VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Các nước OPEC+ đang đứng bên bờ khủng hoảng tài chính

22/10/2020 - 300 Lượt xem

 

Các nước trong nhóm OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ - OPEC, cộng các đối tác) đang bên bờ khủng hoảng tài chính nếu như những đánh giá mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là chính xác.
 
H oạt động khai thác dầu mỏ tại UAE. Ảnh: Getty Images
H oạt động khai thác dầu mỏ tại UAE. Ảnh: Getty Images

 

Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới (WEO) mới được cập nhật, IMF đưa ra đánh giá không mấy sáng sủa về khả năng phục hồi kinh tế ở Trung Đông và Trung Á, với dự báo GDP tăng trưởng âm 4,1% cho cả khu vực này. Nguyên nhân chính khiến dẫn đến triển vọng u ám này chính là việc IMF dự đoán giá dầu vẫn đứng ở mức thấp, dao động trong khoảng 40-50 USD/thùng trong năm 2021.

Việc giá dầu mỏ thấp kéo thêm một năm nữa sẽ ảnh hưởng mạnh đến những nước xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt, trong đó có tất cả các nước là thành viên của OPEC+. Trong tuyên bố của mình hồi tháng 4/2020, IMF dự báo kinh tế Trung Đông và Trung Á suy giảm 2,8% trong năm 2020. Mức chênh giữa hai lần cập nhật cho thấy tác động mạnh của giá dầu thấp đối với các nền kinh tế trong khu vực. 

Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông và Trung Á của IMF, ông Jihad Azour đặc biệt lưu ý về mức độ chênh lệch lớn về thiệt hại kinh tế giữa các nước xuất khẩu và nhập khẩu dầu khí khu vực này bị ảnh hưởng bởi đại dịch và giá dầu lao dốc.

Theo ông, kết hợp hai cú sốc đó đã dẫn đến sự suy giảm mạnh trong hoạt động kinh tế khác biệt giữa các nước xuất khẩu dầu và nhập khẩu dầu. IMF dự báo tăng trưởng âm 6,6% đối với các nước xuất khẩu dầu và tăng trưởng âm 1,3% cho tất cả các nước nhập khẩu.

Nguồn thu của đa phần các thành viên OPEC+ phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Một số nước trong OPEC đã gặp phải tình cảnh thâm hụt ngân sách lớn trong năm 2020, đặc biệt nghiêm trọng ở Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Iraq, Iran và Kuwait. Qatar, một cựu thành viên của OPEC, cũng gặp vấn đề tương tự, dù cố tìm cách giảm thiểu tác động tiêu cực thông qua tăng cường xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG).

Do cầu tiêu thụ của cả dầu mỏ, khí đốt đều giảm mạnh trong năm nay, giá xuất khẩu của hai mặt hàng này đều đứng ở mức thấp. Hiện dầu Brent biển Bắc vẫn thấp hơn khoảng 40% so với thời điểm trước khi COVID-19 xuất hiện.

Hầu như không có hy vọng giá sớm bật tăng mạnh, khi các kho chứa dầu mỏ, khí đốt vẫn đang đứng ở mức cao kỉ lục, trong khi nhu cầu yếu ớt sau một số vụ bùng phát COVID-19 mới ở nhiều nước, khiến nhiều chính phủ phải đóng cửa quy mô nhỏ, đi kèm đó là những lo lắng về suy thoái kinh tế. 

Thông thường, giá dầu để Saudi Arabia tiến tới điểm cân bằng ngân sách là 80 USD/thùng. Tuy nhiên, chính quyền nước này hiện đang thảo luận về ngân sách năm tài khóa 2021 với kích bản giá dầu ở mức 50 USD/thùng. Iraq cũng cho biết đây là mức giá mà nước này kỳ vọng cho năm 2021.

 

Theo baodautu.vn