VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Kinh tế thế giới đã qua thời điểm khó khăn nhất?

13/08/2020 - 331 Lượt xem

 

(TBKTSG) - Khi thông tin tăng trưởng GDP của Mỹ âm đến 32,9% trong quí 2-2020 được công bố, đi kèm theo số liệu xấu không kém của Đức và Nhật, nhiều nhà quản lý quỹ lớn đã đăng đàn “thở phào nhẹ nhõm” vì thị trường tài chính không có một đợt tháo chạy nào.

 

Phản ứng trước những tin tức xấu như vậy, mức sụt giảm 7-8% của thị trường cổ phiếu là chấp nhận được. Một số nhà kinh tế của các ngân hàng đầu tư lớn như JP Morgan mạnh dạn dự đoán kinh tế thế giới đã đi qua điểm khó khăn nhất. Jim Glassman, kinh tế gia của JP Morgan, cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục “bền vững” trong nửa cuối năm 2020, mặc dù vẫn sẽ có một số khu vực bị “đình trệ cục bộ”.

Sau “vực thẳm” của quí 2, nhiều người kỳ vọng các nền kinh tế lớn sẽ trở thành “bại binh phục hận”, với số liệu GDP quí 3 tăng trưởng trở lại 15-20%.

Thật ra với mức sụt giảm mạnh của quí 2, thì việc tăng trở lại 15-20% cũng chỉ là lấy lại phần nào đã mất. Tuy nhiên, một vài chuyên gia phân tích thị trường cho rằng điều đó không quan trọng. Điều cốt lõi là nhà đầu tư và các doanh nghiệp cảm thấy yên tâm khi nhìn thấy một đồ thị hồi phục “hơi giống chữ V”, mặc cho nó có phải là chữ V thật sự hay không. Lúc này, người ta cần những tia hy vọng để tránh một đợt suy giảm kinh tế do tâm lý bi quan gây ra.

Niềm hy vọng sẽ thúc đẩy kinh tế thế giới như thế nào?

Tuy không có thị trường việc làm của nền kinh tế chủ chốt nào cho thấy một sự hồi phục hình chữ V, nhưng chí ít, số liệu đăng tuyển việc làm mới ở đa số nền kinh tế đều đã tạo đáy và bắt đầu đi lên.

Hy vọng sẽ làm thay đổi chiến lược co cụm và phòng thủ của các công ty. Nhiều đại công ty đi vào chiến lược phòng thủ, “gom tiền mặt về cất”, không chia cổ tức, gia tăng vay nợ, sa thải hoặc cho nhân viên giãn việc, giảm chi phí để tăng thanh khoản, đảm bảo không rơi vào kiệt quệ tài chính. Điển hình là tập đoàn Disney đã cho gần 100.000 nhân viên nghỉ giãn việc (furloughed) trên toàn cầu, đang bắt đầu tính toán để cho một số nhân viên quay lại. Tại hội thảo trực tuyến với các chuyên gia phân tích của các ngân hàng lớn hôm 4-8, CFO Christine McCarthy của Disney phát biểu: “Chúng tôi đã cho nghỉ giãn việc 100.000 người, hiện đang nỗ lực cho họ đi làm lại ở hầu hết các công viên chủ đề”.

Những thay đổi này không chỉ được cảm nhận qua các phát biểu trong các cuộc hội thảo trực tuyến trong mùa công bố lợi nhuận của các đại công ty, mà còn có thể thấy được qua lượt người đi đến các khu vui chơi, giải trí ở các nước. Tháng 3-2020, số người đến các khu vui chơi, giải trí của Hy Lạp giảm đến 80% so với thời điểm đầu năm, nhưng vào tháng 7 đã cao hơn 13% so với đầu năm - một mức tăng ấn tượng, gần 100% nếu so sánh với thời điểm đỉnh dịch.

