VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng khoảng 7% vào năm 2021

03/08/2020 - 447 Lượt xem

 

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 31/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

 

Theo đó, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020 và dự báo tình hình trong nước, khu vực và thế giới trong giai đoạn tới; từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch năm 2021 phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển KT-XH 10 năm giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 là phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của cả nước tăng khoảng 7%. Ðối với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, căn cứ tình hình thực tế để xây dựng phương án tăng trưởng hợp lý và phù hợp; đề xuất một số chỉ tiêu cơ bản của bộ, ngành và địa phương cho năm 2021. Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 phải được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ hiện hành. Tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi các chính sách và thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới,... Phấn đấu dự toán thu nội địa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021 cả nước tăng khoảng 9 đến 11% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020. Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021 tăng bình quân khoảng 4 đến 6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020...

Chỉ thị cũng nêu rõ các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; tiếp tục xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân...

 

Theo Nhandan.com.vn