VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

VVS 2020: Thêm “cú hích” đổi mới sáng tạo

20/11/2020 - 312 Lượt xem

 

(BĐT) - Kinh tế Việt Nam được dự báo có thể đạt bước tiến lớn trong thập kỷ tới với đổi mới sáng tạo (ĐMST) là đòn bẩy quan trọng. Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp ĐMST Việt Nam 2020 (VVS 2020) với chủ đề: “Dịch chuyển số” sắp diễn ra tại Hà Nội được kỳ vọng tiếp tục tạo “cú hích” thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động ĐMST ở Việt Nam.

 

Đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra thế hệ doanh nghiệp Việt có trình độ cao, có hạ tầng công nghệ, kỹ thuật hiện đại và tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Song Lê

Đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra thế hệ doanh nghiệp Việt có trình độ cao, có hạ tầng công nghệ, kỹ thuật hiện đại và tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Song Lê

Kết quả đáng mừng

Đầu tháng 9/2020, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hợp quốc công bố Báo cáo Chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2020, trong đó ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc thúc đẩy hoat động ĐMST. Theo đó, Việt Nam xếp vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng, đứng đầu trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, so với năm 2019, các chỉ số thành phần trong Chỉ số ĐMST năm 2020 của Việt Nam đều tiến triển như: chỉ số về các sản phẩm sáng tạo tăng 9 bậc; chỉ số hợp tác viện, trường, doanh nghiệp tăng 10 bậc; chỉ số công bố bài báo khoa học và kỹ thuật tăng 13 bậc; năng lực hấp thụ tri thức tăng 13 bậc; chỉ số đầu vào tạo thuận lợi cho ĐMST tăng 1 bậc.

Theo Dự thảo Báo cáo sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam diễn ra khá sôi động. Nhiều chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST được ban hành. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế cũng như các nhà đầu tư đánh giá, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế trong cả đầu tư FDI và đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Báo cáo của TOPIA Founder Institutes năm 2018 cho thấy, các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp của Việt Nam đạt 889 triệu USD, cao gấp 3 lần so với năm 2017 (khoảng 291 triệu USD).

Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), trong năm 2019, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đã tăng đáng kể so với năm 2018. VSS 2019 đã thu hút hơn 130 quỹ đầu tư quốc tế và hơn 70 quỹ đầu tư trong nước; hơn 600 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp và hơn 40 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp tại Việt Nam tham dự. Về giá trị kết nối, tại VVS 2019, 18 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đã cam kết giá trị đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2021 đạt 425 triệu USD. Đến nay, số tiền đầu tư của các quỹ vào khởi nghiệp ĐMST Việt Nam đã đạt trên 50% số vốn cam kết mặc dù trải qua tình hình dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020.

Kết nối, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

TS. Nguyễn Việt Anh (Tập đoàn Simens Energy AG), một trong số 100 chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam tiêu biểu thuộc Mạng lưới ĐMST Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang có những chương trình hoạt động cụ thể để thúc đẩy ĐMST trong các lĩnh vực để nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế nhằm phát triển thành nước công nghiệp.

 

Dự kiến, VVS 2020 sẽ thu hút hơn 200 quỹ đầu tư, 400 doanh nghiệp khởi nghiệp, 40 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp tại Việt Nam tham dự. Ngoài ra, Diễn đàn còn có sự tham dự của hơn 50 trường đại học, học viện, cao đẳng; đại diện các tập đoàn, tổng công ty, các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại sứ quán tại Việt Nam; đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số địa phương...

 

Theo kết quả khảo sát của 50 quỹ đầu tư khu vực, Việt Nam đang là điểm đến hàng đầu trong 6 nền kinh tế khu vực ASEAN trong 12 tháng tới. Những lĩnh vực đầu tư được các quỹ đánh giá có sức hút trong thời gian tới là: giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tài chính… Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tiềm năng còn rất lớn.

Quỹ đầu tư Vinacapital nhận định, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm tới nếu như Việt Nam có thể tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hơn và thúc đẩy ĐMST mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, đầu tư mạo hiểm sẽ tạo ra thế hệ doanh nghiệp Việt có trình độ cao, có hạ tầng công nghệ, kỹ thuật hiện đại và tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại một cuộc họp trù bị công tác tổ chức VVS 2020 mới đây, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, đây là thời điểm thích hợp để kết nối các nhà đầu tư, các quỹ tài chính và các chủ thể hệ sinh thái ĐMST trong khu vực cũng như thế giới nhằm mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời khẳng định sự chủ động thu hút đầu tư ĐMST của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

 

Theo baodauthau.vn