Không chỉ Hy Lạp, mà nhiều nền kinh tế châu Âu và Mỹ đều cho thấy mức hồi phục đáng lạc quan từ đáy tháng 3. Đa số các nền kinh tế này đều mất 60-90% số người đến các địa điểm vui chơi, giải trí. Tính từ mức đáy đó đến nay, nhiều nền kinh tế đã cho thấy mức tăng trưởng trở lại trên 100% như Thụy Điển và Hà Lan. Ngay cả những nơi chật vật kiểm soát dịch bệnh như Ấn Độ cũng cho thấy mức hồi phục hơn 30%. Số người đến các trung tâm bán lẻ cũng đã hồi phục từ mức giảm 80-90% hồi tháng 3, tháng 4 lên mức chỉ còn giảm 20-30% vào đầu tháng 8.

Không chỉ số liệu vui chơi, tiêu dùng, số liệu việc làm cũng đáng khích lệ. Mặc dù thị trường việc làm cho thấy một sự hồi phục chậm chạp hơn so với thị trường vui chơi, giải trí, người ta vẫn thấy được các nền kinh tế toàn cầu đã đi qua điểm xấu nhất. Tuy không có thị trường việc làm của nền kinh tế chủ chốt nào cho thấy một sự hồi phục hình chữ V, nhưng chí ít, số liệu đăng tuyển việc làm mới ở đa số nền kinh tế đều đã tạo đáy và bắt đầu đi lên (trừ trường hợp của thị trường Nhật Bản).

Thị trường việc làm tạo đáy là một tín hiệu vô cùng quan trọng, vì đây là xương sống để tạo đà hồi phục cho các hoạt động chi tiêu tiêu dùng, đồng thời phản ánh rằng các công ty đã bắt đầu tăng tuyển dụng, hướng đến việc mở rộng kinh doanh trở lại.

Nền kinh tế toàn cầu, vì vậy đã có thể nói là đã đi qua một điểm đáy và đi lên.

Liệu có đáy thứ hai?

Rủi ro đối với dự báo kinh tế thế giới đang đi vào tiến trình hồi phục chậm nhưng “bền vững” này nằm ở chỗ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại vào mùa Thu - Đông ở các nền kinh tế châu Âu và Mỹ. Diễn biến bùng phát dịch bệnh tại Úc vào thời điểm hiện tại và việc áp dụng một loạt biện pháp siết chặt giãn cách xã hội khẩn cấp vào thời điểm đang là mùa đông ở nước Úc đang phát đi một tín hiệu dự báo không tốt lành cho Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Canada và Nhật Bản, những nước dự kiến sẽ trải qua một mùa đông còn khắc nghiệt hơn cả Úc.

Mặc dù mối tương quan giữa thời tiết mùa đông và sự bùng phát dịch bệnh bị nghi ngờ trong thời gian gần đây, vì nhiều nước đang ở mùa hè vẫn tái bùng phát dịch, người ta có lý do để lo sợ rằng đợt bùng phát dịch mùa đông sẽ đáng ngại hơn nhiều; và vaccin có thể không kịp đến tay đa số người dân vào mùa đông (chưa kể nhiều chuyên gia đang cảnh báo đừng quá hy vọng vào hiệu quả của vaccin được thúc đẩy nhanh nhất trong lịch sử này).

Vì vậy, giới chuyên gia kinh tế vẫn thận trọng với dự báo liệu đáy nền kinh tế trong quí 2-2020 đã là đáy sâu nhất hay chưa? Ngay cả nếu nó là đáy sâu nhất của đợt suy thoái lần này, có thể quí 4-2020 lại là một đợt sụt giảm nữa, chứ không phải tiếp đà tăng trưởng kinh tế của quí 3-2020. Kinh tế toàn cầu vì vậy sẽ vẫn “trầy trật” khoảng 9-12 tháng nữa trong tiến trình hồi phục, bất kể đa số kinh tế gia đều đồng ý, quí 3-2020 sẽ là thời điểm chứng kiến một loạt “bại binh phục hận” trên khía cạnh số liệu kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp.

Lạm phát có trở lại?

