VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỔNG THÔNG TIN KINH TẾ VIỆT NAM

Tin%20n%E1%BB%95i%20b%E1%BA%ADt

Rộng đường cho vốn tư nhân chảy vào hạ tầng

29/06/2020 - 357 Lượt xem

 

Tròn mười năm kể từ khi thực hiện quy chế thí điểm đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đến nay, Quốc hội chính thức thông qua Luật PPP, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Việc ban hành luật nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Ðồng thời cũng là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP.

Ðây là cơ sở pháp lý quan trọng để thu hút đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng thiết yếu, tạo cú huých phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới. Thực tế, từ khi Việt Nam thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, cả nước đã có 336 dự án PPP do các bộ, ngành, địa phương ký kết, thực hiện.

Tuy nhiên vẫn không có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tức là chưa tận dụng được nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế của các nhà đầu tư lớn, trong khi đây là điều rất quan trọng đối với một thị trường mới nổi và chưa có nhiều kinh nghiệm về PPP như Việt Nam. Do đó, luật đã thiết kế các điều khoản hướng đến thu hút cả nguồn lực trong nước và nước ngoài. Luật PPP tập trung vào thu hút dự án thuộc năm lĩnh vực thiết yếu, gồm: Giao thông; lưới điện, nhà máy điện; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; y tế, giáo dục - đào tạo và hạ tầng công nghệ thông tin. Tổng mức đầu tư tối thiểu của một dự án là 200 tỷ đồng hoặc 100 tỷ đồng đối với các địa bàn, lĩnh vực đặc thù.

Bên cạnh kênh huy động vốn truyền thống từ ngân hàng, Luật PPP cho phép doanh nghiệp (DN) được phát hành trái phiếu DN để huy động vốn thực hiện dự án. Luật cũng quy định Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tham gia dự án PPP; kiểm toán khi thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng/giảm doanh thu; kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP khi được chuyển giao cho Nhà nước.

Một trong những nội dung rất cơ bản trong phương thức đầu tư PPP là cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu của dự án PPP. Luật quy định khi doanh thu thực tế của dự án chỉ đạt 75% trở xuống so với phương án tài chính ban đầu, Nhà nước xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu với nhà đầu tư.

Ngược lại, khi doanh thu thực tế đạt từ 125% trở lên, Nhà nước xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu. Cơ chế chia sẻ này được xem xét trên cơ sở kiểm soát doanh thu hằng năm. Ðối với hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), Luật PPP không quy định phương thức đầu tư này và có điều khoản chuyển tiếp quy định dừng nghiên cứu mới các dự án BT kể từ thời điểm Luật PPP được công bố. Các dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15-8-2020.

Xây dựng luật riêng về PPP cho thấy quyết tâm chính trị rõ ràng của Việt Nam trong việc thúc đẩy các dự án PPP với kỳ vọng tạo ra chính sách mới huy động vốn ngoài xã hội, vốn quốc tế đầu tư sâu hơn vào kết cấu hạ tầng, dịch vụ công của đất nước, đồng thời góp phần thực hiện chủ trương của Ðảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Ðể luật đi vào cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo các nghị định hướng dẫn kịp thời ban hành tại thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành.

BTheo nhandan.com.vn