VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin nổi bật

Hai đầu tàu kinh tế thế giới "bầm dập" vì Covid-19

04/08/2020 - 404 Lượt xem

 
"Bão" Covid-19 vùi dập Mỹ và Eurozone, đẩy hai đầu tàu kinh tế thế giới vào suy giảm nghiêm trọng nhất trong vài thập kỷ qua.
 

Nền kinh tế Eurozone trong quý II/2020 suy giảm kỷ lục 12,1% so với quý trước đó, theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu. Đây là mức giảm sâu nhất của Eurozone kể từ 1995. Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gồm 19 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sử dụng đồng Euro là đơn vị tiền tệ chính thức của mình.

Các nền kinh tế lớn của Eurozone cũng suy giảm đến 2 con số trong quý II do áp dụng các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19. Cụ thể, GDP của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - suy giảm 10,1%, trong khi kinh tế Italy và Pháp lần lượt giảm 12,4% và 13,8%. Lao dốc sâu nhất trong Eurozone là nền kinh tế Tây Ban Nha với mức giảm 18,5%.

Kinh tế Eurozone trước đó suy giảm 3,6% trong quý I/2020. Trong đó, GDP của Tây Ban Nha, Italy và Pháp điều giảm hơn 5%.

 

kinh tế Pháp suy giảm 13,8% trong quý II/2020. Trong ảnh: Khu vực Quảng trường Concorde vắng tanh hôm 30/3 - thời điểm áp dụng Paris (Pháp) áp dụng biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19. Ảnh: AFP
Kinh tế Pháp suy giảm 13,8% trong quý II/2020. Trong ảnh: Khu vực Quảng trường Concorde vắng tanh hôm 30/3 - thời điểm Paris (Pháp) áp dụng biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19. Ảnh: AFP

 

Nền kinh tế Eurozone lao dốc nghiêm trọng trong quý II/2020 trùng với thời điểm chính phủ các nước thành viên áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt chống Covid-19. Bất ổn vẫn đang bủa vây khu vực này khi số ca mắc Covid-19 tại nhiều thành viên của Eurozone vẫn tiếp tục tăng cao những tuần gần đây.

"Nhiều khu vực của kinh tế Eurozone đã trở lại bình thường trong vài tháng qua, nhưng dưới tác động hiện nay và sắp tới của dịch Covid-19, sức phục hồi của nền kinh tế này sẽ chậm lại", Andrew Kenningham, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Công ty phân tích kinh tế vĩ mô và tài chính Capital Economics nhận định.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu dự báo GDP tháng 6 của Eurozone ước giảm 8,7%, đồng thời kỳ vọng hoạt động kinh tế của khu vực này trong quý III/2020 sẽ phục hồi mạnh hơn so với nửa đầu năm.

Cơ quan Thống kê Eurozone (Eurostat) hôm 31/7 cho biết lạm phát của Eurozone đứng ở mức 0,4% trong tháng 7, tăng so với 0,3% của tháng 6.

Chính phủ các quốc gia trong Eurozone cho biết sẽ không đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế như trước. Một số quan chức cho hay, các quốc gia này sẵn sàng áp dụng thêm các quy định nghiêm ngặt đối với hoạt động tụ tập đông người cũng như các biện pháp giãn cách xã hội để tránh làn sóng nhiễm Covid-19 thứ 2.

Cũng do tác động của dịch Covid-19, kinh tế Mỹ trong quý II/2020 cũng suy giảm kỷ lục 32,9%, mức giảm sâu nhất kể từ trước đến nay và tiệm cận mức sụt giảm vào giữa năm 1921, theo số liệu công bố gần đây của chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, mức giảm 32,9% của kinh tế Mỹ chưa hẳn tệ so với mức giảm 34,7% mà các chuyên gia kinh tế dự báo với Dow Jones trước đó. Đại dịch hoành hành khiến tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ liên tục tăng cao. Số người thất nghiệp tại Mỹ tuần trước sát với dự báo và lên tới 1,434 triệu người, theo Bộ Lao động Mỹ.

 

Theo Baodautu.vn