VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Kinh tế Việt Nam hậu COVID-19: Một số ưu tiên chính sách

20/07/2020 - 372 Lượt xem

 
Bnews Việt Nam vẫn cần phải tập trung cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới thể chế kinh tế theo hướng nâng cao khả năng chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế trong bối cảnh “bình thường mới”.
 
Công ty TNHH Công Nghiệp Nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina), Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, tổ chức lễ xuất hàng 2 cẩu trục RMQC siêu trường, siêu trọng đến cảng quốc tế Gemalink đặt tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.. Ảnh: Lê Ngọc Phước-TTXVN

 

Trước tác động của dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều thách thức trong 6 tháng cuối năm 2020. Để tìm hiểu rõ hơn về các thách thức cũng như kịch bản tăng trưởng và các gợi ý chính sách cho thời gian tới, BNEWS/TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

*Kịch bản nào cho tăng trưởng kinh tế năm 2020?

Trong 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, với triển vọng xấu đi rất nhanh. Đại dịch COVID-19 và các biện pháp phòng chống đã kéo theo hệ lụy nghiêm trọng chưa từng thấy đối với nhiều ngành, hoạt động kinh tế (như du lịch, giao thông vận tải, thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư, tài chính, v.v.). Nhiều tổ chức quốc tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020, với những đánh giá ở mức độ rất nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Tốc độ tăng GDP suy giảm còn 3,82% trong quý I, và 0,36% trong quý II (so với cùng kỳ năm 2019). Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng đạt 1,81%, thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Dù suy giảm mạnh, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước trên thế giới.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là mối lo ngại về sự bùng phát dịch lần thứ 2 hiện hữu ở một số các quốc gia, khu vực, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo 2 kịch bản tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam năm 2020. Theo đó, tăng trưởng có thể đạt mức 2,1% theo kịch bản 1, và 2,6% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo giảm 3,1% trong kịch bản 1 và giảm 1,9% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,7 tỷ USD và 2,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2020 lần lượt đạt 4,3% và 4,5%.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, kinh tế Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bao gồm tính khó đoán định của diễn biến dịch tại các nền kinh tế chủ chốt; tính dễ tổn thương của nền kinh tế do sự đứt gãy các chuỗi giá trị toàn cầu; việc duy trì sức sống cho cộng đồng doanh nghiệp, và các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

 

 

Tuy được đánh giá cao về kết quả phòng chống dịch và có cơ hội phục hồi kinh tế sớm, Việt Nam vẫn cần thận trọng trong đánh giá tình hình các tháng cuối năm, đồng thời thực hiện các nhóm giải pháp phù hợp để vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế, giữ mạch cải cách, và bảo đảm an sinh xã hội. Về mặt dài hạn, Việt Nam vẫn cần phải tập trung cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng nâng cao khả năng chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, xử lý hiệu quả những rủi ro – đặc biệt gắn với COVID-19 - trong bối cảnh “bình thường mới”.

*5 thách thức cho kinh tế Việt Nam

Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến khó lường trên thế giới điều này đặt ra nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam.

Một là, diễn biến dịch COVID-19 còn khó đoán định, đặc biệt tại các nền kinh tế chủ chốt, các đối tác thương mại – đầu tư quan trọng của Việt Nam. Thách thức càng khó khăn hơn khi Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhập khẩu, du lịch. Trong số 17 đối tác kinh tế và du lịch hàng đầu của Việt Nam (chiếm khoảng 80% về thương mại, 90% về đầu tư nước ngoài, 80% về du lịch), phần lớn khó có thể trở lại trạng thái bình thường mới trong nửa cuối năm 2020, thậm chí đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ hai.  

Hai là, sự đứt gãy các chuỗi giá trị toàn cầu do đại dịch COVID-19 làm bộc lộ rõ hơn tính dễ tổn thương của nền kinh tế. Nếu không được kiểm soát tốt, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu có thể khiến Việt Nam trở thành điểm đến của các cơ sở sản xuất công nghệ thấp, không thân thiện với môi trường.

 

 

Ba là, với trên 98% là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, việc duy trì sức sống cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh hậu COVID-19 cũng là một khó khăn, thách thức lớn. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân, dù được quan tâm và có nhiều thành tựu mới, vẫn còn nhiều hạn chế. Khảo sát của TCTK (tháng 5/2020) cho thấy những trở ngại không nhỏ của doanh nghiệp về tiếp cận thị trường đầu ra cũng như đầu vào, nguyên liệu cho sản xuất.

Bốn là, đại dịch COVID-19 cũng làm trầm trọng hơn các thách thức đối với an ninh của Việt Nam, cả ở khía cạnh truyền thống và phi truyền thống. Chẳng hạn, bảo đảm an ninh mạng trở nên thách thức hơn trong bối cảnh nhu cầu ứng dụng các nền tảng trên không gian mạng tăng cao. Xử lý hệ lụy từ tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, v.v. cũng trở nên khó khăn hơn (đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long), ảnh hưởng lớn tới an ninh lương thực, an ninh nguồn nước.

Năm là, đối đầu Mỹ - Trung Quốc diễn biến phức tạp, khó lường hơn trong bối cảnh hậu COVID-19, có thể kéo theo những bất định trong hợp tác thương mại và đầu tư ở thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, kinh tế Việt Nam có thể chịu những hệ lụy trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt là về xuất nhập khẩu và thu hút FDI.

*Một số định hướng chính sách

Một là, lưu tâm hơn đến đánh giá thiệt hại từ COVID-19 trên nhiều phương diện để từ đó xác định chính sách hỗ trợ kinh tế với quy mô, thời điểm, đối tượng phù hợp. Đảm bảo công khai, minh bạch thông tin và thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả, tránh gây ra tình trạng trục lợi chính sách, gây ảnh hưởng tới hiệu quả và niềm tin chính sách.

Hai là, ưu tiên hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhằm thúc đẩy nhanh hoạt động kinh tế, kích cầu và tăng cường sinh kế cho người dân. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, tận dụng cơ hội từ các FTA và khai thác tối đa thị trường trong nước. Tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập cảnh của chuyên gia, lao động kỹ thuật cao nước ngoài làm việc tại các dự án trọng điểm trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn an toàn phòng chống dịch.

Ba là, ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) cho các biện pháp tăng cường hệ thống y tế, phòng chống dịch, bảo đảm dịch vụ cơ bản và sinh kế cho các nhóm yếu thế. Rà soát, đánh giá các chương trình, chính sách hỗ trợ tài khóa đã triển khai.

Bốn là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công làm động lực cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19, đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2020. Tập trung vốn NSNN cho các dự án công trình trọng điểm, có sức lan tỏa lớn (cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp thông minh, đổi mới sáng tạo, v.v.). 

Năm là, chủ động chuẩn bị cho xu hướng dịch chuyển dòng vốn nước ngoài và chính sách điều chỉnh mạng sản xuất, chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn. Phát huy hiệu quả hơn vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong nghiên cứu các thực tiễn tốt của nước sở tại, từ đó đề xuất các chính sách ứng phó, phát triển kinh tế hậu COVID-19.

Sáu là, phát huy cơ chế thông tin, giám sát cộng đồng để đảm bảo hiệu quả triển khai và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh./.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

 

Theo bnews.vn