trị DN.

Cơ quan này đã đẩy mạnh công tác kiểm toán quá trình xác định giá trị DNNN trước cổ phần hóa, góp phần tích cực trong việc minh bạch hóa nền tài chính quốc gia, phòng chống tham nhũng, chống thất thoát tài sản công…

Cụ thể, từ năm 2017 cho đến nay, KTNN đã thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 của 16 doanh nghiệp. Kết quả kiểm toán cho thấy vẫn còn những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, định giá tài sản cố định...

KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng hơn 15.447 tỷ đồng.

 

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Ngoài ra, nếu áp dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu đối với 2 công ty đủ điều kiện định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu nhưng tổ chức tư vấn định giá chỉ sử dụng phương pháp tài sản, KTNN xác định giá trị vốn nhà nước tăng thêm so với phương pháp tài sản hơn 15.684 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, KTNN đã kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần tại 45 doanh nghiệp.

Hầu hết các đơn vị được kiểm toán đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ…Trong quá trình triển khai, KTNN nhận thấy, khung khổ pháp lý hướng dẫn công tác xác định giá trị DN còn nhiều bất cập liên quan đến các vấn đề xử lý tài chính, phương pháp xác định giá trị DN, xác định giá trị tài sản vô hình, xác định giá trị quyền sử dụng đất.

KTNN cần phát huy vai trò trong việc chống nguy cơ thất thoát đất công trong và sau quá trình cổ phần hoá DNNN là rất quan trọng. 

Thực tế, qua kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011- 2017, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều vấn đề trong sử dụng đất đai, nổi bật là vụ vi phạm Luật Đất đai, bán tài sản gắn liền với đất không qua đấu giá; phát hiện một số DN cổ phần có vốn nhà nước bán tài sản gắn liền với đất được thuê trả tiền hàng năm không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013…

Lãnh đạo KTNN cho rằng, việc phối hợp cung cấp tài liệu của một số cơ quan quản lý nhà nước, DNNN còn chưa tốt.

Trong khi đó, các loại hình DNNN được cổ phần hóa rất đa dạng, số lượng nhiều, có quy mô lớn trong khi lực lượng kiểm toán viên kiểm toán doanh nghiệp của KTNN còn ít.

Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho rằng, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đòi hỏi các đơn vị cần có phân tích, đánh giá, trao đổi những khó khăn, vướng mắc, phát huy vai trò của KTNN để lấp lỗ hổng trong quá trình cổ phần hóa, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng về cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả của DNNN.

Việc phát huy được vai trò của công tác kiểm toán sẽ xác định được đúng đắn giá trị DNNN, tránh dẫn đến tình trạng “lợi ích nhóm”.

“Cần khẩn trương khắc phục những điểm bất cập trong cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý hiện nay liên quan đến quá trình cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả của DNNN, đặc biệt là các phương pháp xác định giá trị DNNN trước cổ phần hóa liên quan đến quyền sử dụng đất, các ước tính kế toán, lợi thế thương mại, giá trị thương hiệu... “, ông Đoàn Xuân Tiên lưu ý.

 

Theo baochinhphu.vn