Trong khi nhiều người quan tâm đến chuyện quí 4 có tạo một đáy mới đối với tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước hay không, những người khác lại quan tâm tới việc lạm phát sẽ tăng trở lại khi mà nhiều ngân hàng trung ương đang thực hiện chiến lược nới lỏng tiền tệ, bao gồm nới lỏng định lượng, “tiền trực thăng”, nói nôm na là “in tiền” và can thiệp vào thị trường tài chính, bơm thanh khoản, mua trái phiếu với quy mô chưa từng có, với lượng tài sản tài chính mua vào gấp 2-3 lần so với đợt can thiệp 2007-2009.

Hoạt động can thiệp này đã góp phần chặn đứng sự sụt giảm thanh khoản trên thị trường tài chính, và người ta không thấy dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng như năm 2007 trên cả thị trường tài chính và thị trường nhà ở Mỹ và châu Âu. Ngay cả ở Trung Quốc, nơi lần đầu tiên sau 20 năm đã bắt buộc phải cho một ngân hàng phá sản, thì tình trạng khủng hoảng thanh khoản và vỡ nợ ngân hàng cũng chưa xấu so với dự báo.

Nhưng cái giá phải trả cho chuyện nới lỏng tiền tệ, nới lỏng định lượng là nỗi lo lạm phát bật tăng trở lại sau dịch bệnh. Về mặt lý thuyết, có hai lực trái chiều đang tác động tới lạm phát. Ở chiều thúc đẩy tăng giá thì việc cung tiền tăng mạnh nhưng lượng hàng sản xuất sụt giảm do chuỗi cung ứng toàn cầu chưa hồi phục sẽ đẩy lạm phát tăng. Nhưng ở chiều ngược lại, tốc độ luân chuyển của tiền tệ có thể giảm do nhu cầu chi tiêu và hoạt động kinh tế sụt giảm mạnh sẽ kéo giảm lạm phát. Lực nào sẽ thắng là một câu hỏi chỉ có thời gian mới trả lời được. Nhưng nếu cho rằng do kinh tế đi xuống nên sẽ không thể có lạm phát cao là quá chủ quan.

Thật sự thì việc nhiều quỹ đầu tư quốc tế đang đổ tiền vào vàng cho thấy một số đang đặt cược vào khả năng lạm phát sẽ tăng cao ở một thời điểm nào đó sau dịch bệnh (nguyên nhân còn lại là họ lo sợ lãi suất sẽ ngày một âm ở nhiều nền kinh tế nên việc nắm giữ tiền mặt hay công cụ tài chính gần tiền mặt đã không còn hấp dẫn so với giữ vàng).

Hàm ý cho Việt Nam

Ở khía cạnh lạc quan, việc các nhà phân tích đánh giá kinh tế thế giới đã qua điểm đáy là một tín hiệu lạc quan. Sự hồi phục của kinh tế thế giới trong quí 3 sẽ có tác động quan trọng đến Việt Nam với tư cách một nền kinh tế mở và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Tuy dịch bệnh đã bùng phát lại ở Việt Nam, nhưng so với nhiều nước thì chúng ta vẫn an toàn hơn. Với chiến lược chống dịch nghiêm túc và quyết liệt của Chính phủ, nhiều khả năng Việt Nam sẽ để dịch bệnh vào vòng kiểm soát. Vì vậy, quí 3-2020 vẫn sẽ là một thời điểm bản lề mà Việt Nam cần tranh thủ để giành lấy những đơn hàng xuất khẩu sẽ dần quay lại.

Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị cho hai kịch bản xấu. Thứ nhất, đợt bùng dịch vào giai đoạn thu-đông của các nền kinh tế lớn trong khi vẫn chưa có vaccin. Thứ hai, khả năng lạm phát tăng trở lại. Với nhiều công ty lớn, lạm phát trở lại không hẳn là tin xấu nếu họ có thể kiểm soát chi phí đầu vào tăng chậm hơn mức giá đầu ra họ có thể bán. Nhưng với nhiều người dân đang vật lộn với khó khăn trong suốt năm qua, nó sẽ là một gánh nặng khủng khiếp.

 

 

Theo báo thesaigontimes.vn